Hóa đơn điện tử: Vì sao hộ kinh doanh không cần 'sợ'?

Nhiều hộ kinh doanh đóng cửa làm dấy lên lo ngại về chính sách hóa đơn điện tử mới. Tuy nhiên, thực tiễn cho thấy, đây không phải là rào cản, mà là một công cụ giúp họ quản lý tốt hơn, minh bạch hơn và xây dựng uy tín với khách hàng.

Bác tin hộ kinh doanh đóng cửa vì "sợ" hóa đơn điện tử

Tại buổi tọa đàm "Hộ kinh doanh đối mặt với chính sách thuế mới: Thách thức và giải pháp" do Báo Tiền Phong tổ chức ngày 8/7, ông Nguyễn Tiến Minh, Phó Cục trưởng Cục Thuế TP Hà Nội, đã trực tiếp giải đáp những băn khoăn lớn nhất của dư luận. Ông Minh khẳng định, thông tin cho rằng việc cơ quan thuế triển khai hóa đơn điện tử (HĐĐT) từ máy tính tiền là nguyên nhân chính dẫn đến tình trạng hộ kinh doanh đóng cửa hoàn toàn không chính xác.

Tọa đàm "Hộ kinh doanh đối mặt với chính sách thuế mới: Thách thức và giải pháp" do Báo Tiền Phong tổ chức.

Ông phân tích, mục tiêu cốt lõi của giải pháp này là tạo ra sự thuận tiện, nhanh chóng và minh bạch hơn cho chính người nộp thuế, đặc biệt là các đơn vị bán lẻ, kinh doanh hàng hóa, dịch vụ trực tiếp đến người tiêu dùng. "Thực ra, có thể nói rằng đây là một loại hóa đơn tạo ra sự thuận tiện tốt hơn so với cả hóa đơn điện tử có mã xác thực của cơ quan thuế", ông Minh nhấn mạnh. Lợi ích lớn nhất là các hộ kinh doanh không cần phải gửi từng hóa đơn lên cơ quan thuế để xin cấp mã xác thực, mà có thể chủ động xuất hóa đơn 24/7, ngay tại thời điểm bán hàng, giúp tiết kiệm thời gian và tăng tính linh hoạt.

Về vấn đề các hộ kinh doanh đóng cửa, ông Minh đưa ra những con số cụ thể để làm rõ bối cảnh. Tại Hà Nội, có khoảng 2.600 hộ kinh doanh tại các khu chợ đầu mối, chợ bán buôn lớn như Ninh Hiệp, Đồng Xuân. Tuy nhiên, trong số này, chỉ có 263 hộ thuộc diện bắt buộc phải áp dụng HĐĐT từ máy tính tiền (có doanh thu trên 1 tỷ đồng/năm). "Phần còn lại là không liên quan gì đến việc triển khai của cơ quan thuế trong thời gian vừa qua," ông Minh khẳng định.

Mức doanh thu kê khai của các hộ này trong năm 2024 đã tăng trung bình 42% so với thời điểm trước khi sử dụng hóa đơn điện tử.

Đáng chú ý, chính sách này đã được triển khai từ năm 2023 trên tinh thần tự nguyện. Kết quả cho thấy những tín hiệu rất tích cực. Tại thời điểm đó, chỉ bằng các giải pháp tuyên truyền, vận động, Hà Nội đã có gần 4.000 hộ kinh doanh tự nguyện đăng ký. Một con số đáng kinh ngạc là mức doanh thu kê khai của các hộ này trong năm 2024 đã tăng trung bình 42% so với thời điểm trước khi sử dụng hóa đơn điện tử. Điều này cho thấy tính minh bạch và hiệu quả của chính sách. Điều này, cho thấy nỗ lực của ngành thuế trong việc đồng hành thay vì áp đặt, ông Minh chia sẻ.

Từ hoang mang đến thích ứng

Từ góc nhìn của chính quyền cơ sở - nơi trực tiếp làm việc và lắng nghe tâm tư của các hộ kinh doanh bà Nguyễn Thùy Dương, Trưởng phòng Kinh tế - Hạ tầng và Đô thị phường Hai Bà Trưng, thừa nhận, việc chuyển đổi mang đến không ít thách thức, chủ yếu đến từ tâm lý và thói quen kinh doanh đã tồn tại từ lâu.

"Đối với các hộ kinh doanh bán lẻ, người ta rất e ngại tiếp cận và đâu đó cũng chưa tiếp cận được, cũng như chưa rõ được các chính sách," bà Dương chia sẻ. Sự bỡ ngỡ này là có thật. Nhiều người lo lắng về việc phải đầu tư thiết bị, sự phức tạp trong thao tác và đặc biệt là nỗi sợ doanh thu sẽ bị "phơi bày", dẫn đến việc bị truy thu thuế.

Bà Nguyễn Thùy Dương, Trưởng phòng Kinh tế - Hạ tầng và Đô thị phường Hai Bà Trưng, thừa nhận, việc chuyển đổi mang đến không ít thách thức.

Tuy nhiên, với vai trò của mình, chính quyền phường đã và đang nỗ lực trở thành cầu nối. Bà Dương cho biết, phường đã khẩn trương rà soát, nắm bắt tình hình và phối hợp chặt chẽ với cơ quan thuế để triển khai các giải pháp hỗ trợ. "Thời gian tới chúng tôi cũng sẽ tiếp tục tuyên truyền với bà con nhân dân và cùng đồng hành với thuế để tiếp tục rà soát, hỗ trợ bà con trong việc đăng ký kinh doanh" bà nói.

Một trong những giải pháp trọng tâm là "đi từng ngõ, gõ từng nhà", cử cán bộ đến tận nơi để: Hướng dẫn cài đặt, sử dụng phần mềm; Giải thích cặn kẽ về lợi ích của chính sách; Kết nối với các nhà cung cấp giải pháp có ưu đãi, thậm chí miễn phí trong thời gian đầu.

Nỗ lực này nhằm giúp các hộ kinh doanh hiểu rằng, đây không phải là một rào cản, mà là một công cụ giúp họ quản lý tốt hơn, minh bạch hơn và xây dựng uy tín với khách hàng.

Đồng tình góc nhìn này, ông Lại Ngọc Sơn, Ban quản lý chợ Đồng Xuân, cho biết, ban đầu, khi chính sách được đưa ra, không khí chung là khá hoang mang. "Cái gì triển khai lúc mới đầu thì cũng có những khó khăn", ông thừa nhận. Những khó khăn này đến từ sự đa dạng của các hộ kinh doanh tại chợ: Những người trẻ nhanh nhạy với công nghệ, nhưng cũng có rất nhiều các cụ, các bác lớn tuổi không quen sử dụng điện thoại thông minh. Bên cạnh đó là đặc thù kinh doanh: Việc bán hàng theo mùa, hàng hồi (hàng trả lại), hàng tồn kho phức tạp khiến việc áp dụng một quy trình chuẩn hóa trở nên khó khăn. Và thói quen dùng tiền mặt: Việc chuyển đổi sang thanh toán không dùng tiền mặt và xuất hóa đơn điện tử là một sự thay đổi lớn.

Đối mặt với những thách thức đó, Ban quản lý chợ đã hành động quyết liệt. "Chúng tôi cũng đã tổ chức các hội trường, đảm bảo cho các hộ kinh doanh lên để kê khai, rồi hướng dẫn", ông Sơn kể lại. Họ đã phối hợp với đội thuế, với các nhà mạng như Viettel, thành lập các nhóm hỗ trợ, trực tiếp cầm tay chỉ việc.

Kết quả thật đáng khích lệ. Từ chỗ lo ngại, đến nay 100% các hộ kinh doanh tại chợ đều đã có mã QR Code. Việc chuyển đổi sang HĐĐT từ máy tính tiền cũng đang được tiến hành thuận lợi. "Dần dần các bác cũng phải có luồng gió mới, chứ không thể là hàng hóa không có nguồn gốc", ông Sơn nói.

Ông Vũ Đức Duy, đại diện hộ kinh doanh thực phẩm đông lạnh Mộc Thúy Linh, chia sẻ: Ban đầu hộ kinh doanh của ông cũng có những lo ngại nhất định về việc siết chặt quản lý. Tuy nhiên, khi tìm hiểu kỹ, ông nhận ra những lợi ích lâu dài. "Nó cũng là một cơ hội tốt trong thời gian tới", ông Duy nhận định.

Theo ông Vũ Đức Duy, chính sách này sẽ tạo ra môi trường cạnh tranh lành mạnh khi mọi hộ kinh doanh đều phải minh bạch doanh thu, tình trạng bán phá giá, trốn thuế sẽ giảm, tạo ra một sân chơi công bằng cho tất cả mọi người. Đồng thời, thúc đẩy tính chuyên nghiệp việc sử dụng hóa đơn, sổ sách rõ ràng buộc các hộ kinh doanh phải quản lý hoạt động của mình một cách bài bản hơn. Và cũng là động lực để phát triển "Nó sẽ làm thay đổi các rủi ro buôn bán hóa đơn hay là gian lận về thuế", ông nói.

Kim Oanh

Nguồn Xây Dựng: https://baoxaydung.vn/hoa-don-dien-tu-vi-sao-ho-kinh-doanh-khong-can-so-19225070811192679.htm