Hoàn thiện thể chế, đáp ứng yêu cầu của kỷ nguyên số

Thời gian qua, Chi bộ Cục Thương mại điện tử và Kinh tế số đã có nhiều nỗ lực trong việc hoàn thiện thể chế, chính sách về thương mại điện tử và kinh tế số.

Chủ động tham mưu nhiều nhiệm vụ quan trọng

Theo Chi bộ Cục Thương mại điện tử và Kinh tế số (trực thuộc Đảng bộ Bộ Công Thương), những năm gần đây, chuyển đổi số và phát triển thương mại điện tử được Đảng xác định là một trong những đột phá chiến lược nhằm đổi mới mô hình tăng trưởng, nâng cao năng suất lao động và năng lực cạnh tranh quốc gia.

Các chủ trương lớn được thể hiện rõ qua Nghị quyết số 57-NQ/TW ngày 22/12/2024 của Bộ Chính trị về phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số quốc gia; Nghị quyết số 68-NQ/TW ngày 04/5/2025 của Bộ Chính trị về phát triển kinh tế tư nhân; Nghị quyết số 52-NQ/TW ngày 27/9/2019 của Bộ Chính trị về chủ trương chủ động tham gia cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư. Đây là những định hướng xuyên suốt, tạo nền tảng quan trọng cho tiến trình chuyển đổi số quốc gia trong thời gian tới.

Tại Bộ Công Thương, Đảng ủy Bộ ban hành nhiều văn bản chỉ đạo như Nghị quyết số 33-NQ/BCSĐ năm 2022, Nghị quyết số 111-NQ/BCSĐ năm 2023 nhằm lãnh đạo, chỉ đạo toàn diện công tác chuyển đổi số trong toàn ngành. Trên cơ sở các nghị quyết của Đảng ủy, Bộ trưởng Bộ Công Thương ban hành kế hoạch chuyển đổi số ngành hàng năm.

Gần đây, Bộ Công Thương ban hành Quyết định số 1568/QĐ-BCT ngày 03/6/2025 phê duyệt Kế hoạch phát triển thương mại điện tử quốc gia giai đoạn 2026 - 2030, khẳng định thương mại điện tử là lĩnh vực tiên phong trong nền kinh tế số, đồng thời, Kế hoạch phát triển thương mại điện tử quốc gia gắn kết chặt chẽ với Chương trình chuyển đổi số quốc gia nhằm tạo định hướng chung cho phát triển thương mại điện tử bền vững.

Bà Lê Hoàng Oanh, Cục trưởng Cục Thương mại điện tử và Kinh tế số báo cáo tiến độ, nội dung tóm tắt Dự thảo Luật Thương mại điện tử tại Hội nghị lấy ý kiến dự thảo Luật Thương mại điện tử ngày 30/6. Ảnh: Cấn Dũng

Bà Lê Hoàng Oanh, Cục trưởng Cục Thương mại điện tử và Kinh tế số báo cáo tiến độ, nội dung tóm tắt Dự thảo Luật Thương mại điện tử tại Hội nghị lấy ý kiến dự thảo Luật Thương mại điện tử ngày 30/6. Ảnh: Cấn Dũng

Tuy nhiên, trong quá trình triển khai thực tế, công tác chuyển đổi số vẫn tồn tại khó khăn, thách thức: Hạ tầng kỹ thuật và dữ liệu ở nhiều đơn vị chưa đáp ứng yêu cầu kết nối, chia sẻ. Việc xây dựng cơ sở dữ liệu chuyên ngành và liên thông giữa các hệ thống còn chậm; tỷ lệ dịch vụ công trực tuyến toàn trình ở một số lĩnh vực còn thấp; nhận thức và kỹ năng số của một bộ phận cán bộ, công chức chưa theo kịp yêu cầu thực tiễn, thể hiện rõ qua việc áp dụng chữ ký số, sử dụng các nền tảng điện tử còn hạn chế.

Về thương mại điện tử, bên cạnh tốc độ tăng trưởng nhanh, cũng tồn tại nhiều bất cập trong quản lý. Tình trạng hàng giả, gian lận thương mại và thất thu thuế diễn biến phức tạp. Một số mô hình mới như thương mại điện tử qua livestream, kinh doanh qua mạng xã hội, sàn giao dịch xuyên biên giới chưa được điều chỉnh bởi hệ thống pháp luật hiện hành, gây khó khăn trong kiểm soát và bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng.

Trước yêu cầu thực tế và đáp ứng xu hướng phát triển của nền kinh tế, Chi bộ Cục Thương mại điện tử và Kinh tế số đã chủ động tham mưu, triển khai nhiều nhiệm vụ quan trọng nhằm cụ thể hóa chủ trương của Đảng và chỉ đạo của Bộ Công Thương vào thực tế. Trong lĩnh vực chuyển đổi số, Cục đã hoàn thiện và trình ban hành Khung kiến trúc Chính phủ điện tử Bộ Công Thương phiên bản 2.0 - nền tảng kỹ thuật quan trọng nhằm thống nhất hệ thống thông tin và quy trình quản lý trong toàn ngành.

Đồng thời, Cục thúc đẩy xây dựng các cơ sở dữ liệu chuyên ngành, phát triển các hệ thống phục vụ điều hành và xử lý công việc trên môi trường số, triển khai đồng bộ dịch vụ công trực tuyến toàn trình và hệ thống ký số trong nội bộ Bộ Công Thương.

Đến nay, tỷ lệ xử lý hồ sơ trực tuyến đạt trên 99%, tương ứng gần 9 triệu hồ sơ, trong đó trên 97% đã được đồng bộ lên Cổng Dịch vụ công quốc gia. Với những kết quả đó, Bộ Công Thương tiếp tục xếp thứ nhất trong số các bộ, ngành về Chỉ số phục vụ người dân, doanh nghiệp.

Đối với lĩnh vực thương mại điện tử, Chi bộ đã chỉ đạo Cục chủ động đề xuất xây dựng Dự án Luật Thương mại điện tử. Mặc dù mới triển khai từ đầu năm 2025, dự án đã hoàn thành hồ sơ chính sách, được Chính phủ thông qua chủ trương, tổ chức lấy ý kiến rộng rãi và đang trong quá trình chuẩn bị trình Quốc hội vào tháng 10 năm 2025.

Bên cạnh công tác hoàn thiện thể chế, nhiều hoạt động hỗ trợ doanh nghiệp và địa phương cũng được triển khai mạnh mẽ, từ các chương trình liên kết vùng, số hóa chợ truyền thống đến tổ chức Ngày mua sắm trực tuyến quốc gia, đào tạo kỹ năng thương mại điện tử cho hơn 90.000 lượt học viên trên cả nước. Những hoạt động này đã góp phần lan tỏa việc ứng dụng số vào sản xuất và tiêu dùng.

Ông Nguyễn Hữu Tuấn, Giám đốc Trung tâm Phát triển thương mại điện tử và công nghệ số (Cục Thương mại điện tử và Kinh tế số) chia sẻ tại chương trình đào tạo với chủ đề “Kinh doanh dài lâu - Bắt đầu từ luật” cho các nhà bán hàng thương mại điện tử. Ảnh: Phương Thảo

Ông Nguyễn Hữu Tuấn, Giám đốc Trung tâm Phát triển thương mại điện tử và công nghệ số (Cục Thương mại điện tử và Kinh tế số) chia sẻ tại chương trình đào tạo với chủ đề “Kinh doanh dài lâu - Bắt đầu từ luật” cho các nhà bán hàng thương mại điện tử. Ảnh: Phương Thảo

Tăng cường đạo tạo kỹ năng số

Từ chỉ đạo định hướng của Đảng, Chính phủ, Bộ Công Thương và thực tiễn triển khai nhiệm vụ, Chi bộ Cục Thương mại điện tử và Kinh tế số đã có một số đề xuất, kiến nghị một số định hướng trong giai đoạn 2025-2030.

Cụ thể, đối với công tác chuyển đổi số, đẩy mạnh đầu tư xây dựng hạ tầng kỹ thuật số đồng bộ, hiện đại, có khả năng mở rộng và vận hành hiệu quả, góp phần kết nối dữ liệu và hệ thống của các bộ, ngành, địa phương, doanh nghiệp; tạo nền tảng vững chắc để thúc đẩy chuyển đổi số toàn diện. Đồng thời, phát triển các nền tảng số tích hợp, đồng bộ, phục vụ chính quyền điện tử, doanh nghiệp số và người dân;

Tăng cường đào tạo, nâng cao kỹ năng số cho đội ngũ cán bộ, công chức và đẩy mạnh phân cấp thủ tục hành chính gắn với ứng dụng nền tảng số để bảo đảm minh bạch, hiệu quả và kiểm soát tốt;

Tổ chức các chương trình đào tạo, tập huấn về chuyển đổi số, an toàn, an ninh mạng, kỹ năng công nghệ mới; phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao, có khả năng thiết kế, vận hành và khai thác các hệ thống, nền tảng số hiện đại, phục vụ tiến trình phát triển;

Khuyến khích các doanh nghiệp, cơ sở nghiên cứu, đổi mới sáng tạo, đặc biệt là các công nghệ như: AI, Big Data, blockchain, IoT, để nâng cao năng lực cạnh tranh và thúc đẩy các mô hình thương mại điện tử xanh, bền vững, thân thiện môi trường.

Đối với hoạt động thương mại điện tử, đề nghị sớm ban hành Luật Thương mại điện tử để kịp thời điều chỉnh các mô hình kinh doanh mới, tăng cường công tác quản lý, chống thất thu thuế và bảo vệ người tiêu dùng trong môi trường số cũng như thúc đẩy mạnh mẽ sự phát triển của thương mại điện tử;

Tiếp tục triển khai các chương trình phát triển thương mại điện tử theo hướng xanh, bền vững; thúc đẩy kết nối thương mại điện tử với logistics, thanh toán số và dịch vụ công trực tuyến; đẩy mạnh hỗ trợ doanh nghiệp Việt Nam tăng cường xuất khẩu qua kênh thương mại điện tử xuyên biên giới.

Chuyển đổi số là xu thế tất yếu và là công cụ quan trọng để đổi mới phương thức quản lý nhà nước, cải cách hành chính và thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội. Trong nhiệm kỳ tới, Chi bộ Cục Thương mại điện tử và Kinh tế số quyết tâm phát huy vai trò tham mưu, đi đầu trong triển khai các nhiệm vụ được giao, phối hợp chặt chẽ với các đơn vị trong và ngoài Bộ, góp phần thực hiện thắng lợi các mục tiêu, nhiệm vụ mà Đại hội Đảng bộ Bộ Công Thương nhiệm kỳ 2025 - 2030 đề ra.

Phong Lâm

Nguồn Công Thương: https://congthuong.vn/hoan-thien-the-che-dap-ung-yeu-cau-cua-ky-nguyen-so-409717.html