Hóa đơn điện tử: Vượt khó để hưởng tiện ích
Từ tháng 11/2021, doanh nghiệp (DN) trên địa bàn TP. Hồ Chí Minh chính thức áp dụng hóa đơn điện tử theo quy định mới. Lúc đầu người kinh doanh chưa quen sẽ thấy phức tạp, nhưng về lâu dài lợi ích từ hóa đơn điện tử là rất lớn.
Hộ kinh doanh khu vực dành cho người nước ngoài tại chợ Bến Thành, TP. Hồ Chí Minh cũng sẽ chuyển sang sử dụng hóa đơn điện tử. Ảnh: Gia Cư
Nhiều khó khăn ban đầu
Ông Thái Minh Giao - Phó Cục trưởng Cục Thuế TP. Hồ Chí Minh cho biết, hóa đơn điện tử (HĐĐT) theo quy định mới có khác so với HĐĐT theo quy định cũ.
Cụ thể, nếu trước đây HĐĐT được thực hiện trên phương tiện điện tử (hầu hết in từ máy tính), thì nay Thông tư 78 của Bộ Tài chính quy định HĐĐT gồm các loại: hóa đơn có mã của cơ quan thuế, hóa đơn không có mã (của DN có hạ tầng như điện, nước, viễn thông) và hóa đơn từ máy tính tiền có kết nối với cơ quan thuế, hoàn toàn chạy trên nền tảng công nghệ, không cần phải in ấn.
Theo ông Giao, tại thời điểm này dù TP. Hồ Chí Minh đã có 173.500 DN (chiếm 75% DN) sử dụng HĐĐT theo quy định cũ, thế nhưng chỉ có 118 DN thực hiện thí điểm HĐĐT có mã xác thực, tức đủ điều kiện theo quy định mới.
Như vậy, số lượng DN phải chuyển đổi theo quy định mới là rất lớn. Ngoài ra, theo quy định về hóa đơn của Luật Quản lý thuế, trước đây DN xuất khẩu sử dụng hóa đơn thương mại, nay quy định mới buộc sử dụng hóa đơn giá trị gia tăng.
Các DN này cho rằng, đã đồng bộ hóa thì không cần hóa đơn xuất khẩu, vì khi xuất khẩu đã truyền tờ khai hải quan rồi. Và phía nước ngoài cũng không thừa nhận HĐĐT của phía DN Việt Nam; như vậy, có xuất hóa đơn cũng chủ yếu là xuất… bỏ, nhưng lại tăng thêm chi phí cho DN, nên cần thay đổi quy định này.
Khó khăn là ngay trong tháng 11 phải triển khai HĐĐT theo quy định mới, đầu tháng hầu hết DN phải được tập huấn, trong khi TP. Hồ Chí Minh vừa bước qua đợt cao điểm dịch Covid-19 nên nhiều DN sẽ gặp khó khăn, lúng túng trong quá trình triển khai, vận hành ban đầu.
Cũng do những tháng qua có quá nhiều DN ở TP. Hồ Chí Minh phải ngừng hoạt động không sản xuất, kinh doanh được nên lượng hóa đơn cũ còn tồn nhiều đã phát sinh tâm lý chưa muốn thực hiện ngay nên đã đề nghị, những DN còn tồn hóa đơn đã phát hành theo điều khoản chuyển tiếp của Thông tư 78 thì cơ quan thuế nên tạo điều kiện cho DN tiếp tục sử dụng.
Bên cạnh đó, nhiều DN vẫn lo ngại và cho rằng: áp dụng HĐĐT phải có cơ sở hạ tầng, máy móc hiện đại, trong khi công ty nhỏ đã có kế toán, giờ lại thuê thêm nhân viên công nghệ thông tin để quản trị? Nếu nghẽn mạng thì sao xuất hóa đơn?...
Các chuyên gia về thuế cho rằng, nhận thức và đề xuất của DN nêu trên là bình thường và khó tránh khỏi bởi, bất cứ lĩnh vực nào trong xã hội, “khi xóa bỏ cái cũ, thay đổi cái mới” bao giờ cũng gặp phải những khó khăn, trở ngại nhất định. Không chỉ là rào cản bởi tâm lý e ngại, bảo thủ, sợ phải tăng chi phí, nhân lực… đối với địa bàn TP. Hồ Chí Minh hầu hết các DN trong quá trình hồi phục đang có quá nhiều việc cần làm, phải làm cũng đang là một áp lực lớn.
Lợi ích nhiều chi phí ít
Theo ông Phạm Trí Dũng - Trưởng phòng Tuyên truyền - Hỗ trợ người nộp thuế, Cục Thuế TP. Hồ Chí Minh, khi áp dụng HĐĐT mới, DN, hộ kinh doanh không cần phải thuê nhân sự công nghệ thông tin, mà có thể ký hợp đồng với đơn vị dịch vụ truyền dữ liệu như hợp đồng cung cấp HĐĐT trước đây. DN sẽ được cung cấp phần mềm và phần mềm này giúp DN khi xuất hóa đơn sẽ được truyền dữ liệu đến cơ quan thuế cùng lúc với chuyển hóa đơn cho khách hàng. “Nếu có vấn đề về mạng thì được tạm sử dụng hóa đơn do cơ quan thuế cung cấp” - ông Dũng cho biết thêm.
Trước việc nhiều tiểu thương cho rằng, khi áp dụng HĐĐT khá phức tạp, tiểu thương khó có thể đáp ứng được yêu cầu về công nghệ. Đại diện Cục Thuế TP. Hồ Chí Minh cho biết, điều này đã được Bộ Tài chính nêu trong Thông tư số 88 hướng dẫn về chế độ kế toán cho hộ kinh doanh, cá nhân kinh doanh nộp thuế theo phương pháp kê khai, có hiệu lực vào đầu năm 2022. Theo đó, hộ kinh doanh, cá nhân kinh doanh được lựa chọn áp dụng chế độ kế toán DN siêu nhỏ. Thậm chí, cho phép hộ kinh doanh được bố trí người nhà làm kế toán mà không đòi hỏi phải đủ bằng cấp theo quy định.
Theo đại diện Cục Thuế TP. Hồ Chí Minh về chi phí khi áp dụng HĐĐT, lúc đầu người kinh doanh chưa quen sẽ thấy khó khăn, phức tạp, khẳng định về lâu dài lợi ích từ HĐĐT là rất lớn. Cụ thể, DN giảm được chi phí in ấn hóa đơn, quản lý hóa đơn chặt chẽ; DN không phải nộp bảng kê khai hóa đơn hàng tháng, hàng quý; DN và khách hàng có thể xuất hóa đơn bất kỳ nơi đâu, không cần phải đi lại hay lưu trữ...
Đặc biệt đối với cơ quan quản lý thuế, khi áp dụng HĐĐT, việc quản lý dữ liệu kịp thời sẽ tránh trường hợp mua bán hóa đơn giả, hóa đơn không hợp pháp như trước đây./.
Để hỗ trợ DN chuyển đổi và đăng ký HĐĐT theo quy định mới, Cục Thuế TP. Hồ Chí Minh thành lập Trung tâm điều hành triển khai HĐĐT để hỗ trợ DN. Theo đó, DN muốn giải đáp thắc mắc về HĐĐT, có thể gọi vào đường dây nóng 028.3770.2288 (bấm phím nội bộ số 8) để được hỗ trợ.