Hoa giả, lúa giả và 5 tồn tại của du lịch Tây Nam bộ
Các tỉnh thành Tây Nam bộ phải thay đổi tư duy, xác định làm du lịch là làm kinh tế, đoạn tuyệt tư duy lễ hội miễn phí, chạy theo số lượng.
Ngày 16-18/3, Sở Du lịch TP.HCM tổ chức cho hơn 100 doanh nghiệp du lịch thành phố cùng các tỉnh Bình Dương, Bà Rịa - Vũng Tàu về Bạc Liêu khảo sát dịch vụ, các điểm đến và tham dự hội nghị triển khai chương trình hợp tác, liên kết phát triển du lịch TP.HCM và 13 tỉnh Tây Nam bộ năm 2022.
Đây là đoàn famtrip hùng hậu, thể hiện quyết tâm và kỳ vọng của ngành du lịch phía Nam. Với vai trò đầu tàu, TP.HCM nỗ lực tối đa để du lịch phục hồi nhanh chóng, sau hơn hai năm đứng hình.
Tây Nam bộ gồm 13 tỉnh thành: Long An, Tiền Giang, Bến Tre, Đồng Tháp, Vĩnh Long, Trà Vinh, Sóc Trăng, Hậu Giang, Bạc Liêu, Cà Mau, Kiên Giang, An Giang, Cần Thơ.
Được xem là vùng trũng của du lịch cả nước, Tây Nam bộ đang đối mặt với nhiều khó khăn, không dễ gì vượt qua. Có thứ nhỏ nhặt nhưng là cản trở lớn để ngành du lịch đột phá.
Cách đây hơn 10 năm, trong Roadshow du lịch Quảng Nam – Đà Nẵng – Thừa Thiên Huế tại Cần Thơ, tôi đã góp ý: “Dù là vựa lúa gạo, không chỉ của Việt Nam mà cả ASEAN với nhiều loại gạo ngon nhưng khách về miền Tây luôn được ăn gạo dở nhất”. Ngay lập tức, lãnh đạo Cần Thơ chỉ đạo: “Từ ngày mai, các nhà hàng, quán ăn phải nấu gạo ngon nhất mời khách”.
12 năm sau, chuyện xưa mà vẫn mới. Các nhà hàng lớn, nhỏ đều không nấu gạo ST25. Chẳng lẽ vì đắt hơn 10.000-15.000 đồng mỗi ký nên không dám. Vào một nhà hàng lớn ngay trung tâm TP. Sóc Trăng càng thấy kỳ, nhà hàng quảng bá và bán gạo ST25 chính hiệu nhưng lại nấu gạo thường cho khách.
Trong khi ở Phan Thiết, nhà hàng cơm niêu C.P dám lấy mỗi tháng nửa tấn gạo ST25 đãi khách. Chủ nhà bảo, nấu gạo ST25 giá thành mỗi bữa ăn tăng thêm 2% nhưng doanh thu hàng tháng tăng thêm 20%.
Các khách sạn, nhà hàng đều chuộng hoa giả. Ngay cả cây lúa cũng làm giả, dù nhà hàng mang tên. Chiều 16/3 đến Bạc Liêu, vào khách sạn phải xét nghiệm nhanh mới được nhận phòng. Sao không xét nghiệm trước ở nhà? Đi đường xa, 8 tiếng ngồi xe mệt mỏi, tới nơi còn chờ đợi xét nghiệm nhanh. Vào tiệm thuốc tây, phải xếp hàng khoảng cách, trả tiền và nhận thuốc qua giỏ sào.
Chống dịch có vẻ quyết liệt nhưng vào nhà ăn, nơi nào cũng dùng nước chấm chung, dùng đũa muỗng riêng lấy thức ăn chung thoải mái. Cứ như virus sợ nhà hàng, chỉ lây ở sảnh lễ tân? Mấy người F0 phải tự lo phương tiện về TP.HCM.
Sáng 19/3, xét nghiệm nhanh thêm lần nữa. Famtrip, toàn lãnh đạo doanh nghiệp và báo chí, ba ngày xét nghiệm hai lần; chắc du lịch phải xét nghiệm từng ngày. Mở cửa du lịch quốc tế rồi mà nội địa còn làm khó nhau như vậy, ai mà dám tới.
Quá nhiều chuyện cần nói và góp ý để du lịch Tây Nam bộ không chỉ phục hồi mà còn tăng tốc. Xin mạo muội đúc kết thành ba số 5 (555).
5 tồn tại
Thứ nhất, chưa yêu quê mình đủ nên khó rủ khách đến, nhất là ngành du lịch; chống dịch bất nhất.
Thứ hai, tư duy đoàn thể, làm du lịch kiểu phong trào, chạy theo số lượng, thích bề nổi ‘trống giong cờ mở’.
Thứ ba, sản phẩm đơn điệu, từ điểm đến, ẩm thực và dịch vụ; dù thừa tiềm năng. Chưa biết tận dụng, khai thác thế mạnh từng địa phương.
Thứ tư, liên kết lỏng lẻo, không có thực chất, trong từng địa phương; nói chi cả khu vực và với TP.HCM.
Thứ năm, giao thông vẫn khó khăn, hết phà nhưng đường xấu, độc đạo, nhiều nơi chỉ cho xe dưới 8 tấn.
Tôi không xem tài chính và nhân lực là trở ngại lớn. Doanh nghiệp và người dân chưa dám mạo hiểm, bỏ tiền đầu tư vì chưa có những dự án khả thi, thiếu niềm tin kinh doanh. Nhân lực cũng vậy. Nếu thật sự yêu và quyết chí, mọi việc trong tầm tay.
5 đề xuất với Tây Nam bộ
Thứ nhất, thay đổi tư duy. Làm du lịch là làm kinh tế, đoạn tuyệt tư duy lễ hội miễn phí, chạy theo số lượng; tập trung tăng doanh thu cho từng đầu khách, kéo dài thời gian lưu trú, gắn với nông nghiệp sạch và chất lượng cao.
Thứ hai, tổng kiểm tra, rà soát dịch vụ trước khi hoạt động trở lại. Các khách sạn nhà hàng dùng đặc sản địa phương để quảng bá du lịch, nhất là gạo ST25.
Thứ ba, dùng tinh thần, thái độ phục vụ làm lợi thế cạnh tranh với du lịch cả nước; bên cạnh việc nâng chất dịch vụ. Nhà hàng bắt buộc có nước chấm riêng cho từng khách, có muỗng đũa chung để lấy đồ ăn chung ra chén đĩa riêng từng người.
Thứ tư, xây dựng bộ sản phẩm tour đặc thù của từng địa phương để doanh nghiệp lữ hành chọn lựa, thiết kế lại cho phù hợp với từng công ty, từng thị phẩn.
Thứ năm, cùng Trung ương giải quyết bài toán giao thông. Cập nhật thông tin điểm đến và dịch vụ trên các trang mạng, nhất là Google, nối các điểm đến với tuyến xe buýt. Làm biển báo du lịch tại các trục lộ chính, giao lộ vào điểm đến.
5 kiến nghị với Trung ương
Thứ nhất, giảm tiếp thuế VAT cho ngành du lịch, còn 5% thay vì 8% như hiện nay.
Thứ hai, lùi thời gian đóng lãi suất ngân hàng và bảo hiểm xã hội đến đầu năm 2023.
Thứ ba, đơn giản hóa thủ tục nhập cảnh như các nước (làm visa trực tiếp ngay tại cửa khẩu, không qua trung gian chỉ định). Điều chỉnh 5K còn 2K là “Khử khuẩn, đo thân nhiệt” và “Khẩu trang”.
Thứ tư, miễn thị thực du khách nước ngoài đến Việt bằng đường hàng không, ở lại trên 2 tuần, chi tiêu trên 3.000 USD từ nay đến đầu năm 2023.
Thứ năm, Chính phủ cam kết chống dịch thống nhất, không thò thụt; tạo niềm tin để các doanh nghiệp, nhà đầu tư, du khách lẫn người dân, yên tâm làm du lịch và đi du lịch.