'Hóa giá' ngày công
1. Tôi không có ý phân biệt nghề nghiệp, sự lựa chọn nào phù hợp và là việc làm chân chính thì rồi cũng sẽ giúp cuộc sống của chúng ta ổn thỏa. Chuyện ở đây là liệu rằng một ngày công của mỗi người đáng giá bao nhiêu? Và sau cả năm dài hăng hái 'cày cuốc', phần tích cóp được cho mùa Tết như thế nào?
Ai rồi cũng sẽ có câu trả lời, bởi ai cũng phải tính toán, tiên liệu… Những mong một cái Tết đong đầy dư vị, chắc ai cũng phải tự dặn lòng trước hết phải “hóa giá” những ngày công bằng một kế hoạch làm việc, để mà nỗ lực, và có thể là cả những hy sinh về tinh thần.
Năm nào cũng vậy, Tết càng cận kề thì kế hoạch “hóa giá” của tôi càng chi tiết, rõ ràng từng khoản, từng món. Khoản này gửi mẹ để sắm sửa, vun vén sao cho ngày Tết của gia đình đủ đầy, tươm tất, từ bếp núc, mâm cỗ đến những xấp phong bao lì xì. Khoản kia gửi cha để “thưởng hoa xuân” – một chậu mai tứ quý hay một cành đào ngọc bích, và để sửa sang bàn thờ tổ tiên, làm mới bộ bàn ghế… Một khoản không thể thiếu để thực hiện lời hứa sắm màu áo mới cho mấy đứa cháu khoe niềm hân hoan. Và tôi cũng không quên dành một phần nữa để sẻ chia chút quà Tết chân thành cho những cảnh đời eo hẹp.
Phần cho chính mình, tôi chỉ thích được hít hà thứ mùi hương dễ chịu tỏa ra từ nồi nước mùi già mẹ nấu để pha nước tắm trong những chiều cuối năm, tưởng như đó là dịp gột rửa hết những “bụi bặm” của dài tháng năm xa xứ.
2. Vậy nhưng năm nay tôi đón Tết xa nhà hàng vạn dặm đường bay – ở tận châu Úc. Tôi từng theo đuổi một tấm visa đến xứ người để được cần mẫn cống hiến sức lao động. Nhịp sống đã chuyển đổi, giờ đây không hiếm những gia đình có con cháu là công dân toàn cầu góp mặt khắp năm châu. Đó còn được xem là niềm vui, niềm tự hào cả về tinh thần lẫn vật chất có được từ thu nhập.
Nhưng dù có đi bốn phương trời, có trải qua nhiều hành trình trong đời, tôi đinh ninh một niềm tin yêu rằng bất cứ ai mang trong mình dòng máu dân tộc Việt như tôi đều bằng cách này hay cách khác được nhắc nhớ về nguồn cội, với những thao thức, hoài vọng về cố hương, đặc biệt là những dư vị của Tết Nguyên đán nơi quê nhà.
Dẫu biết “ở đâu âu đấy”, những ngày 29, 30 Tết hay mùng 1, mùng 2 Tết nơi xứ người chỉ là những ngày bình thường trôi qua, tôi hẳn cũng không khỏi mủi lòng rưng rức nhớ thương. Thật lòng, chẳng ai muốn rời xa nơi mình sinh ra. Đó là cả một hành trình đón nhận và chấp nhận, lựa chọn và đánh đổi. Với nhiều người, khi đặt chân tới miền đất mới, đó có thể là đường mở, nhưng làm sao biết được – có khi lại là đường cùng!
Như bao người, tôi chỉ làm cái việc đơn giản mà ai lúc trưởng thành cũng làm, đó là tự kiếm tiền, để có thể thực hiện những mục tiêu thiết thực trong đời. Chẳng hạn để cất được một mái nhà như ý nguyện, tôi xác định cần phải nghiêm túc nắm bắt cơ hội làm việc ở nước ngoài trong vài năm, thay vì làm việc ở trong nước thì hành trình đó phải lên đến năm hay mười năm. Cũng như nếu muốn có một ngày mai ấm êm thì ngày hôm nay phải chịu mang khó nhọc, phải biết biến đổi bản thân tốt hơn, phù hợp hơn với thời cuộc. Và một khi biết đặt ra mối quan tâm và ưu tiên trên hết chính là gia đình và người thân, người ta sẽ thấy mình làm điều gì cũng là xứng đáng. Sẽ chẳng có minh chứng nào đảm bảo bằng những cố gắng hữu hiệu của mỗi ngày ta nỗ lực sống và làm việc, dù ở bất cứ đâu, ta cũng sẽ biết tìm ra cách sống cho nên người nên nghiệp.
3. Đón Tết xa nhà, tôi sẽ không được tắm trong nước mùi già, không có ngày nghỉ, không có dịp đoàn viên… và rất nhiều điều không thể. Duy một điều có thể, đó là sự quyết tâm thực hiện kế hoạch “hóa giá” những ngày công – như thứ của để dành cho mùa Tết an khang thịnh vượng.
Công tâm mà chia sẻ, đôi khi tình cảm cũng có thể quy đổi ra những đồng tiền đoan chính. Mỗi khi âm báo tin nhắn trừ tiền trong tài khoản vang lên, trong lòng tôi cảm thấy bằng an, thầm cảm tạ đất trời sắp mang hương vị Tết về cận kề bên những tình thân. Và để tự an ủi: dẫu có “xa mặt”, nhưng ta chân tình gửi gắm lòng thành thì sẽ chẳng có “cách lòng” đâu!
Nguồn Saigon Times: https://thesaigontimes.vn/hoa-gia-ngay-cong/