Hóa giải 7 'điểm đen tai nạn' ở TP HCM
Với 3 giải pháp, TP HCM đặt mục tiêu đến cuối năm 2023 xóa được 7/9 điểm đen tai nạn giao thông
Mới đưa vào sử dụng cuối tháng 4-2022, cầu Ba Son nối trung tâm TP HCM với khu đô thị mới Thủ Thiêm, TP Thủ Đức thu hút lượng lớn phương tiện giao thông qua lại mỗi ngày.
Căng thẳng khi qua điểm đen
Quan sát cho thấy hầu như giờ cao điểm sáng và chiều, lượng phương tiện qua cầu chính cũng như dưới chân cầu đều đông đúc. Trên cầu chính, do mặt cắt ngang rộng, dòng phương tiện lao vun vút. Điều này tiềm ẩn nguy cơ tai nạn giao thông, nhất là tại điểm giao giữa nhánh cầu chính và nhánh dẫn từ đường Tôn Đức Thắng lên.
Kể lại tình huống chứng kiến va chạm giữa 2 xe máy tại đây, anh Nguyễn Văn Sơn, TP Thủ Đức, không giấu được cảm giác rùng mình trước hình ảnh xe vỡ, người văng khi đó. Anh Sơn nhận xét cầu rộng, tài xế hay có tâm lý chủ quan, ít tập trung quan sát nên va quệt dễ xảy ra.
Còn tại giao lộ Thoại Ngọc Hầu - Lũy Bán Bích (quận Tân Phú), tình hình giao thông luôn phức tạp vào giờ cao điểm do cấu hình nút giao dạng chữ X. Phương tiện từ bên này qua đường đối diện bên kia mất nhiều thời gian do khoảng cách xa nên thường mắc kẹt giữa đường vì hết đèn tín hiệu. Những lúc này giao thông thường hỗn loạn, ùn ứ và xảy ra va chạm.
Tương tự, tại một số điểm đen khác như giao lộ Phan Văn Hớn - Trần Văn Mười (huyện Hóc Môn), giao lộ Võ Trần Chí - Trần Văn Giàu (quận Bình Tân), đường 3 Tháng 2 (đoạn từ đường Lê Đại Hành đến Tạ Uyên, quận 11); trước số 216 Quốc lộ 1K (TP Thủ Đức); xa lộ Hà Nội (đoạn từ trụ điện T39C đến trụ điện T40C, TP Thủ Đức) có tình trạng chung là các hướng, tuyến đều tiềm ẩn nguy cơ.
Ông Võ Khánh Hưng, Phó Giám đốc Sở Giao thông Vận tải (GTVT) TP HCM, cho biết từ đầu tháng 5-2023, Sở GTVT đã ban hành kế hoạch xử lý 9 điểm đen tai nạn giao thông trên địa bàn thành phố. Ngoài 7 điểm đen mới phát sinh trong năm 2022 như vừa kể trên còn 2 điểm đen cũ là nút giao Mỹ Thủy (TP Thủ Đức) và nút giao An Sương (quận 12 và huyện Hóc Môn).
Đồng bộ 3 "chân kiềng"
"Mục tiêu của Sở GTVT sẽ phấn đấu xóa điểm đen trên đường 3 Tháng 2 vào tháng 6 này và phấn đấu xóa tiếp 6 điểm đen trong 6 tháng cuối năm 2023, song song đó là hạn chế phát sinh điểm đen mới năm 2023. Về giải pháp sẽ áp dụng đồng bộ 3 "chân kiềng" gồm cải tạo hạ tầng giao thông, tăng cường xử lý vi phạm và đẩy mạnh tuyên truyền" - ông Hưng cho hay.
Đi vào cụ thể, theo đại diện Sở GTVT, tại điểm đen đoạn đường xa lộ Hà Nội sẽ có cảnh báo tại khu vực trước trụ điện T39C và T40C. Song song đó bổ sung vạch giảm tốc rải đều từ điểm quay đầu xe trước tòa nhà Cantavil đến đường số 24; lắp đặt các biển báo cấm đỗ xe tại đầu các giao lộ.
Tại cầu Ba Son sẽ tăng cường sơn phản quang, biển cảnh báo nhập làn trên nhánh dẫn từ đường Tôn Đức Thắng lên cầu. Ngoài ra, bổ sung 5 vạch giảm tốc rải đều; bổ sung camera quan sát giao thông tại khu vực giao giữa nhánh đường cong với cầu chính...
Hai giao lộ Võ Trần Chí - Trần Văn Giàu và Thoại Ngọc Hầu - Lũy Bán Bích sẽ nghiên cứu phương án cải tạo kích thước hình học giao lộ, bổ sung vạch sơn dẫn hướng và điều chỉnh thời lượng đèn tín hiệu giao thông cho phù hợp thực tế.
Tại giao lộ Phan Văn Hớn - Trần Văn Mười sẽ lắp đặt biển cảnh báo tai nạn cũng như chú ý quan sát cho người dân, kẻ vạch sơn giảm tốc rải đều trên các hướng trước khi lưu thông vào nút giao. Ngoài ra sẽ vuốt dốc tạo êm thuận cho vị trí kết nối giữa đường Phan Văn Hớn và đường vào khu dân cư Đại Hải, bổ sung gương cầu lồi vị trí góc đường vào khu dân cư này.
Riêng 2 điểm đen tồn tại nhiều năm là nút giao Mỹ Thủy và nút giao An Sương, sẽ có nhiều điều chỉnh. Nút giao Mỹ Thủy sẽ điều chỉnh đèn tín hiệu giao thông (tăng thời lượng để dòng container rẽ phải từ cầu Mỹ Thủy 3 vào đường Võ Chí Công về hướng cầu Phú Mỹ không giao cắt với dòng xe 2 bánh đi thẳng, rẽ trái). Bên cạnh đó, kẻ vạch giảm tốc rải đều trên cầu Mỹ Thủy 3, đường Đồng Văn Cống, Nguyễn Thị Định và Võ Chí Công nhằm cảnh báo phương tiện trước khi lưu thông vào vòng xoay. Tăng bề rộng vạch dừng trên đường Đồng Văn Cống (hướng từ cầu Mỹ Thủy 3 vào vòng xoay); tiếp tục xây dựng các nhánh đường rẽ, cầu vượt và các hạng mục còn lại của nút giao Mỹ Thủy, tăng cường chiếu sáng dưới dạ cầu… cũng là những việc cần làm.
Với nút giao An Sương, theo ông Võ Khánh Hưng, Sở GTVT sẽ nghiên cứu phương án cải tạo, giảm kích thước hình học tiểu đảo nhánh rẽ phải từ Quốc lộ 22 vào Quốc lộ 1 đi về phía quận Bình Tân. Cùng với đó, lắp đặt lại hệ thống đèn tín hiệu giao thông tại vòng xoay, điều chỉnh pha đèn theo hướng tách pha dành cho ôtô riêng với pha dành cho xe 2 bánh; bổ sung vạch sơn phân làn, tăng cường chiếu sáng dưới dạ cầu…
Tại nút giao An Sương (quận 12), địa điểm nằm ở cửa ngõ Tây Bắc thành phố này dù hoàn chỉnh xây dựng với 2 hầm chui và cầu vượt nhưng vẫn là nỗi ám ảnh về an toàn đối với người đi đường, nhất là những lúc phương tiện từ các hướng dồn về gây xung đột giao thông trong giờ cao điểm.
Chạy xe Grab khu vực này hơn 3 năm, anh Nguyễn Tấn Song kể cứ khoảng 10 giờ và sau 16 giờ, xe tải từ các hướng đổ về nút giao rất đông. Do không có đèn tín hiệu, phương tiện không nhường nhau nên chỉ cần tranh giành một chút là xảy ra tai nạn đáng tiếc. "Cách đây vài tháng, có vụ tai nạn chết người rồi. Vì xe máy chạy chung với xe tải, container nên chỉ cần va chạm nhỏ là mất mạng" - anh Song nói và bày tỏ hy vọng cơ quan chức năng sớm có giải pháp hữu hiệu.
Nguồn NLĐ: https://nld.com.vn/thoi-su/hoa-giai-7-diem-den-tai-nan-o-tp-hcm-2023052120322839.htm