Hóa giải áp lực giải ngân vốn giao thông
Năm 2025, các ban quản lý dự án thuộc Bộ Xây dựng vẫn đối diện áp lực giải ngân rất lớn. Nhiều giải pháp đã được đưa ra để đảm bảo kết quả giải ngân đạt kế hoạch.
Xây dựng lại kế hoạch để tăng tốc
Kết thúc 3 tháng đầu năm, Ban QLDA 7 ghi nhận khối lượng giải ngân hơn 800 tỷ đồng, đạt 12% kế hoạch vốn được giao (hơn 6.000 tỷ đồng). Tỷ lệ trên cao hơn mức giải ngân trung bình của Bộ Xây dựng (gần 10%), song vẫn chưa đạt kế hoạch đã đăng ký.

Ước tính tới ngày 31/3, Bộ Xây dựng giải ngân hơn 8.300 tỷ đồng, cơ bản đạt mức tỷ lệ giải ngân bình quân chung cả nước. Ảnh minh họa: Tạ Hải.
Theo ông Lê Quốc Dũng, quyền Giám đốc Ban QLDA 7, nguyên nhân chủ yếu do hai dự án thành phần cao tốc Bắc - Nam đoạn Chí Thạnh - Vân Phong, Vân Phong - Nha Trang giải ngân chưa đáp ứng yêu cầu. Giải ngân các công việc của hạng mục ITS đầu năm 2025 không đạt kế hoạch bởi đây là công việc mới, chưa lường hết khó khăn, vướng mắc.
Mặc dù vậy, những tháng đầu năm, một số dự án đơn vị đảm nhận có kết quả giải ngân tương đối tốt như: Dự án BT20 giải ngân 466/981 tỷ đồng, đạt 100% kế hoạch đăng ký; cầu Mỹ Thuận 2 vượt 50% so với kế hoạch đăng ký; Dự án Vĩnh Hảo - Phan Thiết đạt 100% kế hoạch đăng ký.
"Chúng tôi đang xây dựng lại kế hoạch giải ngân từng tháng phù hợp với tình hình thực tế, tăng kết quả ngay trong tháng 4 này", ông Dũng chia sẻ.
Tương tự, được giao kế hoạch vốn 10.142 tỷ đồng trong năm 2025, kết thúc quý I/2025, Ban QLDA đường Hồ Chí Minh cũng được xếp vào nhóm các chủ đầu tư giải ngân cao hơn mức trung bình cả Bộ nhưng chưa đáp ứng tiến độ đăng ký.
Theo Nguyễn Vũ Quý, Giám đốc Ban, tính đến 31/3, sản lượng giải ngân của đơn vị chậm 104 tỷ đồng so với kế hoạch. Nguyên nhân do kết quả tại hai dự án Hòa Liên - Túy Loan và đường Hồ Chí Minh đoạn Chợ Chu - Ngã ba Trung Sơn hạn chế mặt bằng thi công, khối lượng thực hiện ít dẫn đến kết quả giải ngân chỉ đạt lần lượt 62% và 85% kế hoạch.
Tuy nhiên, chỉ trong vòng 10 ngày đầu tháng 4, Ban QLDA đường Hồ Chí Minh đã giải ngân được thêm 172 tỷ đồng, cơ bản đã giải phóng được một số điểm nóng GPMB.
Một số dự án có tỷ lệ giải ngân tương đối cao như: cao tốc đoạn Vạn Ninh - Cam Lộ (vượt 19%); cao tốc La Sơn - Túy Loan (vượt hơn 2%); đường Hồ Chí Minh đoạn Rạch Sỏi - Bến Nhất - Gò Quao - Vĩnh Thuận (vượt 36%).
Cam kết giải ngân 100% vốn được giao
Là một trong những ban quản lý dự án có kế hoạch vốn tương đối lớn trong năm 2025 (hơn 10.600 tỷ đồng), đến nay, tỷ lệ giải ngân của Ban QLDA 2 đạt gần 16%, cải thiện đáng kể so với nửa tháng trước.
Cuối tháng 3, giải ngân quý I/2025 của Ban chỉ ước đạt 562 tỷ đồng, tương đương hơn 5% kế hoạch.
Theo ông Lê Thắng, Giám đốc Ban QLDA 2, nguyên nhân do một số dự án như: Kết nối giao thông các tỉnh miền núi phía Bắc qua tỉnh Yên Bái và Lai Châu; Dự án xây dựng tuyến Chợ Mới - Bắc Kạn còn vướng mắc mặt bằng; Khó khăn nguồn vật liệu tại một số dự án như Quảng Ngãi - Hoài Nhơn vẫn chưa được giải quyết triệt để.
"Thực hiện chỉ đạo của Bộ trưởng Bộ Xây dựng, năm 2025, Ban sẽ nỗ lực, quyết tâm giải ngân 100% số vốn đã được giao, ông Lê Thắng khẳng định.
Xuất hiện tại danh sách các chủ đầu tư có kết quả giải ngân thấp hơn mức trung bình cả Bộ Xây dựng trong quý I/2025, ông Nguyễn Đình Thắng, Trưởng phòng Kế hoạch - Tổng hợp (Ban QLDA Thăng Long) cho biết, hơn 10 ngày qua, đơn vị đã dồn lực đẩy nhanh công tác nội nghiệp, thanh toán tối đa sản lượng nhà thầu đã thi công và đủ điều kiện thanh toán.
Tính đến ngày 14/4, sản lượng giải ngân của ban đã đạt hơn 527 tỷ đồng, đạt hơn 10%, cơ bản đáp ứng kế hoạch đề ra.
Kịp thời bổ sung vốn các dự án có nhu cầu
Ông Trần Minh Phương, Vụ trưởng Vụ Kế hoạch - Tài chính (Bộ Xây dựng) cho biết, năm 2025, tổng số kế hoạch vốn Bộ Xây dựng được giao khoảng 83.746 tỷ đồng.
Thời gian tới, kế hoạch giải ngân của Bộ dự kiến khoảng hơn 93.800 tỷ đồng khi được bổ sung hơn 6.000 tỷ đồng vốn tăng thu năm 2022, 2023 cho dự án mở rộng cao tốc Cam Lộ - La Sơn, Mỹ Thuận - Cần Thơ và kéo dài kế hoạch năm 2024 sang năm 2025 khoảng hơn 4.000 tỷ đồng.
Xác định áp lực giải ngân còn lại rất lớn, lãnh đạo Vụ Kế hoạch - Tài chính đã báo cáo lãnh đạo Bộ Xây dựng chỉ đạo các chủ đầu tư đẩy mạnh tiến độ thực hiện và giải ngân, rà soát chuẩn xác nhu cầu vốn để bảo đảm hoàn thành các dự án trọng điểm theo đúng tiến độ như: cao tốc Bắc - Nam phía Đông, Cao Lãnh - Lộ Tẻ, Lộ Tẻ - Rạch Sỏi, đường Hồ Chí Minh các đoạn Chơn Thành - Đức Hòa, Chợ Chu - Ngã ba Trung Sơn, Rạch Sỏi - Bến Nhất, Gò Quao - Vĩnh Thuận và các dự án khác có tiến độ hoàn thành trong năm 2025.
Vụ sẽ rà soát nhu cầu giải ngân năm 2025, tham mưu lãnh đạo Bộ báo cáo Thủ tướng điều chỉnh kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021 - 2025 để bổ sung vốn cho các dự án có nhu cầu đẩy nhanh tiến độ thực hiện, hoàn thành năm 2025, chuẩn bị đầu tư hoặc triển khai các dự án mới có nhu cầu cấp bách.
Theo ông Lê Quyết Tiến, Cục trưởng Cục Kinh tế - Quản lý đầu tư xây dựng, Cục đã đề nghị các ban quản lý dự án đẩy nhanh tiến độ chuẩn bị đầu tư và đầu tư dự án, tạo tiền đề cho công tác giải ngân.
Ưu tiên trước mắt là khẩn trương hoàn thiện các thủ tục để sớm khởi công 5 dự án: La Sơn - Hòa Liên; Dầu Giây - Tân Phú; Mỹ An - Cao Lãnh; Cầu Ninh Cường; Cầu yếu và cầu kết nối trên các quốc lộ giai đoạn 2.
Phối hợp với cơ quan chức năng địa phương tháo gỡ khó khăn để dự án giao thông ở tất cả các lĩnh vực có điều kiện bứt tốc khối lượng, nhất là khó khăn về mặt bằng, vật liệu của các dự án nằm trong kế hoạch 3.000km cao tốc hoàn thành năm 2025.
Ước tính tới ngày 31/3, Bộ Xây dựng giải ngân hơn 8.300 tỷ đồng, đạt gần 10% kế hoạch, cơ bản đạt mức tỷ lệ giải ngân bình quân chung cả nước.
Theo đăng ký giải ngân hàng tháng của các chủ đầu tư, trong tháng 4/2025, Bộ Xây dựng dự kiến giải ngân khoảng 6.000 tỷ đồng. Tính cả hơn 3.300 tỷ đồng giải ngân chậm ở các tháng trước, tổng số vốn Bộ Xây dựng cần giải ngân trong tháng 4 là khoảng gần 9.400 tỷ đồng.