Hóa giải bài toán nước mặn xâm lấn

Những năm gần đây, vùng đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) đã có nhiều giải pháp ứng phó với hạn hán, xâm nhập mặn. Các chuyên gia, nhà khoa học tích cực nghiên cứu cho ra đời các giống cây trồng chống chịu với hạn, mặn; nhiều công trình thủy lợi ngăn mặn được đầu tư mới để ngăn nước mặn lấn sâu vào nội đồng… Tuy nhiên, bên cạnh đó xuất hiện những mâu thuẫn giữa mặn – ngọt...

Tại buổi làm việc với đoàn công tác Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) vào ngày 26/2, UBND tỉnh Cà Mau cho biết, vấn đề sụt lún, sạt lở đất trên địa bàn tỉnh nguy cơ gây thiệt hại nặng nề hơn.

Trước tình hình khẩn cấp, UBND tỉnh Cà Mau đề xuất đưa nước mặn vào vùng ngọt để hạn chế thiệt hại, nhưng Tỉnh ủy Cà Mau không đồng ý với phương án này. Theo đó, từ đầu mùa khô đến nay, toàn tỉnh Cà Mau đã xảy ra trên 900 vụ sụt lún, sạt lở đất.

Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Hà Công Tuấn (giữa) kiểm tra một ruộng lúa tại huyện Trần Văn Thời (Cà Mau).

Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Hà Công Tuấn (giữa) kiểm tra một ruộng lúa tại huyện Trần Văn Thời (Cà Mau).

Trong đó, có những vị trí sụt lún, sạt lở gây thiệt hại nghiêm trọng các tuyến đường huyết mạch của tỉnh. Theo UBND tỉnh Cà Mau, hiện trên địa bàn có 907 vị trí sụt lún với tổng chiều dài 21.600m, trong đó tập trung tại các địa phương thuộc bờ Bắc sông Đốc (vùng ngọt hóa) huyện Trần Văn Thời với 905 vị trí, chiều dài 21.300m.

Đáng chú ý, sụt lún xảy ra ở các tuyến đường do tỉnh quản lý với các tuyến Tắc Thủ - Vàm Đá Bạc; Cơi Năm - thị trấn Trần Văn Thời; nhiều vết rạn nứt trên tuyến Co Xáng - Cơi Năm - Đá Bạc… Nguyên nhân ban đầu được xác định là mất phản áp của nước vào thành bờ sông do tình trạng khô hạn gây ra. Ngoài ra, còn do các nguyên nhân khác, như: đặc điểm địa chất yếu; một số công trình hạ tầng nằm gần bờ sông gia tải lớn; lòng sông sâu… gây sạt lở, sụt lún.

Ngoài gây sụt lún, sạt lở trên diện rộng, tình hình hạn hán, xâm nhập mặn còn ảnh hưởng nghiêm trọng đến đời sống sản xuất, sinh hoạt của người dân trong vùng ngọt hóa của tỉnh Cà Mau. Tính đến giữa cuối tháng 2-2020, hơn 41.000 ha lúa của Cà Mau được đánh giá là thiệt hại và nguy cơ bị thiệt hại. Trong đó, 18.000 ha đã bị thiệt hại. Ngoài ra, đang có trên 20.500 hộ gia đình bị thiếu nước sinh hoạt.

Ông Lê Thanh Tùng, Phó Cục trưởng Cục Trồng trọt (Bộ NN&PTNT) cho rằng, ở vùng ngọt của Cà Mau, cả 5 loại hình cơ cấu mùa vụ đều ảnh hưởng bởi hạn, mặn. Tập quán trồng giống lúa Một bụi đỏ đã có từ lâu, để thay đổi là rất khó khăn. Đồng thời, cái khó nằm ở cả một hệ thống của thương lái thu mua.

“Đối với vùng ngọt hóa, hệ canh tác 1 lúa 1 tôm là hệ sinh thái có ưu thế, thuận lợi cho các hộ dân. Trong đó, cần thay đổi giống lúa, hiện có nhiều giống lúa đặc sản ngắn ngày phù hợp với điều kiện lại cho hiệu quả. Chúng tôi sẵn sàng xây dựng các mô hình, dự án cụ thể để chuyển giao cho người dân, với nhiều kỹ thuật phù hợp với đặc điểm của từng địa phương”, ông Tùng có ý kiến.

Cùng quan điểm, GS-TS Tăng Đức Thắng, chuyên gia cao cấp Viện Khoa học Thủy lợi Việt Nam, cho rằng: “Việc Cà Mau nghiên cứu, xin ý kiến chuyển đổi mô hình sản xuất 1 vụ lúa, 1 vụ tôm trên vùng ngọt cũng có thể khả thi. Qua khảo sát, chúng tôi có dữ liệu để nhận định vùng phân biệt rõ rệt 2 mùa mặn -ngọt. Tuy nhiên, để áp dụng mô hình sản xuất như đã đề xuất, tỉnh cần nghiên cứu thêm những vấn đề liên quan khác nhằm mang lại hiệu quả”…

Nằm gần cửa biển, huyện Cù Lao Dung (Sóc Trăng), chịu ảnh hưởng trực tiếp tình trạng xâm nhập mặn. Huyện đang tập trung các giải pháp để ứng phó, hỗ trợ người dân sản xuất nông nghiệp. Chủ động trong công tác bảo vệ đê điều chống mặn xâm nhập, tận dụng nguồn nước ngọt dự trữ hỗ trợ nông dân tưới tiêu…

Xác định năm 2020 hạn, mặn đến sớm, kéo dài nên UBND huyện đã chỉ đạo, hướng dẫn bà con tưới tiêu tiết kiệm, lập tổ kiểm tra đê điều, sửa chữa khi cần thiết. Khu vực nào cần nước mặn thì dẫn vào, những nơi cần nước ngọt tưới tiêu thì hỗ trợ xả cống nước ngọt dự trữ hỗ trợ người dân. Huyện cũng đưa vào vận hành 2 trạm bơm nước cơ động công suất lớn để bơm dự trữ khi có nước ngọt để phục vụ nông dân sản xuất...

Những năm gần đây, miền Tây Nam Bộ đã có những giải pháp để thích ứng với hạn - mặn. Các nhà khoa học tích cực nghiên cứu cho ra đời các giống cây trồng chống chịu với hạn, mặn.

Nhiều công trình thủy lợi ngăn mặn được đầu tư mới ở các tỉnh ven biển để ngăn dòng nước mặn lấn sâu vào nội đồng. Các nghiên cứu, công trình thủy lợi này phần nào đã giúp nông dân giảm thiệt hại. Tuy nhiên, cần nhìn nhận những mâu thuẫn vẫn đang đan xen giữa các vùng sản xuất mặn - ngọt.

Khi người nuôi tôm (nước mặn) và trồng lúa (nước ngọt) có ruộng kề nhau đang gây ra những thiệt hại nặng, dẫn đến những xung đột gay gắt. Theo khuyến cáo của các nhà khoa học, đối với các tỉnh quy hoạch vùng sản xuất tôm - lúa cần hoàn chỉnh hệ thống thủy lợi đồng bộ, đảm bảo điều tiết nguồn nước phục vụ nuôi tôm, trồng lúa theo từng vùng, tiểu vùng trên cơ sở quy hoạch chung. Chủ động kiểm soát, quản lý nguồn nước, nồng độ mặn và chất lượng nước theo yêu cầu sản xuất tôm - lúa.

Đức Văn

Giám sát chặt chẽ độ mặn ở các cửa lấy nước

Theo ông Hoàng Đức Cường, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Khí tượng - Thủy văn (Bộ Tài nguyên và Môi trường), dự báo nguồn nước từ tháng 2 đến tháng 7 tại khu vực Bắc Bộ tiếp tục thiếu hụt so với trung bình nhiều năm, thiếu hụt nhiều vào các tháng từ tháng 2 đến 4, nhất là trên lưu vực sông Ðà.

Từ tháng 3 đến tháng 5, tình trạng khô hạn thiếu nước cục bộ ngoài vùng cấp nước của công trình thủy lợi khả năng xảy ra tại các tỉnh Thanh Hóa, Ninh Thuận, Bình Thuận và khu vực Tây Nguyên. Từ tháng 6 đến 8-2020, tình trạng khô hạn thiếu nước, xâm nhập mặn có khả năng lan rộng tại các tỉnh ven biển Trung Bộ tương đương mùa khô năm 2019.

Trước tình hình hạn mặn sẽ diễn ra khốc liệt, Bộ NN&PTNT vừa có công văn yêu cầu UBND các tỉnh, TP khu vực Đồng bằng sông Cửu Long đề phòng ảnh hưởng của xâm nhập mặn lên cao trong tháng 3.

Bộ đề nghị UNBD các tỉnh, TP khu vực Đồng bằng sông Cửu Long tăng cường thực hiện Chỉ thị số 04/CT-TTg ngày 22-1-2020 của Thủ tướng Chính phủ về việc triển khai các giải pháp cấp bách phòng, chống hạn hán, thiếu nước, xâm nhập mặn. Đồng thời tổ chức giám sát chặt chẽ độ mặn tại các cửa lấy nước, vận hành đóng các cửa cống và công trình thủy lợi khi độ mặn vượt mức cho phép, đảm bảo mặn không xâm nhập sâu vào nội đồng.

Tranh thủ tích trữ nước ngọt trong thời gian mặn xuống thấp để cấp nước cho sản xuất nông nghiệp và dân sinh trong thời gian xâm nhập mặn lên cao. Chưa tổ chức xuống giống lúa vụ hè thu ở những vùng có khả năng ảnh hưởng của xâm nhập mặn.

Chi Linh

Nguồn CAND: http://cand.com.vn/xa-hoi/hoa-giai-bai-toan-nuoc-man-xam-lan-584185/