Hóa giải các mâu thuẫn ngay từ cơ sở

Thời gian qua, tổ hòa giải ở các thôn, xóm, tổ dân phố trên địa bàn huyện Phú Bình hoạt động ngày càng hiệu quả, nề nếp. Nhiều vụ việc mâu thuẫn, tranh chấp phát sinh được giải quyết ngay tại khu dân cư đã góp phần giữ vững an ninh trật tự tại địa phương, giảm thiểu đơn thư khiếu nại, tố cáo kéo dài, vượt cấp.

Tổ hòa giải tổ dân phố Thơm (thị trấn Hương Sơn, Phú Bình) sinh hoạt định kỳ.

Tổ hòa giải tổ dân phố Thơm (thị trấn Hương Sơn, Phú Bình) sinh hoạt định kỳ.

Tổ hòa giải xóm Hin, xã Xuân Phương, nhiều năm nay là điểm sáng trong thực hiện công tác hòa giải cơ sở ở huyện Phú Bình. Đa số các vụ việc phát sinh ở địa phương đều được Tổ tìm hiểu nguyên nhân cặn kẽ và đưa ra hướng giải quyết hợp tình, hợp lý để hóa giải mâu thuẫn giữa các bên.

Ví dụ như mới đây, Tổ vừa hòa giải thành công vụ việc liên quan đến ranh giới phần đất của 2 gia đình trong xóm. Nguyên nhân là do 1 nhà trồng cây trên đất của gia đình nhưng lại để tán cây vươn sang đất nhà hàng xóm nên đã nảy sinh mâu thuẫn. Nắm bắt được thông tin, Tổ đã họp bàn, tìm hiểu rõ những căn cứ, quy định của pháp luật liên quan đến vụ việc trước khi tổ chức hòa giải. Sau đó, Tổ đến từng gia đình để tuyên truyền pháp luật, giải thích về quyền và nghĩa vụ của mỗi bên; vận động giải quyết theo hướng tình cảm, gắn kết tình làng nghĩa xóm. Bằng sự khéo léo, giải quyết vấn đề thấu tình đạt lý mà Tổ đã nhanh chóng tháo gỡ được khúc mắc giữa 2 gia đình.

Bà Dương Thị Thái, Bí thư Chi bộ, Tổ trưởng Tổ hòa giải xóm Hin cho biết: Tổ có 5 thành viên, mỗi tháng sinh hoạt 1 lần hoặc có thể họp đột xuất khi có vụ việc phát sinh. Mỗi khi trong xóm có trường hợp mâu thuẫn, các thành viên trong Tổ sẽ đi từng nhà, gặp từng người để lắng nghe tâm tư, nguyện vọng và giải thích, tuyên truyền cho người dân hiểu. Vận động bà con không gây mất đoàn kết, giúp đỡ nhau trong cuộc sống và chấp hành các quy định của pháp luật, hương ước của làng xóm. Các vụ việc cần hòa giải ở xóm chủ yếu liên quan đến mâu thuẫn gia đình, đất đai đều được Tổ giải quyết ngay.

Hiện nay, toàn huyện Phú Bình có 304 tổ hòa giải với trên 2.300 hòa giải viên. trung bình mỗi năm, các tổ hòa giải cơ sở tiếp nhận và giải quyết khoảng 100 vụ việc, tỷ lệ hòa giải thành đạt gần 70%.

Ông Nguyễn Ngọc Cam, Phó Trưởng Phòng Tư pháp huyện Phú Bình cho biết: Thời gian qua, huyện đã chỉ đạo các xã, thị trấn kiện toàn và xây dựng lực lượng hòa giải viên; tăng cường ban hành các văn bản chỉ đạo, quản lý hoạt động hòa giải; nâng cao kiến thức pháp luật, kỹ năng hòa giải cho đội ngũ hòa giải viên, thường xuyên kiểm tra, đôn đốc công tác hòa giải ở cơ sở...

Để các tổ hòa giải hoạt động hiệu quả, UBND các cấp huyện Phú Bình chú trọng việc bồi dưỡng kiến thức pháp luật và kỹ năng cho đội ngũ hòa giải viên. Từ năm 2018 đến nay, Phòng Tư pháp huyện đã phối hợp với các cơ quan chuyên môn mở được 15 lớp bồi dưỡng nghiệp vụ. Nội dung chủ yếu là tập trung phổ biến các bộ luật liên quan đến công tác hòa giải; bồi dưỡng các kỹ năng giải quyết tranh chấp dân sự, kỹ năng thuyết phục, phối hợp giữa tuyên truyền pháp luật và hòa giải ở cơ sở...

Không chỉ được tham gia các lớp bồi dưỡng, tập huấn, các hòa giải viên còn được cung cấp miễn phí các cuốn cẩm nang, tài liệu hỏi đáp pháp luật.

Việc kiểm tra, đôn đốc công tác hòa giải ở cơ sở cũng được huyện Phú Bình quan tâm, chú trọng nhằm thúc đẩy hoạt động hòa giải, nâng tỷ lệ hòa giải thành. Kết quả hoạt động hòa giải ở cơ sở cũng là một trong những tiêu chuẩn để chấm điểm thi đua hàng năm đối với các xã, thị trấn…

Quỳnh Trang

Nguồn Thái Nguyên: https://baothainguyen.vn/tin-tuc/xa-hoi/hoa-giai-cac-mau-thuan-ngay-tu-co-so-299376-85.html