Hòa giải cơ sở kịp thời giải quyết mâu thuẫn, tranh chấp trong dân cư

(ABO) Ngày 17-11, UBND tỉnh Tiền Giang tổ chức Hội nghị tổng kết hưởng ứng Ngày pháp luật Việt Nam (9-11); tổng kết 10 năm thi hành Luật Hòa giải ở cơ sở; tổng kết Cuộc thi trực tuyến tìm hiểu pháp luật Việt Nam năm 2023.

Phó Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Thành Diệu và Giám đốc Sở Tư pháp Phạm Công Hùng chủ trì hội nghị; cùng lãnh đạo các sở, ban, ngành, tập thể, cá nhân có thành tích trong công tác hòa giải ở cơ sở cùng tham dự hội nghị.

Phó Chủ tịch UBND tỉnh Tiền Giang Nguyễn Thành Diệu phát biểu tại hội nghị.

Báo cáo tại hội nghị, Phó Giám đốc Sở Tư pháp Đặng Thị Phụng cho biết: Qua 10 năm triển khai thi hành Luật Hòa giải ở cơ sở, tỉnh luôn được sự quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo của Chính phủ, Bộ Tư pháp, UBND tỉnh, sự phối hợp nhịp nhàng, chặt chẽ của Ủy ban MTTQ Việt Nam. Các cơ quan liên quan trong việc hướng dẫn, bồi dưỡng, tập huấn chuyên môn nghiệp vụ về hòa giải ở cơ sở và bố trí kinh phí bảo đảm cho công tác quản lý nhà nước, tổ chức và hoạt động hòa giải ở cơ sở.

Phó Chủ tịch UBND tỉnh Tiền Giang Nguyễn Thành Diệu trao Bằng khen của UBND tỉnh tặng cho các tập thể thực hiện tốt 10 năm Luật Hòa giải ở cơ sở.

Từ đó, công tác hòa giải ở cơ sở có nhiều chuyển biến tích cực và dần đi vào nền nếp. Các tổ hòa giải được thành lập bảo đảm chất lượng, hiệu quả hoạt động. Đến nay, toàn tỉnh hiện có 1.063 tổ hòa giải với 6.740 hòa giải viên, Theo thống kê, tỷ lệ hòa giải thành trung bình hằng năm đều tăng, năm sau cao hơn năm trước. Nếu năm 2014, tỷ lệ hòa giải thành đạt 80,67% thì đến năm 2022 tăng lên 92,33%, riêng 6 tháng đầu năm 2023 tỷ lệ hòa giải thành đạt 94,11%.

Hoạt động hòa giải ở cơ sở đã khẳng định vai trò to lớn, ý nghĩa quan trọng trong đời sống xã hội, góp phần tăng cường tình đoàn kết trong cộng đồng dân cư, giữ gìn, phát huy bản sắc văn hóa của dân tộc, kịp thời ngăn ngừa các hành vi vi phạm pháp luật, bảo đảm trật tự, an toàn xã hội, giảm bớt các vụ việc phải chuyển đến tòa án hoặc cơ quan Nhà nước có thẩm quyền giải quyết, tiết kiệm thời gian, kinh phí cho Nhà nước và nhân dân, từ đó góp phần thúc đẩy kinh tế, xã hội phát triển.

Giám đốc Sở Tư pháp tỉnh Tiền Giang Phạm Công Hùng trao Bằng khen của UBND tỉnh tặng cho các cá nhân.

Tuy nhiên, thực tế triển khai Luật Hòa giải ở cơ sở thời gian qua trên địa bàn tỉnh cũng gặp không ít hạn chế, vướng mắc trong công tác hòa giải ở cơ sở. Một số vụ việc hòa giải không thành, nhất là vụ việc liên quan đến quan hệ hôn nhân và gia đình, đất đai… Bên cạnh đó, vẫn còn tình trạng hòa giải viên ngại va chạm, chưa nêu cao tinh thần trách nhiệm; việc huy động nguồn lực hỗ trợ, kinh phí xã hội hóa cho công tác hòa giải ở cơ sở còn hạn chế; một số nơi chưa huy động được các luật sư, luật gia, người đã từng là thẩm phán, kiểm sát viên, điều tra viên… có kiến thức, có kinh nghiệm làm hòa giải viên tại địa bàn sinh sống…

Tại hội nghị, các đại biểu cũng được nghe các địa phương, các hòa giải viên tiêu biểu chia sẻ những cách làm hay trong tổ chức triển khai thi hành Luật Hòa giải ở cơ sở và thực tiễn tổ chức hòa giải tại địa phương.

Với những đóng góp tích cực trong công tác hòa giải ở cơ sở, UBND tỉnh Tiền Giang đã trao tặng Bằng khen cho 25 tập thể, cá nhân có thành tích xuất sắc trong 10 năm thực hiện Luật Hòa giải ở cơ sở trên địa bàn tỉnh.

* Dịp này, Hội đồng Phối hợp phổ biến giáo dục pháp luật tỉnh Tiền Giang tổng kết, trao giải Cuộc thi trực tuyến Tìm hiểu pháp luật về hôn nhân và gia đình; phòng, chống bạo lực gia đình; phòng, chống xâm hại trẻ em trên địa bàn tỉnh Tiền Giang năm 2023.

Phó Chủ tịch UBND tỉnh Tiền Giang Nguyễn Thành Diệu trao giải Nhất cho đại diện của thí sinh Nguyễn Thị Ninh đoạt giải Nhất ở Cuộc thi trực tuyến tìm hiểu pháp luật năm 2023.

Cuộc thi trực tuyến được tổ chức từ tháng 2-10 đến ngày 22-10-2023. Cuộc thi có 12.490 lượt tài khoản đăng ký dự thi, với 20.487 bài dự thi. Trong thời gian 10 phút các thí sinh trả lời 20 câu hỏi. Kết quả có 7.426 trường hợp trả lời đúng từ 50% số câu hỏi trở lên, có 25 thí sinh trả lời đúng 100% số câu hỏi. Kết quả, Ban tổ chức tiến hành trao giải cho 16 cá nhân đoạt các giải Nhất, Nhì, Ba, Khuyến khích. Giải Nhất thuộc về thí sinh Nguyễn Thị Ninh, phường Tân Long, TP. Mỹ Tho.

Giám đốc Sở Tư pháp tỉnh Tiền Giang Phạm Công Hùng trao giải Nhì cuộc thi.

Phát biểu tại hội nghị, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Tiền Giang Nguyễn Thành Diệu ghi nhận, đánh giá cao sự nỗ lực, cố gắng của các cấp, các ngành và địa phương trong triển khai thi hành Luật Hòa giải ở cơ sở, nhất là kết quả hòa giải thành trong thời gian qua. Hòa giải ở cơ sở là bước đầu tiên trong đời sống xã hội có liên quan đến các vấn đề về an sinh xã hội, về kinh tế - xã hội, đời sống, tình nghĩa xóm giềng, sự an toàn và bình yên của xã hội; là cơ sở ban đầu để đảm bảo thực hiện quyền lợi một cách cơ bản ở cơ sở trước khi xảy ra tranh chấp; giảm căng thẳng xã hội; giảm áp lực cho công tác quản lý nhà nước; đảm bảo truyền thống văn hóa, bình yên xóm làng, gia đình.

Phó Giám đốc Sở Tư pháp tỉnh Tiền Giang Đặng Thị Phụng trao giải Ba và Khuyến khích cuộc thi.

Trong thời gian tới, đồng chí Nguyễn Thành Diệu đề nghị, các ngành, địa phương cần tiếp tục đẩy mạnh tuyên truyền, phổ biến các chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước về hòa giải ở cơ sở nhằm nâng cao hơn nữa nhận thức của toàn xã hội, đặc biệt là người dân ở cơ sở về vị trí, vai trò và ý nghĩa quan trọng của công tác này để sử dụng ngày càng nhiều hơn biện pháp hòa giải trong giải quyết các tranh chấp, mâu thuẫn, vi phạm pháp luật tại cộng đồng dân cư thông qua công tác hòa giải ở cơ sở.

Tiếp tục quan tâm phổ biến pháp luật đến cán bộ, đảng viên, đoàn thể, tổ chức, doanh nghiệp; phát huy vai trò các cấp, các ngành, cá nhân trong công tác hòa giải ở cơ sở trên tinh thần thượng tôn pháp luật gắn với truyền thống văn hóa, điều kiện kinh tế - xã hội của địa phương… để không ngừng nâng cao nhận thức, hiểu biết về pháp luật, có trách nhiệm, sống và làm việc theo hiến pháp và pháp luật. Nâng cao quản lý nhà nước của ngành Tư pháp từ tỉnh đến cơ sở; chủ động phối hợp xử lý các vấn đề phát sinh một cách khoa học, nghệ thuật và thành công.

Quang cảnh hội nghị.

Bên cạnh đó, với số lượng bài dự thi trong Cuộc thi trực tuyến Tìm hiểu pháp luật về hôn nhân và gia đình; phòng, chống bạo lực gia đình; phòng, chống xâm hại trẻ em cho thấy sự quan tâm rất lớn của sở, ban, ngành, của người dân là rất quan trọng và thiết thực của sự hiểu biết pháp luật; đẩy mạnh cải cách hành chính, xây dựng chính quyền điện tử, chính quyền số.

P. MAI

Nguồn Ấp Bắc: http://baoapbac.vn/phap-luat-an-ninh-trat-tu/202311/hoa-giai-co-so-kip-thoi-giai-quyet-mau-thuan-tranh-chap-trong-dan-cu-996063/