Hòa giải giúp tiết kiệm hàng nghìn tỷ đồng mỗi năm

'Trung bình mỗi năm, có khoảng 140.000 vụ việc được hòa giải thành và không phải đưa ra xét xử. Đánh giá hiệu quả về mặt chi phí, nếu tính trung bình mức án phí người dân phải nộp là 300 nghìn/ một vụ khi kiện ra tòa thì một năm đã tiết kiệm được khoảng 50 tỷ đồng. Chưa kể khi đã thụ lý vụ việc, hệ thống hành chính, hệ thống tư pháp phải vào cuộc thì chi phí ước tính khoảng hàng nghìn tỷ đồng một năm. Khoản này cũng sẽ tiết kiệm được nhờ hòa giải'.

Đây là thông tin được Thứ trưởng Bộ Tư pháp Nguyễn Thanh Tịnh chia sẻ tại Diễn đàn pháp luật Nâng cao hiệu quả hoạt động hòa giải cơ sở tại Việt Nam diễn ra ngày 17-6. Diễn đàn do Bộ Tư pháp phối hợp với Phái đoàn Liên minh châu Âu tại Việt Nam, Chương trình phát triển Liên hợp quốc tổ chức.

6 năm, cả nước hòa giải thành trên 870.000 vụ việc

Theo Thứ trưởng Nguyễn Thanh Tịnh, hòa giải trong đó có hòa giải cơ sở được hình thành dựa trên truyền thống, tinh thần đoàn kết, tương thân tương ái của người dân được lưu truyền qua nhiều thế hệ. Hòa giải thể hiện truyền thống đạo lý mang đậm tính nhân văn cao đẹp của người Việt Nam, là phương thức giúp các bên tự nguyện giải quyết các tranh chấp với nhau. Qua đó giữ gìn được sự đoàn kết trong nội bộ nhân dân, củng cố phát huy tình cảm, đạo lý truyền thống tốt đẹp trong gia đình và cộng đồng dân cư. Kịp thời ngăn ngừa các vi phạm pháp luật, góp phần bảo đảm ổn định trật tự an toàn xã hội, giảm bớt các vụ việc phải chuyển đến tòa án, hoặc cơ quan Nhà nước có thẩm quyền giải quyết, giúp tiết kiệm thời gian, chi phí của người dân cũng như chi phí xã hội.

“Việt Nam có hơn 80% dân số sống ở nông thôn, là nơi thấm đậm nét văn hóa tình làng nghĩa xóm, trọng đạo lý, trọng tình, trọng nghĩa. Cùng với nguyên tắc pháp luật là tối thượng của Nhà nước pháp quyền XHCN Việt Nam, việc ban hành Luật Hòa giải ở cơ sở, chế định pháp lý về hòa giải cơ sở thực sự là nét đặc thù và trên thực tế đem lại nhiều hiệu quả”, Thứ trưởng Nguyễn Thanh Tịnh cho biết.

Xuất phát từ vị trí vai trò của hòa giải cơ sở, trong thời gian qua pháp luật về hòa giải ở cơ sở của Việt Nam đã từng bước được hoàn thiện. Ngày 20-6-2013 tại kỳ họp thứ 5 Quốc hội thứ 13 đã thông qua Luật Hòa giải ở cơ sở. Triển khai thi hành Luật, các cơ quan có thẩm quyền đã ban hành các văn bản hướng dẫn cụ thể tổ chức thực hiện công tác quản lý Nhà nước, xây dựng và củng cố tổ chức và hoạt động của hòa giải ở cơ sở. Luật Hòa giải ở cơ sở cùng các văn bản hướng dẫn thi hành đã tạo cơ sở pháp lý để phát huy vai trò, nâng cao hiệu quả công tác hòa giải cơ sở trong thực tiễn đời sống xã hội.

Đến nay, Việt Nam đã có gần 100.000 tổ hòa giải được thành lập tại hầu hết các đơn vị cơ sở trên cả nước với 600.000 hòa giải viên hoạt động. Sau 6 năm thi hành Luật Hòa giải ở cơ sở, cả nước đã thực hiện hòa giải trên 870.000 vụ việc. Trong đó, tỷ lệ hòa giải thành là 80%.

Thứ trưởng Bộ Tư pháp Nguyễn Thanh Tịnh phát biểu khai mạc Diễn đàn. Ảnh: T.Hải

Thứ trưởng Bộ Tư pháp Nguyễn Thanh Tịnh phát biểu khai mạc Diễn đàn. Ảnh: T.Hải

Cũng theo Thứ trưởng Bộ Tư pháp Nguyễn Thanh Tịnh, bên cạnh kết quả đạt được, thực trạng tại một số cơ sở địa phương, công tác hòa giải ở cơ sở còn chưa phát huy hiệu quả, đòi hỏi cần có giải pháp tăng cường hơn nữa hiệu quả công tác hòa giải. Qua đó một mặt giữ được sự bình yên trong đời sống nhân dân, hạn chế thấp nhất tranh chấp phát sinh, ngăn ngừa các vi phạm pháp luật trong cuộc sống. Mặt khác giúp giảm thiểu thấp nhất việc đưa vụ việc tranh chấp trong cộng đồng dân cư, nhất là những vụ việc nhỏ, đơn giản, có giá trị thấp phải ra giải quyết tại cơ quan hành chính Nhà nước, hoặc phải thụ lý tại cơ quan tòa án.

Do đó, Diễn đàn pháp luật lần này với sự tham gia của nhiều chuyên gia pháp luật trong và ngoài nước là dịp để tiếp tục nghiên cứu, đề xuất giải pháp nâng cao hiệu quả công tác hòa giải bao gồm hòa giải cơ sở, hòa giải đối thoại tại tòa án. Đây cũng dịp để cộng đồng quốc tế thấy rõ hơn những yêu cầu của Việt nam trong hoàn thiện, tổ chức thi hành pháp luật. Đẩy mạnh hợp tác giữa Việt Nam và nước ngoài trong lĩnh vực tư pháp và pháp luật, giúp Việt Nam thực hiện các mục tiêu kinh tế xã hội…

Bồi dưỡng, nâng cao chất lượng đội ngũ hòa giải viên

Sau phần khai mạc, Diễn đàn đã tập trung thảo luận chính sách, pháp luật về hòa giải ở Việt Nam. Trong đó tập trung thảo luận các giải pháp nâng cao chất lượng, hiệu quả hòa giải cơ sở tại Việt Nam.

Từ thực tiễn công tác hòa giải cơ sở tại Tuyên Quang, GĐ Sở Tư pháp tỉnh Tuyên Quang Nguyễn Thị Thược nhấn mạnh, cần tiếp tục tăng cường công tác lãnh đạo, chỉ đạo của cấp ủy, chính quyền các cấp đối với công tác hòa giải cơ sở. Thực tế cho thấy ở đâu, cấp ủy, chính quyền các cấp quan tâm đến công tác hòa giải hoạt động hòa giải, công tác hòa giải cơ sở sẽ phát huy được thế mạnh của mình. Cùng với đó, chú trọng tăng cường phối hợp chặt chẽ giữa chính quyền với Ủy ban Mặt trận Tổ quốc các cấp các các tổ chức thành viên của Mặt trận trong công tác quản lý Nhà nước về công tác hòa giải ở cơ sở.

GĐ Sở Tư pháp tỉnh Tuyên Quang cũng lưu ý, Sở Tư pháp cần thường xuyên hướng dẫn nghiệp vụ hòa giải ở cơ sở. Tổ chức tập huấn cho đội ngũ tập huấn viên cấp huyện, làm nòng cốt để thực hiện tập huấn cho đội ngũ hòa giải viên. Chú trọng đổi mới phương thức tập huấn cho hòa giải viên theo hướng cụ thể, “cầm tay chỉ việc”. Có giải pháp huy động đội ngũ cán bộ có trình độ chuyên môn luật đã nghỉ hưu, các luật gia, luật sư tham gia hoạt động hòa giải.

Đối với mỗi hòa giải viên cũng cần thường xuyên đổi mới về phương thức vận động, thuyết phục. Tăng cường dân vận trong hoạt động hòa giải. Chủ động cập nhật các kiến thức pháp luật cơ bản, nhất là lĩnh vực dân sự, hôn nhân và gia đình để nâng cao trình độ, kỹ năng hòa giải, gương mẫu chấp hành chủ trương, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước, thực sự là tấm gương sáng để nhân dân noi theo.

Góp ý về vấn đề kinh phí, ông Ngô Sách Thực – Phó Chủ tịch Thường trực Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam cho biết, ở nhiều nơi, kinh phí đảm bảo cho công tác hòa giải chưa được quan tâm đúng mức. Nhiều địa phương chưa cân đối được ngân sách, quy định mức chi thấp hơn văn bản hướng dẫn. Chế độ thù lao cho hòa giải viên còn thấp, thủ tục thanh quyết toán còn rườm rà. Điều này đã làm ảnh hưởng đến chất lượng công tác hòa giải. Theo đại diện Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, Chính phủ cần bảo đảm kinh phí cho công tác hòa giải, không nên quy định theo hướng địa phương tự cân đối ngân sách. Đồng thời đơn giản các thủ tục thanh quyết toán cho công tác hòa giải ở cơ sở.

Thanh Hải

Nguồn PL&XH: https://phapluatxahoi.vn/hoa-giai-giup-tiet-kiem-hang-nghin-ty-dong-moi-nam-197980.html