Hóa giải khó khăn
Những ngày này, kỳ họp thứ 5 Quốc hội khóa XV đang diễn ra tại Thủ đô Hà Nội. Đợt nắng nóng kéo dài, có ngày nền nhiệt lên tới 40 độ C cùng với việc Tập đoàn Điện lực Việt Nam lại đề xuất tăng giá điện từ đầu tháng 9 tới (đã tăng 3% tới đầu tháng 5), càng làm tăng độ nóng.
Tuy nhiên, có lẽ “nóng” nhất, được nhiều vị ĐBQH đề cập nhất là hai việc. Thứ nhất, cần giải pháp gì để “hóa giải” tình hình kinh tế đang rất khó khăn. Và thứ hai, “bốc thuốc” để trị “bệnh” sợ sai, né tránh trách nhiệm. Hai việc có vẻ như độc lập với nhau, nhưng ngẫm kỹ thì lại rất liên quan, tác động tới nhau.
5 tháng đầu năm 2023, do nhiều nguyên nhân, nền kinh tế đất nước tăng trưởng thấp, nhiều doanh nghiệp dời khỏi thị trường, nhiều doanh nghiệp “nằm im”, số công nhân phải giãn việc, thất nghiệp vẫn đang tăng lên. Cuộc sống của người lao động, người dân khó khăn. Giải ngân vốn đầu tư công chậm, doanh nghiệp thiếu đơn hàng, xuất khẩu sụt giảm... nằm trong số các nguyên nhân dẫn đến khó khăn chung cho nền kinh tế.
Nhiều ĐBQH cho rằng, cùng với việc nhìn thẳng vào sự thật, đánh giá đúng tình hình thì cũng rất cần biện pháp tháo gỡ rất thực tế để đưa kinh tế nước nhà nhanh chóng vượt qua giai đoạn khó khăn. Trong đó không thể để đầu tư công mãi ì ạch, rất lãng phí khi một nguồn vốn lớn không được đưa vào cuộc sống. Vốn vay của ngân hàng phải giảm xuống. Doanh nghiệp cần được hỗ trợ, trong đó có doanh nghiệp bất động sản.
Còn với phản ánh của ĐBQH Nguyễn Chu Hồi (đoàn Hải Phòng) rằng đến tỉnh nào cũng kêu không “ông” nào dám làm cả. Chỉ kêu thôi!”. Đó chính là căn bệnh vô cùng nguy hiểm, đáng tiếc nó lại khá phổ biến. Nhiều ĐBQH rất bức xúc khi có tình trạng “đá lên, chuyền ngang, hất xuống”, còn chính mình có quyền thì lại không chịu làm, không dám làm, không dám chịu trách nhiệm chỉ vì sợ sai, sợ kỷ luật. Cũng có ĐBQH cho rằng, bệnh “né tránh trách nhiệm” còn do không “cài cắm” được quyền lợi riêng của mình vào các dự án.
Theo Bộ trưởng Nội vụ Phạm Thị Thanh Trà, để trị căn bệnh này thì cả hệ thống chính trị cần vào cuộc “công phá” tâm lý sợ sai, không dám làm của nhiều cán bộ để thúc đẩy phát triển. Bà Trà nhận xét, thực trạng cán bộ né tránh, sợ sai, sợ trách nhiệm, không dám thực thi công vụ không diễn ra đơn lẻ mà ở nhiều địa phương, kể cả một số bộ, ngành trung ương. Điều này làm trì trệ và chậm trễ nền công vụ, bào mòn và giảm niềm tin của người dân, ảnh hưởng mọi mặt kinh tế - xã hội, doanh nghiệp; cản trở nguồn lực và động lực phát triển; ảnh hưởng đến mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội của đất nước, nhất là trong tình hình khó khăn hiện nay.
"Vì nguyên nhân nào thì cán bộ sợ sai, không dám làm là vi phạm quy định, có biểu hiện suy thoái, cần nghiêm khắc phê phán, triệt tiêu" - Bộ trưởng Nội vụ nói và cho biết một số địa phương vẫn thực hiện tốt đầu tư công, tăng trưởng kinh tế, phát triển doanh nghiệp. Điều này minh chứng rằng cùng cơ chế, nhiều nơi vẫn năng động, sáng tạo, dám làm và làm tốt. Do đó, không thể đổ lỗi rằng thể chế, cơ chế gây khó khăn để không thực thi công vụ.
Rất đúng, rất trúng. Nhưng vẫn còn đó câu hỏi thật cụ thể: Vậy thì “biệt dược” để trị căn bệnh ấy là gì?
Nguồn Đại Đoàn Kết: http://daidoanket.vn/hoa-giai-kho-khan-5719480.html