Hòa giải là phương án tối ưu giải quyết mâu thuẫn, tranh chấp
Coi trọng tình làng, nghĩa xóm 'tối lửa tắt đèn có nhau' là nếp sống bao đời nay của dân tộc ta. Nếu có mâu thuẫn, tranh chấp trong gia đình, dòng họ, hàng xóm thì chủ trương 'chín bỏ làm mười' nhằm xóa bỏ bất đồng, xây dựng cộng đồng hòa thuận, vui vẻ. Vì vậy, hòa giải được xem là phương án tối ưu để giải quyết xích mích, mâu thuẫn, tranh chấp trong nội bộ Nhân dân…
Bà Thái Thị Thanh Năm, tổ trưởng tổ dân phố số 10, phường Kim Giang, quận Thanh Xuân, Hà Nội là một người đã có kinh nghiệm 10 năm làm công tác hòa giải. Bản thân bà và tổ hòa giải cơ sở đã hòa giải thành rất nhiều vụ việc mâu thuẫn trong Nhân dân trên địa bàn, kết nối tình làng nghĩa xóm, mang lại bình yên cho khu phố.
Để có được kết quả đó, không chỉ nhờ sự khéo léo, nhanh nhạy trong công tác tuyên truyền, khả năng thuyết phục tốt, mà bà Năm còn là người rất ham học hỏi, trau dồi kiến thức về pháp luật, có tư cách đạo đức tốt và có uy tín trong cộng đồng dân cư.
Theo bà Năm, hòa giải cơ sở là phương thức giải quyết tranh chấp giữa các bên theo quy định của pháp luật về hòa giải. Sự thỏa thuận ý chí, thể hiện quyền tự định đoạt của các bên mâu thuẫn, tranh chấp. Do đó, kết quả hòa giải thành hay không thành còn phụ thuộc vào ý chí chủ quan của các bên tranh chấp có tìm ra được giải pháp giải quyết tranh chấp không.
Các bên tranh chấp cần đến một bên thứ ba làm trung gian hòa giải, giúp họ đạt được thỏa thuận, tìm ra được hướng giải quyết tranh chấp, chấm dứt bất đồng, xung đột. Bên thứ ba chính là hòa giải viên, có vai trò trung lập và độc lập với các bên tranh chấp.
Tuy nhiên, cũng cần phải nắm rõ, nội dung thỏa thuận hòa giải thành của các bên tranh chấp không được trái với quy định của pháp luật, phải phù hợp đạo đức xã hội, không xâm phạm lợi ích hoặc nhằm trốn tránh nghĩa vụ với Nhà nước hoặc người thứ ba.
Quá trình làm công tác hòa giải, bà Năm nhớ như in vụ mâu thuẫn giữa hàng xóm với nhau khi sống cùng một khu tập thể trên địa bàn phường Kim Giang. Chuyện là bà B và chị H được phân chia 2 căn nhà tập thể cạnh nhau. Sau đó, bà B làm một nhà vệ sinh kiêm tắm giặt trên đất lưu không cạnh nhà mình.
Đáng nói cửa sổ của nhà vệ sinh là một ô thoát, không có cánh cửa lại sát vách và hướng vào bếp nấu ăn nhà chị H nên có nhiều vấn đề bất tiện. Do đó, chị H đã yêu cầu bà B bịt cửa sổ lại nhưng bà B không đồng ý. Tình trạng kéo dài, mỗi lần có người đi vệ sinh thì mùi hôi lại bốc vào căn bếp nhà chị H. Không chịu nhẫn nhịn được nữa nên chị H đã dùng tấm tôn bịt cửa sổ nhà bà B và bà B đã viết đơn kiện.
Khi nhận được đơn, bà Năm cùng tổ dân phố đến hòa giải nhiều lần nhưng không thành. Mỗi lần đến nhà các bên là một cách phân tích, thuyết phục, tuyên truyền khác nhau nhưng bà B vẫn một mực không đồng ý.
Chị H thì chia sẻ rằng, mùi hôi là một phần, phần nữa là gia đình chị có con trai lớn, bên kia lại có con gái, cửa sổ nhà tắm toang hoang như thế sao mà đành… Còn bà B thì lại lý lẽ nhà vệ sinh chật chội, bí bách chỉ có một ô thoáng duy nhất, bịt lại thì ai mà chịu được…
“Vậy đấy, ai cũng có cái lý của mình, quan trọng nhất vẫn là ý chí chủ quan của họ mà họ lại như vậy thì khó thành rồi. Nghĩ vậy, nhưng chúng tôi vẫn kiên trì, lần này đến gặp phân tích không xong, lần sau lại đến…”, bà Năm cho biết.
Sau nhiều vận động, bà Năm nhận ra rằng với bà B thì phân tích nhẹ nhàng, tình cảm sẽ không có kết quả. Bà Năm đưa ra những lý lẽ pháp luật về việc nhà vệ sinh của bà B nằm trên đất lưu không, mà cứ kiện cáo thế này thì tổ dân phố sẽ gọi cán bộ đô thị phường vào làm việc…
Trước sự vận động cùng lý lẽ sắc bén, đúng pháp luật của bà Năm, bà B bắt đầu nhẹ giọng và đồng ý hòa giải, bịt cửa sổ vào. Về phần chị H, khi hòa giải thành, chị rất mừng và cũng cho biết, gia đình chị không khó khăn gì, cũng không phải xây xi măng bịt kín cửa sổ mà chỉ dùng miếng tôn, miếng bìa bịt vào cho đỡ bất tiện.
Bà Năm cho biết thêm, tổ hòa giải ở cơ sở là tổ chức tự quản của Nhân dân, hoạt động trên cơ sở tự nguyện vì mục đích xã hội, vì cộng đồng và phi lợi nhuận; việc hòa giải không thu phí. Hòa giải viên ở cơ sở là người thường trú tại cơ sở, khi hòa giải, hòa giải viên không chỉ dựa trên các quy định của pháp luật mà còn dựa vào chuẩn mực đạo đức, văn hóa ứng xử, phong tục, tập quán tốt đẹp để giúp đỡ, thuyết phục các bên tự thương lượng, thỏa thuận chấm dứt mâu thuẫn, xung đột.
Hòa giải viên ở cơ sở không có quyền xét xử như thẩm phán và không được ra phán quyết như trọng tài viên. Cách thức hòa giải ở cơ sở không phải tuân theo trình tự, thủ tục bắt buộc mà tùy thuộc từng vụ việc cụ thể, hòa giải viên linh hoạt hòa giải sao cho phù hợp với đối tượng, tính chất, hoàn cảnh.
Điều 2 Luật Hòa giải ở cơ sở năm 2013 quy định: “Hòa giải ở cơ sở là việc hòa giải viên hướng dẫn, giúp đỡ các bên đạt được thỏa thuận, tự nguyện giải quyết với nhau các mâu thuẫn, tranh chấp, vi phạm pháp luật theo quy định của Luật này”.