Hóa giải mâu thuẫn từ cơ sở
Với khả năng tuyên truyền, vận động, thuyết phục, nhiều cán bộ Mặt trận ở cơ sở trên địa bàn thành phố Hà Nội đã nhiệt tình tham gia làm thành viên tổ hòa giải. Họ đã chung tay hóa giải nhiều mâu thuẫn ở cơ sở, góp phần vun đắp tình làng nghĩa xóm, phát huy truyền thống đoàn kết, giúp đỡ nhau trong cộng đồng dân cư.
Là cử nhân luật, từng công tác tại Viện Kiểm sát quân sự trung ương, năm 2009 nghỉ hưu, ông Lê Đình Can tham gia làm Trưởng ban Thanh tra nhân dân, Ban Giám sát đầu tư của cộng đồng và là thành viên Tổ hòa giải của phường Mai Dịch (quận Cầu Giấy). Hơn 10 năm qua, ông Can luôn tích cực tham gia các hội nghị tập huấn về công tác hòa giải ở cơ sở. Với mỗi vụ việc, ông đều tìm hiểu kỹ nguyên nhân sâu xa, tận tình tư vấn, chia sẻ nên các bên đều đồng thuận cao, góp phần nâng tỷ lệ số vụ hòa giải thành công của phường luôn đạt hơn 90%. Bà Lê Thị Liên ở khu tập thể văn công Mai Dịch cho biết: “Ông Lê Đình Can cùng các thành viên trong Tổ hòa giải đã giúp nhiều gia đình trước “cơm không lành, canh không ngọt” nay gần gũi, yêu thương nhau hơn. Một số hộ dân cũng đã bỏ qua những mâu thuẫn nhỏ trong cuộc sống, không phát sinh mâu thuẫn lớn, sống tình nghĩa hơn”.
Trưởng ban Công tác Mặt trận khu dân cư số 14 phường Yên Phụ (quận Tây Hồ) Nguyễn Sỹ My cũng được bà con tôn vinh là “người mát tay” với công tác hòa giải, bởi các vụ việc được ông hòa giải thành công luôn đạt tỷ lệ cao. Điển hình như năm 2019, ông hòa giải thành công 4/5 vụ việc. Ông My chia sẻ, điều quan trọng là phải biết lắng nghe từ hai phía để phân tích cho họ hiểu đúng, sai và luôn giữ thái độ khách quan trong quá trình tìm hiểu nguyên nhân của mâu thuẫn, vướng mắc.
Bí quyết trong công tác hòa giải của ông Nguyễn Hữu Số, Trưởng ban Công tác Mặt trận khu dân cư số 3 phường Thanh Lương (quận Hai Bà Trưng) là tổ hòa giải kết hợp cùng tổ dân phố, người có uy tín trong cộng đồng và bà con thân thích cùng vào cuộc vận động, hòa giải theo phương châm “bán anh em xa, mua láng giềng gần”. Với cách làm này, trong năm qua, ông đã hòa giải thành công 14 vụ việc mâu thuẫn trong nhân dân, khu dân cư không có đơn thư vượt cấp.
Công tác hòa giải ở cơ sở có vai trò quan trọng góp phần giữ gìn an ninh trật tự ở khu dân cư. Vì vậy, khi có vụ việc phức tạp trong nhân dân, chi bộ thôn, tổ dân phố luôn cùng Ban Công tác Mặt trận thành lập tổ hòa giải. Chủ tịch Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam xã Kim Nỗ (huyện Đông Anh) Nguyễn Duy Tiến chia sẻ: “Với những vụ việc nhỏ, tổ hòa giải đến từng gia đình để giải thích, thuyết phục. Những vụ việc phức tạp, có đơn thư, tổ hòa giải mời các bên đến nhà văn hóa thôn để tổ chức hòa giải. Với sự vào cuộc đồng bộ của chính quyền, Mặt trận Tổ quốc và các tổ chức, đoàn thể, nhiều vụ tranh chấp đất đai đã được hòa giải thành công, nhiều vụ việc mâu thuẫn trong nội bộ nhân dân đã được giải quyết kịp thời, thỏa đáng".
Phó Chủ tịch Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam thành phố Hà Nội Đàm Văn Huân khẳng định, đến nay, mạng lưới tổ hòa giải đã được thành lập ở 100% khu dân cư trên toàn thành phố Hà Nội. Thành phần tổ hòa giải gồm bí thư chi bộ, trưởng thôn, trưởng ban Công tác Mặt trận, trưởng các đoàn thể, các chi hội, người có uy tín. Năm 2019, các tổ hòa giải đã tiếp nhận 4.055 vụ, trong đó hòa giải thành công 3.284 vụ việc, đạt 80,98%.
Thời gian tới, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam các cấp của thành phố Hà Nội sẽ tiếp tục củng cố, kiện toàn, nâng cao chất lượng tổ hòa giải và hòa giải viên thông qua việc rà soát số lượng, chất lượng; kịp thời biểu dương, nhắc nhở để các hòa giải viên luôn nêu cao tinh thần trách nhiệm, chủ động sáng tạo trong thực hiện nhiệm vụ. Bên cạnh đó, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam thành phố sẽ tăng cường phối hợp với Sở Tư pháp tiến hành rà soát các quy ước, phong tục tập quán tiến bộ để hòa giải viên vận dụng trong quá trình hòa giải mâu thuẫn, tranh chấp, vi phạm pháp luật.
Nguồn Hà Nội Mới: http://hanoimoi.com.vn/tin-tuc/xa-hoi/958042/hoa-giai-mau-thuan-tu-co-so