Hóa giải những bất đồng
Hội nghị cấp cao NATO 2019 vừa họp tại thủ đô London, Anh, đánh dấu mốc 70 năm hình thành và phát triển của NATO. Hội nghị diễn ra trong bối cảnh leo thang căng thẳng giữa các nước thành viên, nhất là về vấn đề đóng góp ngân sách quốc phòng. Các nhà lãnh đạo dự hội nghị đã tập trung thảo luận về việc tháo gỡ những bất đồng và xác định hướng ưu tiên hợp tác quân sự của NATO trong tương lai.
Bình luận quốc tế
Hội nghị cấp cao Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) 2019 họp trong hai ngày 3 và 4-12 tại khách sạn Grove, thuộc hạt Hertfordshire, ngoại ô thủ đô London, Anh. Tuyên bố trước thềm hội nghị, Thủ tướng nước chủ nhà B.Johnson kêu gọi các nước thành viên cần phải đoàn kết chia sẻ cùng nhau những ưu tiên giải quyết thách thức trong tương lai.
Tuyên bố nêu trên được đưa ra trong bối cảnh bất đồng và căng thẳng giữa các nước thành viên NATO leo thang, khi Tổng thống Mỹ D.Trump liên tục chỉ trích các thành viên châu Âu trong NATO không đáp ứng mức chi tiêu 2% GDP cho quốc phòng. Ông D.Trump thậm chí còn cảnh báo Washington có thể rút khỏi liên minh quân sự này. Hiện, mới chỉ có tám trong tổng số 29 nước thành viên NATO đáp ứng yêu cầu dành 2% GDP cho ngân sách quốc phòng.
Trước thềm Hội nghị cấp cao NATO, Tổng thống Mỹ D.Trump và người đồng cấp Pháp E.Macron cũng thể hiện mâu thuẫn về tương lai của liên minh. Trong đó, ông Macron đánh giá rằng NATO đang thiếu mục đích chiến lược và gần như trong tình trạng “chết não”. Ông D.Trump cho rằng, nhận định của người đồng cấp Pháp là “rất tệ hại”. Phát biểu bên lề hội nghị sau cuộc gặp các nhà lãnh đạo Thổ Nhĩ Kỳ, Anh và Đức, Tổng thống Pháp nêu rõ, các nước châu Âu nên đóng một vai trò lớn hơn trong NATO để giảm phụ thuộc vào Mỹ. Đề cập mối quan hệ giữa NATO và Nga, ông E.Macron cho rằng, cần tiến hành một cuộc đối thoại chiến lược với Nga, song nhấn mạnh NATO cần thực hiện chủ trương này một cách “sáng suốt”.
Trong khi đó, Thủ tướng Đức A.Merkel nhấn mạnh, các nước thành viên NATO cần tháo gỡ những bất đồng và bàn về tương lai của NATO với những lợi ích chiến lược chung. Thủ tướng Canada G.Trudeau và người đồng cấp Hà Lan M.Rutte bày tỏ sự ủng hộ đối với đề xuất của Pháp và Đức về cải tổ NATO. Theo ông Trudeau, cải tổ là cần thiết khi NATO đã trải qua 70 năm hoạt động. Về phần mình, nhà lãnh đạo Hà Lan cho rằng, cần lập một nhóm chuyên gia để cân nhắc cách thức cải cách NATO về mặt chính trị sau khi nổi lên những sự chia rẽ giữa Thổ Nhĩ Kỳ, Pháp và Mỹ.
Nhằm giảm bớt tranh cãi căng thẳng chung quanh vấn đề tài chính, trước thềm Hội nghị cấp cao, các nước thành viên NATO đã đạt một thỏa thuận mới về điều chỉnh mức đóng góp cho ngân sách chung, bắt đầu thực hiện từ năm 2021. Theo đó, mức đóng góp của Đức sẽ tăng từ 14,8% lên 16,35%, trong khi mức đóng góp của Mỹ sẽ giảm từ 22,1% xuống còn 16,5%.
Những bất đồng về khoản đóng góp ngân sách cho quốc phòng bước đầu đã dịu đi phần nào, nhưng các thành viên NATO vẫn còn đối mặt nhiều thách thức. Trong đó có giải pháp cho cuộc xung đột đang diễn ra ở Syria hay cách giải quyết thế bế tắc về vấn đề hạt nhân giữa Iran và Mỹ. Trong khuôn khổ Hội nghị cấp cao NATO lần này, tại London đã diễn ra Hội nghị bốn bên giữa các nhà lãnh đạo Anh, Pháp, Đức và Thổ Nhĩ Kỳ, thảo luận về tình hình Syria. Tại hội nghị bốn bên, các nhà lãnh đạo khẳng định sẽ hợp tác nhằm tạo điều kiện cho sự trở về an toàn, tự nguyện và lâu dài của những người tị nạn, đồng thời tiếp tục thúc đẩy cuộc đấu tranh chống chủ nghĩa khủng bố dưới mọi hình thức ở Syria.
Mặc dù Thủ tướng Đức A.Merkel đánh giá các cuộc thảo luận “phong phú và hữu ích”, còn Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ T.Erdogan cho rằng “mọi thứ tốt đẹp”, nhưng hội nghị bốn bên vừa diễn ra không thể được coi là một giải pháp tháo gỡ nút thắt cho tình hình ở Syria, bởi các bên trực tiếp liên quan “bàn cờ chiến lược” này, bao gồm Syria, Mỹ và Nga không có mặt.
Quan hệ căng thẳng giữa Thổ Nhĩ Kỳ và các đồng minh NATO cũng là một thách thức nan giải. Căng thẳng gia tăng do hàng loạt vấn đề, bắt nguồn từ quyết định của Ankara mua các hệ thống phòng không S-400 của Nga. Thêm vào đó, một số thành viên NATO lên án Ankara mở cuộc tiến công quân sự nhằm vào đông - bắc Syria. Về phần mình, Ankara khẳng định sẽ phản đối kế hoạch của NATO bảo vệ các nước Ban-tích và Ba Lan cho đến khi Thổ Nhĩ Kỳ nhận được sự ủng hộ nhiều hơn của NATO đối với cuộc chiến tại đông - bắc Syria chống Các đơn vị bảo vệ nhân dân người Cuốc (YPG) mà Ankara coi là một nhóm khủng bố.
Các nước thành viên NATO đều cho rằng NATO cần cải tổ sau 70 năm hoạt động, cần tăng cường vai trò nhằm đối phó những rủi ro an ninh, nguy cơ chiến tranh. Tuy nhiên, đây là một nhiệm vụ khó khăn khi nội bộ NATO còn quá nhiều bất đồng mà chưa thể hóa giải được trong “một sớm một chiều”.