Hóa giải những điểm nghẽn để phát triển thành phố thông minh

Thành phố (đô thị) thông minh là mô hình của một thành phố áp dụng những công nghệ hiện đại tiên tiến nhất, giúp kết nối và tạo nên một hệ thống hữu cơ tổng thể, qua đó nâng cao chất lượng cuộc sống, phục vụ chính quyền và cải thiện cuộc sống cho người dân. Thành phố thông minh còn được hiểu là thành phố ứng dụng các công nghệ trí tuệ nhân tạo (AI), công nghệ internet vạn vật (IoT), dữ liệu lớn (Big Data) để thu thập dữ liệu, sau đó sử dụng dữ liệu này để quản lý tài sản và nguồn tài nguyên thiên nhiên một cách hiệu quả.

Ở Việt Nam, từ năm 2016, việc phát triển đô thị thông minh đã được đề cập tại Nghị quyết số 05/NQ-TW ngày 01/11/2016 của Hội nghị Trung ương 4 khóa XII với nội dung “ưu tiên phát triển một số đô thị thông minh”. Từ đó, các địa phương và đô thị lớn như Hà Nội, TP. Hồ Chí Minh, Hải Phòng, Đà Nẵng, Cần Thơ, Quảng Ninh, Bắc Ninh đã ban hành các đề án, chương trình, kế hoạch phát triển đô thị thông minh.

Thông tin từ Cục Phát triển đô thị (Bộ Xây dựng) cho biết, cả nước có 48/63 tỉnh/thành phố trực thuộc Trung ương đã hoặc đang triển khai xây dựng đề án phát triển đô thị thông minh. Trong đó, có 14 tỉnh/thành phố trực thuộc Trung ương đã phê duyệt đề án phát triển đô thị thông minh trước thời điểm ban hành Đề án 950 về phát triển đô thị thông minh bền vững Việt Nam giai đoạn 2018 - 2025 và định hướng đến năm 2030. Hiện tại, đã ghi nhận 20 tỉnh/thành phố phê duyệt đề án phát triển đô thị thông minh sau thời điểm ban hành Đề án 950 và 16 tỉnh/thành phố đang triển khai lập đề án. Bộ Xây dựng thông tin thêm, nhiều địa phương đã bắt đầu tập trung vào xây dựng nền tảng cho quy hoạch thông minh, trước hết xây dựng cơ sở dữ liệu đô thị, ứng dụng hệ thống thông tin địa lý (GIS) vào quy hoạch và công tác quản lý thông minh, tính đến thời điểm hiện tại đã có khoảng 43 thành phố, thị xã tại các địa phương đang thực hiện.

Tuy nhiên, Bộ Xây dựng cũng đánh giá, việc phát triển đô thị thông minh tại Việt Nam hiện nay còn tồn tại nhiều vấn đề. Theo đó, công tác quy hoạch và quản lý thành phố thông minh chưa được đẩy mạnh, thiếu hành lang pháp lý. Ngoài ra, cơ chế nguồn lực cho phát triển thông minh còn thiếu; chưa có hình thức liên kết, kết nối khối doanh nghiệp, kinh tế tư nhân trong phát triển nên việc phát huy nguồn lực từ xã hội còn riêng rẽ, chưa đồng bộ, hệ thống hóa.

Điều đáng nói nhất, nhiều địa phương chưa có cơ sở dữ liệu dùng chung. Nguồn dữ liệu không đầy đủ, liên thông chưa đồng bộ và chuẩn hóa đang được nhận diện là một trong những thách thức lớn nhất đối với việc ứng dụng các giải pháp công nghệ mới trong việc phát triển thành phố thông minh.

Theo các chuyên gia, dữ liệu cần được đầy đủ, chính xác và luôn được cập nhật để người dân, doanh nghiệp và cơ quan quản lý có thể truy cập thông tin nhanh chóng và kịp thời.

Theo ông Hồ Đức Thắng, Phó cục trưởng Cục Chuyển đổi số Quốc gia, Bộ Thông tin và Truyền thông thì dữ liệu hiện đang bị phân tán, thiếu sự đồng nhất và còn hạn chế trong việc phục vụ công tác ra quyết định.

Trên thực tế, trong quá trình phát triển thành phố thông minh thì việc xây dựng cơ sở dữ liệu và khai thác dữ liệu nhìn chung chưa hiệu quả. Hiện mới có khoảng 30% dự án đạt được mức tích hợp dữ liệu liên thông giữa các ngành, lĩnh vực, theo số liệu từ Bộ Thông tin và Truyền thông.

Để giải quyết bài toán dữ liệu dành cho thành phố thông minh, bài học quan trọng từ kinh nghiệm quốc tế là việc xây dựng trục dữ liệu liên thông - một hệ thống đóng vai trò trung gian, cho phép các kho dữ liệu kết nối, chia sẻ và khai thác một cách trọn vẹn. Theo ông Cù Kim Long, Phó giám đốc, Trung tâm Công nghệ thông tin, Bộ Khoa học và Công nghệ, đó là yếu tố then chốt để bảo đảm tính đồng bộ và hiệu quả trong quản lý dữ liệu, đồng thời thúc đẩy sự phát triển bền vững của các thành phố thông minh. Nhiều chuyên gia khác cũng nhấn mạnh, cần có sự hợp tác giữa cơ quan quản lý và doanh nghiệp để tạo lập môi trường phát triển thị trường dữ liệu lành mạnh, an toàn và đúng pháp luật. Phát triển các giải pháp và ứng dụng trí tuệ nhân tạo rất cần không gian dữ liệu cộng đồng, tiến tới hình thành kho dữ liệu, các bộ dữ liệu mở, dữ liệu lớn dùng chung.

Trong khi đó, đưa ra những giải pháp để xây dựng thành phố thông minh ở góc độ rộng hơn, theo ông Hồ Đức Thắng, nhà nước cần đóng vai định hướng và tạo nền tảng vững chắc. Đơn cử, cơ quan quản lý ở trung ương cần tạo cơ chế thí điểm có kiểm soát để giúp các địa phương mạnh dạn hơn trong việc ứng dụng các công nghệ mới; đồng thời cần mạnh dạn trong việc thử nghiệm và ứng dụng các công nghệ do doanh nghiệp trong nước phát triển. Bên cạnh đó, cần xây dựng hạ tầng số đồng bộ phục vụ cho đô thị thông minh.

Ngoài ra, để có những thành phố thông minh, rất cần một hệ sinh thái công nghệ phát triển. Do đó, việc cần làm là đưa ra cơ chế hỗ trợ doanh nghiệp trong nước, thúc đẩy sự phát triển của các doanh nghiệp công nghệ. Điều này không chỉ giúp các doanh nghiệp nội địa nâng cao năng lực cạnh tranh, mà còn đảm bảo sự tự chủ về công nghệ, giảm sự phụ thuộc vào các giải pháp từ nước ngoài.

Với trách nhiệm khuyến khích các doanh nghiệp xây dựng nền tảng quốc gia, Nhà nước sẽ đóng vai trò lựa chọn và hỗ trợ các doanh nghiệp dẫn dắt, yêu cầu họ đầu tư mạnh vào nghiên cứu phát triển công nghệ lõi như AI, Big Data, và IoT. Đồng thời, các nền tảng này phải mở, tạo điều kiện cho các doanh nghiệp vừa và nhỏ tham gia phát triển ứng dụng trên nền tảng, đây là điều kiện góp phần tạo nên thành hệ sinh thái công nghệ đa dạng, đặt nền móng cho việc phát triển các đô thị thông minh tại Việt Nam.

Hồng Sơn

Nguồn TBNH: https://thoibaonganhang.vn/hoa-giai-nhung-diem-nghen-de-phat-trien-thanh-pho-thong-minh-158958.html