Hòa giải ở cơ sở: Cầu nối đưa pháp luật đến với người dân

Luật sư và những người am hiểu pháp luật có vai trò quan trọng trong công tác hòa giải ở cơ sở. Ảnh: CTV

Những năm qua, công tác hòa giải ở cơ sở tại Phú Yên đạt nhiều kết quả tích cực, qua đó giải quyết kịp thời các mâu thuẫn, tranh chấp, hạn chế vi phạm pháp luật trong cộng đồng dân cư, góp phần đảm bảo an ninh, trật tự an toàn xã hội ở địa phương.

Nỗ lực hóa giải mâu thuẫn

Thực tế cho thấy trong đời sống hàng ngày, do khác nhau về nhận thức, lối sống, lợi ích kinh tế… nên dễ xảy ra mâu thuẫn giữa các cá nhân trong cộng đồng dân cư. Việc giải quyết kịp thời những tranh chấp trong nội bộ Nhân dân sẽ góp phần ổn định trật tự, an toàn xã hội, mang lại cuộc sống yên bình, hạnh phúc cho người dân.

Nhận thức về tầm quan trọng của công tác hòa giải ở cơ sở, nhiều năm qua, bà Nguyễn Thị Bé, Chủ tịch Hội LHPN xã Xuân Quang 2 (huyện Đồng Xuân) đã cùng với cán bộ tư pháp và các hòa giải viên địa phương tích cực hóa giải các tranh chấp, bất hòa trong dân cư. Theo bà Bé, người làm công tác hòa giải cần phải hết sức nhẹ nhàng, bình tĩnh, khách quan, công tâm để tìm ra nguyên nhân sự việc. Có như vậy mới có thể giải quyết vấn đề thấu tình đạt lý, hạn chế tình trạng người dân khiếu kiện vượt cấp, nhất là tranh chấp đất đai, giữ gìn hòa khí xóm làng.

Ông N.T.L ở xã Xuân Quang 2 bày tỏ: Sau khi nghe cán bộ xã phân tích, tôi nhìn nhận vấn đề thấu đáo hơn. Tôi không còn cảm thấy bị mắc kẹt trong tranh chấp mấy sào đất khai hoang, làm mất đi tình làng nghĩa xóm bấy lâu.

Với phương châm giải quyết kịp thời các mâu thuẫn từ cơ sở, thời gian qua các tổ hòa giải trên địa bàn huyện Tuy An cũng không ngừng nỗ lực làm cầu nối đưa pháp luật đến với người dân. Theo Phòng Tư pháp huyện Tuy An, toàn huyện có 90 tổ hòa giải với 730 hòa giải viên. Năm 2022, đội ngũ cán bộ tư pháp cùng cán bộ mặt trận, hội đoàn thể đã hòa giải thành 159/224 vụ việc trên địa bàn. Qua đó hạn chế các hành vi vi phạm pháp luật, tăng cường tình đoàn kết, đảm bảo an ninh trật tự địa phương, góp phần tuyên truyền, phổ biến chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước đến với Nhân dân.

“Hiện nay, không ít người dân chưa am hiểu pháp luật, nhất là các vấn đề liên quan đến tranh chấp đất đai, phân chia tài sản... Thông qua tháng Tư vấn pháp luật miễn phí cho người dân cũng như qua các lần làm việc với khách hàng, luật sư chúng tôi đánh giá khách quan vụ việc, phân tích và hướng khách hàng đi theo con đường hòa giải nếu có thể. Qua đó có những xử sự đúng, phù hợp với pháp luật và đạo đức xã hội, tiết kiệm thời gian, chi phí, giảm áp lực cho các cơ quan tố tụng”, luật sư Nguyễn Hương Quê, Chủ nhiệm Đoàn Luật sư Phú Yên chia sẻ.

Nâng cao kiến thức, kỹ năng cho hòa giải viên

Trong bối cảnh kinh tế - xã hội hiện nay, các tranh chấp trong nội bộ Nhân dân phát sinh ngày càng phức tạp, do vậy cần phải phát huy vai trò các tổ hòa giải để ngăn chặn, xử lý kịp thời vụ việc, không để hình thành điểm nóng về an ninh, trật tự. Tuy nhiên, một thực tế là hiện nay đội ngũ hòa giải viên ở một số địa phương còn thiếu phương pháp, kỹ năng hòa giải, chưa nắm vững kiến thức pháp luật. Một số địa phương, cơ quan chức năng chưa thực sự nhận thức sâu sắc về tầm quan trọng của công tác hòa giải nên thiếu sự quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo; công tác hòa giải ở một số địa phương chưa thật sự hiệu quả; việc bố trí kinh phí cho công tác này chưa nhiều...

Chủ tịch Hội LHPN xã Xuân Quang 2 Nguyễn Thị Bé thổ lộ: “Tôi cũng như đội ngũ hòa giải viên ở địa phương mong muốn thời gian tới được tập huấn kiến thức pháp luật, bồi dưỡng kỹ năng hòa giải để thực hiện tốt hơn nhiệm vụ của mình”.

“Thời gian tới, huyện Tuy An sẽ tiếp tục củng cố, kiện toàn các tổ hòa giải trên địa bàn huyện; tổ chức các lớp tập huấn nâng cao kỹ năng hòa giải cho đội ngũ hòa giải viên địa phương; tiếp tục phát huy vai trò nòng cốt của mặt trận và các tổ chức thành viên của mặt trận trong công tác hòa giải ở cơ sở…”, ông Trần Anh Đạt, Phó Trưởng phòng Tư pháp huyện Tuy An cho biết.

Để công tác hòa giải ở cơ sở là kênh hữu hiệu đưa pháp luật đi vào cuộc sống, góp phần xây dựng, nâng cao ý thức thượng tôn pháp luật trong xã hội thời gian tới, Phó Giám đốc Sở Tư pháp Phan Thị Hoa cho hay: Ngành Tư pháp sẽ tiếp tục củng cố, kiện toàn đội ngũ báo cáo viên, tuyên truyền viên pháp luật và hòa giải viên ở cơ sở. Đồng thời thường xuyên bồi dưỡng, bổ sung, nâng cao kiến thức pháp luật, kỹ năng, nghiệp vụ trong phổ biến giáo dục pháp luật cho đội ngũ này. Đặc biệt, sở sẽ tận dụng tối đa nguồn nhân lực địa phương, phát huy vai trò của người có uy tín ở địa phương trong công tác phổ biến, giáo dục pháp luật góp phần đưa chủ trương của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước đến với Nhân dân…

Theo UBND tỉnh, toàn tỉnh hiện có 645 tổ hòa giải ở 605 thôn, buôn, khu phố. Từ 2012-2022, các tổ hòa giải trên địa bàn tỉnh đã tiếp nhận 15.731 vụ việc, trong đó hòa giải thành 11.832 vụ việc (chiếm tỉ lệ 75% số vụ việc đã hòa giải). Thông qua đó, các hòa giải viên đã góp phần nâng cao nhận thức, ý thức chấp hành pháp luật, hóa giải mâu thuẫn trong cộng đồng dân cư. Đồng thời giữ vững an ninh chính trị, bảo đảm trật tự an toàn xã hội, hạn chế những hành vi vi phạm pháp luật, xây dựng ý thức thượng tôn pháp luật trong cộng đồng dân cư.

NGỌC QUỲNH

Nguồn Phú Yên: http://baophuyen.vn/164/293150/hoa-giai-o-co-so--cau-noi-dua-phap-luat-den-voi-nguoi-dan.html