Hòa giải ở cơ sở nối nhịp cầu bình yên

Trong 9 tháng năm 2023, công tác hòa giải trên địa bàn huyện Long Phú (Sóc Trăng) đạt được nhiều kết quả đáng ghi nhận, tỷ lệ hòa giải thành đạt tỷ lệ ở mức cao. Để đạt được kết quả đó, huyện Long Phú quan tâm củng cố, kiện toàn, thường xuyên tổ chức tập huấn, nhằm nâng cao năng lực đội ngũ hòa giải viên cơ sở. Qua đó, góp phần giải quyết kịp thời, hiệu quả các mâu thuẫn, tranh chấp, khiếu kiện, đảm bảo an ninh trật tự tại cơ sở. Đồng thời cũng là nhịp cầu để đưa pháp luật đến với nhiều người, giúp người dân nâng cao hiểu biết pháp luật, hạn chế thấp nhất các vụ việc tranh chấp và vi phạm pháp luật.

Những năm qua, các vụ tranh chấp, mâu thuẫn phát sinh trong nhân dân ở huyện Long Phú đều được 61 tổ hòa giải tiếp nhận, xem xét và đưa ra hòa giải kịp thời. Nhờ làm tốt công tác này, nên hạn chế tối đa tình trạng đơn thư khiếu nại vượt cấp, ảnh hưởng đến tình hình an ninh trật tự ở địa phương.

Theo Phó Bí thư Chi bộ ấp 1, phụ trách công tác hòa giải Khổng Nguyễn Châu, có những năm tổ hòa giải của ấp tiếp nhận trên 20 vụ, hòa giải thành đạt tỷ lệ trên 87% nên được Phòng Tư pháp huyện đánh giá cao. Tổ hòa giải ấp 1, phần lớn các vụ việc mâu thuẫn, tranh chấp liên quan đến đất đai, cho vay, hụi, hôn nhân gia đình…

Điển hình trường hợp của bà Ng.Th.Đ, ngụ ấp 1, thị trấn Long Phú, phát sinh tranh chấp số tiền khá lớn với bà Đ.Th.C.Th. Trước đây, bà Đ cho bà Th vay số tiền khoảng 400 triệu đồng, thời gian đầu bà Th trả tiền gốc và tiền lãi cho bà Đ đều đặn hằng tháng. Tuy nhiên, chỉ được một khoảng thời gian ngắn bà Th không còn đóng tiền gốc, lãi đúng hẹn nên hai bên phát sinh mâu thuẫn, bà Đ làm đơn gửi Tổ hòa giải ấp nhờ can thiệp. Nhận được đơn của bà Đ, đồng chí Châu họp tổ hòa giải để bàn bạc cách thức hòa giải vụ việc. Bước kế tiếp, Tổ hòa giải ấp 1 mời các bên tranh chấp đến giải thích, phân tích, thấy có tình, có lý, bà Đ đồng ý cho bà Th trả dần trong 3 năm. Thế là vụ tranh chấp giữa bà Đ với bà Th được hòa giải mà không phải khởi kiện ra tòa.

Ngồi trò chuyện với chúng tôi, đồng chí Khổng Nguyễn Châu chia sẻ: “Hiện nay, ấp 1 có 473 hộ, trên 1.900 nhân khẩu, phần lớn người dân nơi đây làm nông nghiệp và kinh doanh mua bán. Thời gian qua, kinh tế - xã hội phát triển, đời sống nhân dân nâng lên, nhưng tình hình mâu thuẫn, tranh chấp cũng phát sinh nhiều hơn trước. Vì thế, Tổ hòa giải ấp 1 luôn cố gắng, nỗ lực nâng chất, các thành viên luôn nhiệt tình, đoàn kết trong giải quyết từng vụ việc cụ thể. Mặt khác, để đi đến thành công trong hòa giải, tổ trưởng và thành viên Tổ hòa giải ấp phải nghiên cứu pháp luật, từng thành viên phải uy tín thì mới thuyết phục được người dân trong từng vụ việc cụ thể.

Đồng chí Khổng Nguyễn Châu - Phó Bí thư Chi bộ ấp 1, thị trấn Long Phú, huyện Long Phú (Sóc Trăng) trò chuyện về công tác hòa giải. Ảnh: KIM NGỌC

Đồng chí Khổng Nguyễn Châu - Phó Bí thư Chi bộ ấp 1, thị trấn Long Phú, huyện Long Phú (Sóc Trăng) trò chuyện về công tác hòa giải. Ảnh: KIM NGỌC

Đồng chí Phạm Thanh Liêm - Bí thư Chi bộ, Tổ trưởng Tổ hòa giải ấp 2, thị trấn Long Phú chia sẻ: “Để làm tốt công tác hòa giải, bản thân tôi thường xuyên tham gia các lớp tập huấn do các cấp, các ngành tổ chức, từ đó tích lũy được kiến thức để áp dụng vào công tác hòa giải ở cơ sở. Qua nhiều năm làm Tổ trưởng Tổ hòa giải ấp 2, tôi nhận thấy, người hòa giải viên phải tôn trọng ý kiến người dân, không được áp đặt, dân chủ và dựa trên cơ sở pháp luật để hòa giải. Ngoài ra, còn tuyên truyền đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước để người dân nắm, thực hiện, hạn chế các hành vi vi phạm pháp luật trong cuộc sống hằng ngày”.

Từ đầu năm đến nay, tổ hòa giải các ấp trên địa bàn huyện Long Phú đã tiếp nhận hòa giải 185 vụ, việc. Cụ thể, dân sự 93 vụ, đất đai 74 vụ, hôn nhân gia đình 5 vụ, các vụ việc khác là 13 vụ, tăng so với cùng kỳ năm trước 15 vụ, việc. Trong đó, hòa giải thành 160 vụ, việc, đạt tỷ lệ 87,43%; hòa giải không thành 25 vụ, việc, chiếm tỷ lệ 12,56%, nguyên nhân hòa giải không thành là do các bên tranh chấp không đồng ý và có yêu cầu chuyển tòa án giải quyết. Hiện nay, huyện Long Phú có 61 tổ hòa giải, với 340 hòa giải viên cơ sở, mỗi tổ hòa giải có 5 thành viên, chủ yếu là bí thư chi bộ các ấp, các đoàn thể và người có uy tín trong ấp.

Đồng chí Phan Lê Diễm - Trưởng Phòng Tư pháp huyện Long Phú cho biết, công tác hòa giải ở cơ sở trên địa bàn nhận được sự quan tâm chỉ đạo của cấp ủy, chính quyền các cấp. Cùng với đó, huyện Long Phú thường xuyên tổ chức bồi dưỡng nghiệp vụ, phương pháp, kỹ năng hòa giải cho hòa giải viên ở cơ sở. Đặc biệt, huyện Long Phú còn tăng cường đăng tải các tài liệu, các ấn phẩm về Luật Hòa giải ở cơ sở trên cổng thông tin điện tử huyện, để khi cần, hòa giải viên có thể truy cập, tìm hiểu. Vì thế, hằng năm, các vụ việc hòa giải thành ở huyện luôn đạt tỷ lệ khá cao.

KIM NGỌC

Nguồn Sóc Trăng: https://www.baosoctrang.org.vn/phap-luat-ban-doc/hoa-giai-o-co-so-noi-nhip-cau-binh-yen-67663.html