Nhu cầu gọi vốn qua trái phiếu doanh nghiệp sẽ tăng trong nửa cuối năm
Thị trường trái phiếu doanh nghiệp tiếp tục phục hồi trong nửa đầu năm 2024, minh chứng là lượng trái phiếu phát hành mới tăng. Theo đánh giá của các chuyên gia, với giá trị phát hành hiện tại, kết hợp với các yếu tố kinh tế vĩ mô, khả năng thị trường trái phiếu doanh nghiệp tiếp tục phục hồi trong nửa cuối năm 2024 là rất lớn.
Những con số tích cực hơn
Sau một thời gian trầm lắng, thị trường trái phiếu doanh nghiệp (TPDN) nửa đầu năm 2024 đã có nhiều tín hiệu tích cực. Theo dữ liệu của Hiệp hội Thị trường Trái phiếu Việt Nam (VBMA), trong tháng 6/2024 đã có 30 đợt phát hành TPDN riêng lẻ và 3 đợt phát hành TPDN ra công chúng với trị giá phát hành hơn 40.000 tỷ đồng và 2.000 tỷ đồng.
Lũy kế từ đầu năm đến hết tháng 6/2024, có 102 đợt phát hành trái phiếu riêng lẻ với trị giá 104.109 tỷ đồng và 10 đợt phát hành ra công chúng trị giá 11.378 tỷ đồng. Trái phiếu được phát hành nhiều nhất đến từ nhóm ngân hàng chiếm 64%, tiếp theo là bất động sản chiếm 26,2%.
Chất xúc tác để gia tăng phát hành trái phiếu doanh nghiệp
Các chuyên gia của FiinRatings cho rằng, lãi suất tiết kiệm trong nước gần đây đảo chiều tăng trở lại và cũng có thể là chất xúc tác cho trái phiếu có kỳ hạn dài với lãi suất cố định. Điều này sẽ làm cho các TPDN có cơ chế lãi suất thả nổi có rủi ro cao hơn bởi thực tế Việt Nam vẫn duy trì thông lệ xác định lãi suất trái phiếu trên phần bù rủi ro của lãi suất tiền gửi tiết kiệm của các ngân hàng lớn.
Trong tháng 6, các doanh nghiệp đã mua lại 13.336 tỷ đồng trái phiếu trước hạn, giảm 68% so với cùng kỳ năm 2023. Trong nửa cuối năm 2024, ước tính sẽ có khoảng 139.765 tỷ đồng trái phiếu đáo hạn, trong đó phần lớn là trái phiếu bất động sản với 58.782 tỷ đồng, tương đương 42%.
Trên thị trường thứ cấp, tổng giá trị giao dịch TPDN riêng lẻ trong tháng 6 đạt 99.469 tỷ đồng, bình quân đạt 4.973 tỷ đồng/phiên, tăng 12,1% so với bình quân tháng 5. Tính từ đầu năm đến hết tháng 6, tổng giá trị giao dịch trái phiếu phát hành riêng lẻ đạt 492 nghìn tỷ đồng.
Theo đánh giá của các chuyên gia, những con số tích cực trên cho thấy niềm tin của nhà đầu tư đang dần quay lại. Với giá trị phát hành hiện tại khả năng thị trường tiếp tục phục hồi trong nửa cuối năm 2024 là rất lớn. Ngoài ra, nhu cầu vốn, đặc biệt là vốn trung và dài hạn của doanh nghiệp đang ở mức cao trong bối cảnh nền kinh tế đang cho thấy sự phục hồi ngày càng tích cực.
Nhu cầu vốn từ trái phiếu còn lớn
Theo nhận định của ông Nguyễn Quang Thuân - Tổng Giám đốc FiinRatings, dư địa tăng trưởng thị trường vốn Việt Nam nói chung, thị trường TPDN nói riêng còn rất lớn, cơ hội tăng trưởng sẽ mở rộng nữa nếu như hạ tầng của thị trường phát triển hơn. Cùng với đó, với những chính sách thông thoáng cho nhà đầu tư tổ chức và cá nhân tham gia để tăng tính thanh khoản, nhà đầu tư nước ngoài sẽ từng bước tham gia thị trường TPDN của Việt Nam.
TS. Lê Xuân Nghĩa - Thành viên Hội đồng Tư vấn chính sách tài chính, tiền tệ quốc gia cũng đánh giá, thị trường TPDN đã đi qua giai đoạn khó khăn nhất, tiếp tục có dấu hiệu ấm lên cùng thị trường bất động sản khi thời gian qua thanh khoản đã có sự cải thiện. “Để các doanh nghiệp có thể huy động trái phiếu dễ dàng hơn thì cần tăng cường hoạt động xếp hạng tín nhiệm và niêm yết trái phiếu trên sàn chứng khoán. Bên cạnh đó, các doanh nghiệp cũng cần làm ăn nghiêm túc hơn, minh bạch hơn và từ đó tạo được lòng tin cho nhà đầu tư” - TS. Lê Xuân Nghĩa cho hay.
Trong một báo cáo mới đây, cùng với yếu tố kinh tế vĩ mô, các chuyên gia của FiinRatings cũng cho rằng, nhu cầu đi vay và phát hành TPDN của doanh nghiệp sẽ tăng tốc trong nửa cuối năm 2024, giúp tăng trưởng tín dụng hoàn thành mục tiêu 14 - 15% cả năm của Ngân hàng Nhà nước.
“Xuất khẩu của Việt Nam tăng trưởng trở lại nhờ kinh tế tại các thị trường chính phục hồi, dẫn tới nhu cầu vốn của các doanh nghiệp sản xuất cải thiện. Tăng trưởng tín dụng cho lĩnh vực kinh doanh bất động sản, trong đó bao gồm đầu tư trái phiếu doanh nghiệp bởi các ngân hàng thương mại, hồi phục khi các vướng mắc về pháp lý dần được tháo gỡ. Ngoài ra, các luật mới liên quan tới thị trường bất động sản được thông qua kỳ vọng sẽ tạo điều kiện cho sự phục hồi của thị trường này” - các chuyên gia của FiinRatings phân tích.
Cùng với đó, theo FiinRatings, để đáp ứng nhu cầu tín dụng tăng trong nửa cuối năm, các tổ chức tín dụng sẽ cần củng cố nguồn vốn trung dài hạn, trong đó bao gồm hình thức phát hành trái phiếu để tăng vốn cấp 2. Do đó, hoạt động phát hành TPDN của các tổ chức tín dụng sẽ bận rộn hơn trong thời gian tới. Ngoài ra, do các ngân hàng vẫn là nhà đầu tư chính của TPDN trong bối cảnh pháp lý và chính sách hiện nay, nên việc đa dạng hóa hình thức cấp vốn cho các doanh nghiệp bởi ngân hàng cũng sẽ làm tiền đề cho sự tiếp tục hồi phục của trái phiếu.
GS. TS HOÀNG VĂN CƯỜNG - ỦY VIÊN ỦY BAN TÀI CHÍNH - NGÂN SÁCH QUỐC HỘI: Nhu cầu vốn từ trái phiếu vẫn được doanh nghiệp trông chờ
Trái phiếu là kênh huy động vốn dài hạn cho doanh nghiệp nhưng hiện nay với mục tiêu đặt ra đến năm 2025 dư nợ trái phiếu doanhnghiệp đạt tối thiểu khoảng 20% GDP và 25% GDP đến năm 2030 là mục tiêu thách thức.
Sau giai đoạn tăng trưởng bùng nổ 2018 - 2021, những khó khăn của thị trường TPDN xảy ra vào năm 2022 tỷ lệ dư nợ giảm từ 16% GDP xuống còn khoảng 11% GDP và hiện tại chưa có chiều hướng đi lên rõ rệt.
Trong bối cảnh của Việt Nam, thị trường TPDN còn có vai trò quan trọng hơn nữa là khi các doanh nghiệp đang bước vào giai đoạn phục hồi sản xuất, muốn mở rộng sản xuất kinh doanh, nhưng tiếp cận vốn ngân hàng vẫn khó dù lãi suất rẻ hơn. Do vậy, khi nguồn vốn tín dụng còn khó tiếp cận thì nguồn vốn từ TPDN vẫn được trông chờ. Tuy nhiên, doanh nghiệp muốn phát hành được TPDN thì phải có độ tin tưởng của khách hàng.
Hải Băng (ghi)
TS. CẤN VĂN LỰC - THÀNH VIÊN HỘI ĐỒNG TƯ VẤN CHÍNH SÁCH TÀI CHÍNH - TIỀN TỆ QUỐC GIA: Đa dạng hóa sản phẩm, nhà đầu tư
Trong tất cả nhóm chính sách vừa qua với thị trường TPDN, tôi đánh giá cao các cơ chế, chính sách liên quan đến hoạt động kiểm soát, phát triển thị trường TPDN không ngừng được bổ sung, hoàn thiện theo hướng ngày càng an toàn, lành mạnh và minh bạch. Tuy nhiên, cơ quan quản lý cần tiếp tục khẩn trương hoàn thiện thể chế liên quan đến Nghị định số 65/2022/NĐ-CP, cân nhắc, rà soát lại và có lộ trình phù hợp; tiến tới sửa Luật Chứng khoán năm 2019, cộng với việc sửa đổi Luật Doanh nghiệp năm 2020 phù hợp hơn trong bối cảnh mới.
Bên cạnh đó, câu chuyện trái phiếu xanh, cơ quan quản lý phải quan tâm phát triển hơn nữa thị trường này, vì trái phiếu xanh của Việt Nam hiện phát triển tương đối chậm so với quốc tế. Vì thế, thời gian tới, cần phải đa dạng hóa sản phẩm hơn nữa.
Cùng với đó, phải nâng cao hạ tầng thông tin và dữ liệu, đa dạng hóa cơ sở nhà đầu tư, nhất là nhà đầu tư tổ chức, các quỹ đầu tư… Đây là cách để chúng ta thu hút nguồn lực vào thị trường TPDN.
Tấn Minh (ghi)
ÔNG TRẦN TRƯƠNG MẠNH HIẾU - TRƯỞNG PHÒNG PHÂN TÍCH CHIẾN LƯỢC CÔNG TY CHỨNG KHOÁN KIS VIỆT NAM: Thị trường minh bạch, niềm tin của nhà đầu tư quay lại
Vấn đề cốt lõi của thị trường TPDN thời gian trước là niềm tin của nhà đầu tư. Do có nhiều doanh nghiệp mất khả năng thanh toán, sử dụng tiền huy động từ TPDN sai mục đích và mất khả năng trả nợ, nên làm nhà đầu tư mất lòng tin vào thị trường này.
Thị trường này vận hành trên cơ sở niềm tin, khi một lô trái phiếu đáo hạn, công ty có thể huy động lại lượng vốn này bằng cách phát hành một lô trái phiếu mới. Tuy nhiên, khi nhà đầu tư không có lòng tin, các doanh nghiệp sẽ khó huy động vốn bù lại dòng tiền này và khi đó sẽ có những vấn đề xuất hiện ở nguồn vốn và ảnh hưởng đến dòng tiền của doanh nghiệp. Thực tế, điều này đã xảy ra trong giai đoạn cuối 2022 và đầu 2023.
Hiện tại, thị trường TPDN đã được minh bạch rất nhiều khi được Chính phủ can thiệp, khung pháp lý rõ ràng và có hệ thống giao dịch tập trung trái phiếu. Điều này giúp niềm tin của nhà đầu tư đang dần quay lại.
Hồng Quyên (ghi)