Hoa hậu doanh nhân Việt-Hàn: Chung kết tại Hàn Quốc, trao rổ danh hiệu
Hoa hậu doanh nhân Việt-Hàn 2019 bị tạm dừng tổ chức đêm bán kết ở Hà Nội hôm 26/7 vào giờ chót, cuối cùng vẫn làm chung kết tại Hàn Quốc và trao rổ danh hiệu.
THI CHUI
Ban đầu đơn vị tổ chức định nhập nhèm giữa đêm bán kết thi nhan sắc với tổ chức chương trình nghệ thuật. Họ lách luật bằng cách xin phép chương trình Gala gặp gỡ hoa hậu và nữ doanh nhân Việt - Hàn 2019. Tuy nhiên, Sở Văn hóa và Thể thao Hà Nội nhận thấy đơn vị tổ chức không thực hiện đúng cam kết trong giấy phép, rốt cuộc BTC không thể tổ chức đêm bán kết.
Không làm được bán kết tại Hà Nội nhưng chung kết vẫn diễn ra tại Hàn Quốc ngày 11/8 với 20 thí sinh. Bà Nguyễn Tuyết Nhung, Trưởng BTC cho hay, chương trình có sự góp mặt của Bằng Kiều, Đinh Hiền Anh, nhạc sĩ Nguyễn Đức Cường.
Vòng chung kết cũng trải qua các phần thi như trình diễn áo dài, trang phục dạ hội và thi ứng xử. Ngoài Top 3 và danh hiệu Hoa hậu cho một thí sinh, BTC còn trao các giải phụ- các tấm biển giải phụ đều có danh xưng hoa hậu đi kèm: Hoa hậu làn da đẹp, hoa hậu truyền thống, hoa hậu dạ hội, hoa hậu tài năng, hoa hậu áo dài, hoa hậu phong cách.
LOẠN DANH TỚI BAO GIỜ?
Liên hệ Cục Nghệ thuật Biểu diễn (NTBD) về hướng xử lý cuộc thi, lãnh đạo Cục cho biết Cục chờ thông tin chính thức về cuộc thi. Trước đó, Cục từng giải thích rằng, những cuộc thi nhan sắc không tổ chức ở Việt Nam thì cơ quan quản lý không thể can thiệp. Trường hợp các cuộc thi này có vòng sơ khảo hoặc các vòng thi phụ tại Việt Nam, BTC phải xin giấy phép của cơ quan có thẩm quyền. Hoa hậu doanh nhân Việt-Hàn 2019 bị dừng đêm bán kết do không được cấp phép.
Thí sinh Việt tham gia các cuộc thi nhan sắc quốc tế theo quy định phải xin phép Cục NTBD, được chấp thuận và bắt buộc phải có danh hiệu trong các cuộc thi trong nước.
Đại diện Phòng quản lý nghệ thuật cho rằng, tùy trường hợp cụ thể, cơ quan quản lý mới xem xét các danh hiệu, hoặc xử lý thí sinh “thi chui”. Tuy nhiên thí sinh Hoa hậu doanh nhân Việt-Hàn đi thi theo diện visa du lịch, cơ quan quản lý không thể can thiệp, không có căn cứ xử lý. “Những danh hiệu này Bộ không công nhận, còn họ tự nhận danh hiệu và đánh bóng với nhau là chuyện của họ”, vị này nói. Lời giải thích này chưa thuyết phục, khiến cho các cuộc thi ao làng ngày càng nở rộ.
Nghị định 79 về biểu diễn nghệ thuật, thi người đẹp người mẫu có các quy định về thi nhan sắc, tuy nhiên nhiều đơn vị tổ chức lợi dụng kẽ hở. Thực tế, từ đơn vị tổ chức tới thí sinh đều người Việt, thậm chí họ tổ chức các vòng sơ loại ở Việt Nam nhưng không xin phép, chung kết lại kéo nhau ra nước ngoài và rình rang xưng danh hiệu khi về nước. Một số đêm thi biến tướng thành biểu diễn nghệ thuật, hoặc gala. Những hình thức này được cấp phép khá dễ dàng, không có hậu kiểm.
Dự thảo Nghị định nghệ thuật biểu diễn do Cục NTBD chủ trì hiện chuẩn bị lấy ý kiến các nhà quản lý, chuyên gia và công khai lấy ý kiến toàn dân. Trả lời thắc mắc của báo giới về dự thảo này, ông Trần Hướng Dương - Phó Cục trưởng Cục NTBD khẳng định ban soạn thảo đề xuất quy định theo hướng thông thoáng, phù hợp với đời sống xã hội. NSND Nguyễn Quang Vinh, Quyền Cục trưởng Cục NTBD khẳng định sẽ có những biện pháp tăng tính hậu kiểm.
Những cuộc thi nhan sắc dễ dãi mỗi năm “đẻ” hàng chục danh hiệu hoa hậu, nữ hoàng tự phong. Loạn danh hiệu vì vậy càng ngày càng trầm trọng. Cơ quan quản lý không công nhận danh hiệu như Hoa hậu doanh nhân Việt Hàn, tuy nhiên không thể không quan tâm thực tế nhiều người dùng danh hiệu tự phong để đánh bóng tên tuổi, tham gia showbiz hoặc trục lợi từ danh hiệu.
“Trong bối cảnh xã hội và với mặt bằng dân trí hiện nay, càng cần siết chặt quản lý, không để trăm hoa đua nở danh hiệu, tất nhiên vẫn theo hướng tăng hậu kiểm”.
TS. Bùi Hoài Sơn, Viện trưởng Viện Văn hóa Nghệ thuật Quốc gia Việt Nam