Hoa hậu hết thời?

Bàn về hình ảnh, giá trị của Hoa hậu hiện nay có khá nhiều tranh cãi trên các diễn đàn sắc đẹp – nhất là khi các cuộc thi nhan sắc đang 'bão hòa'.

Bóng cười - người khóc?

Tối 31/7, Đoàn Thu Thủy - học trò của Minh Tú xuất sắc vượt qua 29 thí sinh để đăng quang Miss Fitness Vietnam 2022 (Hoa hậu Thể thao Việt Nam 2022). Đáng chú ý, ngay sau khi đăng quang, Tân Hoa hậu nghi vấn liên quan đến clip nhóm thanh niên sử dụng bóng cười ở quán bar, gây xôn xao mạng xã hội những ngày qua.

Về ồn ào này, người đẹp Phú Thọ Đoàn Thu Thủy đã lên tiếng xác nhận người trong clip là cô. Tuy nhiên người đẹp sinh năm 1995 phủ nhận việc bản thân sử dụng bóng cười. Nhưng đây sẽ là bài học lớn với bản thân cô.

Về phía đại diện ban tổ chức Hoa hậu Thể thao Việt Nam 2022, bà Trang Lê cho biết dành sự tin tưởng vào Tân hoa hậu.

"Trước thềm cuộc thi, chúng tôi đã có nhiều lần trao đổi thẳng thắn với các thí sinh để nắm thông tin. Video này được quay cách đây vài tháng, khi Đoàn Thu Thủy nhận lời tham gia một sự kiện. Qua tìm hiểu, chúng tôi nhận thấy Thủy không sử dụng bóng cười, mà là người ngồi kế bên cô ấy dùng. Ngoài ra, chúng tôi cũng yêu cầu Thủy và tất cả thí sinh khác giải trình những vấn đề, ồn ào xung quanh cuộc sống đời tư của họ trước khi bước vào cuộc thi. Họ phải ký một bản cam kết, chịu trách nhiệm mà hình thức cao nhất là tước danh hiệu, thu hồi vương miện... nếu sai phạm", bà Trang Lê nói.

Năm 2016, Hoa hậu Kỳ Duyên phản hồi khi bị tung ảnh hút thuốc, thổi bóng cười

Năm 2016, Hoa hậu Kỳ Duyên phản hồi khi bị tung ảnh hút thuốc, thổi bóng cười

Đoàn Thu Thủy không phải là Hoa hậu đầu tiên vướng ồn ào liên quan đến sử dụng bóng cười. Còn nhớ hồi cuối năm 2016, Hoa hậu Việt Nam 2014 Nguyễn Cao Kỳ Duyên lộ hình ảnh ngồi trong quán bar hít bóng cười; hút thuốc lá tại một quán cafe khiến người hâm mộ bất ngờ.

Sự việc tạo ra luồng tranh cãi trên khắp diễn đàn. Đa phần khán giả chỉ trích rằng, Kỳ Duyên không biết giữ gìn hình ảnh Hoa hậu ở chốn đông người và có thú vui không lành mạnh. Cuối cùng người đẹp Nam Định phải viết thư xin lỗi ban tổ chức cuộc thi và khán giả. Cô cũng phải chịu "án" chưa từng có từ BTC Hoa hậu Việt Nam: Không sử dụng hình ảnh của Kỳ Duyên cho các hoạt động quảng bá cuộc thi, đồng thời tước quyền trao lại vương miện cho tân Hoa hậu năm 2016.

Hoa hậu không phải là "biểu tượng sắc đẹp, trí tuệ, đạo đức"

Liên quan đến câu chuyện hiện nay đang "loạn" hoa hậu cũng như những bê bối hình ảnh của các người đẹp sau khi đăng quang, các fan sắc đẹp tranh cãi suốt thời gian qua. Nhiều ý kiến cho rằng: Hoa hậu bây giờ quá nhiều nên không còn "quý, hiếm" như xưa; Các Hoa hậu không còn chỉn chu, giữ gìn giá trị như những người đẹp đăng quang thập niên 80-90;…

Tuy nhiên, cũng có ý kiến bày tỏ sự đồng cảm, thấu hiểu "sức nặng" vương miện. "Mấy hôm nay mọi người xôn xao về chuyện năm nay sẽ có hơn 20 cuộc thi hoa hậu, tức là sẽ có thêm hơn 20 cô Hoa hậu, có bị "loạn" không? Tôi thì lại thấy đó là tín hiệu vui, vì dần dần thi hoa hậu đang trở về đúng bản chất của nó, là một cuộc thi nhan sắc và chỉ như vậy mà thôi! Tại sao có hàng trăm cuộc thi ca nhạc mỗi năm, mà hoa hậu lại chỉ được phép 2-3 cuộc? Trong khi vẻ đẹp vốn là thứ đa dạng, mỗi người phụ nữ như một bông hoa. Người ta có quyền khoe sắc chứ! Như thế mới là nhân bản, nhân văn.

Lâu nay mỗi năm chỉ có 2-3 cô hoa hậu, hiếm thì thành quý. Thế là người ta đội lên đầu các cô đủ thứ gánh nặng. Nào là biểu tượng sắc đẹp, nào là biểu tượng tâm hồn, trí tuệ, đạo đức… của người phụ nữ Việt Nam. Đó thực sự là điều vô lý. Tội cho hàng triệu phụ nữ Việt khác - những phụ nữ âm thầm tỏa vẻ đẹp tuyệt vời của mình trong khoa học, nghiên cứu, kinh doanh, lao động… Và cũng tội cho cả chính người đội vương miện. Lỡ nói tục 1 câu, lỡ hút một điếu thuốc là bị đánh giá nhân cách! Vì xã hội kỳ vọng nhiều quá, trông mong nhiều quá vào một danh hiệu mà bản chất nó không đủ sức gồng gánh! Tự dưng một cô gái mới lớn, sau vài ba tuần luyện tập catwalk, trải qua vài vòng thi thời trang, năng khiếu… lại trở thành một biểu tượng của phụ nữ Việt Nam?

Vậy hãy trả lại đúng ý nghĩa của thi hoa hậu là thi nhan sắc mà thôi, cho dù ban tổ chức có dùng nhiều từ mỹ miều để tôn vinh cuộc thi mà họ tổ chức. Một khi định vị như thế, sẽ bớt đi các giá trị ảo của hoa khôi, hoa hậu. Tự khắc những thứ trục lợi phía sau cuộc thi sẽ bớt dần", một ý kiến khán giả bày tỏ.

Nhà thơ Nguyễn Phong Việt cho rằng công chúng lên tiếng chứng tỏ một điều mọi người có theo dõi cuộc thi và quan trọng nữa nó cũng là cách để chính bản thân người bị lên tiếng và các người đẹp đang chuẩn bị bước vào những cuộc thi Hoa hậu khác rất nên ra soát lại những hành động, phát ngôn của mình để tránh việc gây ra những hệ lụy không đáng có

Nhà thơ Nguyễn Phong Việt cho rằng công chúng lên tiếng chứng tỏ một điều mọi người có theo dõi cuộc thi và quan trọng nữa nó cũng là cách để chính bản thân người bị lên tiếng và các người đẹp đang chuẩn bị bước vào những cuộc thi Hoa hậu khác rất nên ra soát lại những hành động, phát ngôn của mình để tránh việc gây ra những hệ lụy không đáng có

Cuộc thi Hoa hậu đều được thành lập dựa trên góc nhìn kinh doanh

Là người luôn theo dõi rất sát các cuộc thi nhan sắc, từ câu chuyện ồn ào của Tân hoa hậu Thể thao Đoàn Thu Thủy hay Kỳ Duyên nhiều năm trước, nhà thơ Nguyễn Phong Việt cũng có quan điểm rõ ràng. Anh cho rằng trong cái nhìn của công chúng về các "Hoa hậu" hiện này, là một hình ảnh gì đó rất chuẩn mực, rất học thức cũng như có sức ảnh hưởng không nhỏ đến những người trẻ. Thế nên, một hình ảnh không tốt gắn với hình ảnh của Hoa hậu sẽ rất dễ khiến cho công chúng thất vọng.

Việc công chúng lên tiếng chứng tỏ một điều mọi người có theo dõi cuộc thi, và quan trọng nữa nó cũng là cách để chính bản thân người bị lên tiếng và các người đẹp đang chuẩn bị bước vào những cuộc thi Hoa hậu khác rất nên rà soát lại những hành động, phát ngôn của mình để tránh việc gây ra những hệ lụy không đáng có.

Nói về ý kiến cho rằng không nên coi Hoa hậu như "một biểu tượng của phụ nữ Việt Nam", nhà thơ Phong Việt bày tỏ: "Bản chất các cuộc thi Hoa hậu dù là có thâm niên bao nhiêu năm trên thế giới hay ở Việt Nam thì cũng chỉ là một sân chơi giải trí. Tuy nhiên, có lẽ từ chính BTC lẫn một số khán giả kỳ vọng rất nhiều vào "biểu tượng Hoa hậu" rồi sau đó khoác lên cho những vị trí ấy những mỹ từ rất kêu.

Vốn dĩ các cuộc thi Hoa hậu đều được thành lập dựa trên góc nhìn kinh doanh, việc BTC các cuộc thi họ làm mọi cách tôn vinh ngôi vị cũng là hợp lẽ, vì họ cần cuộc thi tạo ra sức hút với thí sinh tham gia. Thế nhưng, ở góc độ công chúng và báo chí, tôi nghĩ chúng ta nên hạn chế ca tụng và dùng những câu chữ mang tính chất "vĩ mô" để gán ghép cho các "Hoa hậu". Người trẻ bây giờ rất thông minh và hiểu biết, tôi nghĩ có không ít người trẻ sẽ bật cười vì đọc hoặc nghe những điều chúng ta gán ghép đi kèm với danh xưng của các Hoa hậu hiện nay.

An Khánh

Nguồn GĐ&XH: http://giadinh.net.vn/hoa-hau-het-thoi-17222080210311117.htm