Hoa hậu Thùy Tiên có thể đối mặt với án phạt nào?

Hoa hậu Nguyễn Thúc Thùy Tiên bị khởi tố và bắt tạm giam với cáo buộc 'lừa dối khách hàng' liên quan đến vụ kẹo rau củ Kera, theo các luật sư, với hành vi này Thùy Tiên có thể bị xử phạt từ 1 đến 5 năm tù.

Cơ quan Cảnh sát điều tra Bộ Công an vừa ra quyết định khởi tố bị can đối với Nguyễn Thúc Thùy Tiên (Hoa hậu Hòa bình quốc tế năm 2021) để điều tra về hành vi “lừa dối khách hàng” liên quan vụ án kẹo rau củ Kera. Kết quả điều tra, Thùy Tiên là cổ đông góp 30% vốn tại Công ty cổ phần Tập đoàn Chị Em Rọt - đơn vị sản xuất và phân phối sản phẩm kẹo rau củ Kera. Từ tháng 12/2024 đến tháng 3/2025, Công ty này đã bán hơn 135.000 hộp kẹo, thu về gần 18 tỷ đồng, trong đó riêng cá nhân Thùy Tiên được chia gần 7 tỷ đồng hoa hồng.

Từ trái qua phải: Nguyễn Thúc Thùy Tiên, Phạm Thị Diễm Trinh và Trần Thị Lệ Thu. Ảnh: BCA.

Từ trái qua phải: Nguyễn Thúc Thùy Tiên, Phạm Thị Diễm Trinh và Trần Thị Lệ Thu. Ảnh: BCA.

Đáng chú ý, khi xảy ra tranh luận trên mạng xã hội liên quan hàm lượng chất xơ có trong kẹo rau Kera, để tránh ảnh hưởng, Thùy Tiên đề nghị ký hợp đồng hợp thức về việc hợp tác quảng cáo, để loại bỏ vai trò của Tiên với tư cách là cổ đông. Tại cơ quan điều tra, Thùy Tiên khai nhận, khi thấy sản phẩm kẹo rau Kera có nhiều “ý tưởng hay ho” nên Tiên đã đề xuất tham gia điều hành.

Đánh giá về vụ án, luật sư Nguyễn Văn Tuấn - Giám đốc Công ty Luật TNHH TGS (Đoàn Luật sư TP Hà Nội) cho rằng, đây không chỉ là một vụ án “lừa dối khách hàng” thông thường, mà còn là hồi chuông cảnh báo về trách nhiệm pháp lý của người nổi tiếng khi tham gia hoạt động thương mại.

Mặc dù biết rõ sản phẩm có hàm lượng chất xơ rất thấp, không đúng như công dụng được quảng bá nhưng Thùy Tiên vẫn tiếp tục tham gia truyền thông sai sự thật, góp phần lôi kéo người tiêu dùng tin tưởng và mua sản phẩm. Đáng chú ý, Thùy Tiên không chỉ là người đại diện hình ảnh mà còn góp vốn 30% và thu lợi nhuận từ doanh thu của sản phẩm. Điều này khẳng định vai trò đồng tổ chức sản xuất, kinh doanh, chứ không đơn thuần là người quảng cáo sản phẩm. Hành vi trên của Thùy Tiên có dấu hiệu cấu thành tội “lừa dối khách hàng” theo khoản 2 Điều 198 Bộ luật Hình sự 2015 (sửa đổi năm 2017), với khung hình phạt từ 1 năm đến 5 năm tù. Tuy nhiên, hành vi của Thùy Tiên cũng có tình tiết tăng nặng là thu lợi bất chính lớn (gần 7 tỷ đồng) và có tổ chức, có thể xem xét tăng nặng hình phạt.

Theo luật sư Tuấn, các bị can còn lại liên quan đến quá trình sản xuất hàng giả là thực phẩm, bao gồm việc không công bố rõ ràng nguồn gốc nguyên liệu, sản xuất sai hồ sơ công bố chất lượng. Đây là hành vi nguy hiểm cho xã hội, đe dọa nghiêm trọng đến sức khỏe cộng đồng. Căn cứ Điều 193 Bộ luật Hình sự, hành vi sản xuất hàng giả là thực phẩm, nếu thu lợi bất chính lớn như trong vụ việc (doanh thu gần 18 tỷ đồng), thì mức phạt có thể lên tới 15 năm tù giam. Ngoài ra, doanh nghiệp có thể bị đình chỉ hoạt động và buộc bồi thường thiệt hại.

Đồng thời, vụ án cũng đặt ra vấn đề về trách nhiệm đạo đức của người công chúng. Trong khi pháp luật cho phép người nổi tiếng tham gia kinh doanh, họ vẫn phải tuân thủ nghiêm ngặt quy định về chất lượng sản phẩm, quảng cáo và đạo đức nghề nghiệp. Hành vi sử dụng hình ảnh để che giấu vai trò cổ đông không giúp Thùy Tiên tránh được trách nhiệm trong vụ việc này. Theo quy định tại Luật Quảng cáo 2012, mọi nội dung quảng cáo sai sự thật, gây nhầm lẫn về công dụng, chất lượng sản phẩm đều bị xử phạt nghiêm khắc, kể cả khi người quảng cáo có phải là người nổi tiếng hay không.

Luật sư Tuấn cũng cho rằng: dưới góc độ pháp lý, vụ án liên quan đến hoa hậu Thùy Tiên và các cá nhân tại Công ty Chị Em Rọt, Công ty Asia Life là một vụ án điển hình về gian dối trong hoạt động thương mại, đặc biệt trong lĩnh vực thực phẩm chức năng. Với những chứng cứ hiện có, việc xử lý nghiêm minh là cần thiết nhằm tăng tính răn đe, đồng thời gửi đi thông điệp mạnh mẽ đến các doanh nghiệp, người nổi tiếng: trách nhiệm pháp lý không bao giờ được xem nhẹ và không ai được đặt ngoài vòng pháp luật.

“Cú trượt dài của hoa hậu Thùy Tiên là bài học đắt giá cho giới nghệ sĩ, KOL, người nổi tiếng đang lấn sân kinh doanh. Danh tiếng không thể là lá chắn cho những hành vi gian dối. Khi đồng tiền được đặt lên trên đạo đức, cái giá phải trả đôi khi không chỉ là tù tội mà còn là hình ảnh, sự nghiệp và lòng tin công chúng. Đã đến lúc người nổi tiếng cần hiểu sự nổi tiếng không miễn trừ trách nhiệm pháp lý. Mọi hành vi mượn hào quang để buôn niềm tin, đều phải được soi chiếu công bằng dưới ánh sáng của luật pháp” - luật sư Tuấn nhấn mạnh.

Đức Sơn

Nguồn Đại Đoàn Kết: https://daidoanket.vn/hoa-hau-thuy-tien-co-the-doi-mat-voi-an-phat-nao-10306255.html