Hóa học xanh trong sản xuất công nghiệp: Thách thức và giải pháp
Ứng dụng hóa học xanh trong sản xuất công nghiệp đã và đang đặt ra những thách thức không nhỏ cho các doanh nghiệp. Vậy giải giải pháp cho vấn đề này là gì?
Nhận rõ được những lợi ích lâu dài khi tham gia vào thị trường thế giới cũng như trách nhiệm phải tuân thủ các quy định về pháp luật bảo vệ môi trường, thực hiện Chiến lược tăng trưởng xanh, Sản xuất và tiêu dùng bền vững mà Chính phủ Việt Nam đã đề ra, nhiều doanh nghiệp sản xuất công nghiệp trong nước đã chủ động chuyển đổi sang hóa học xanh trong sản xuất.
Hóa học xanh góp phần phát triển bền vững
Theo thống kê của Bộ Công Thương, tổng sản lượng công nghiệp hóa chất Việt Nam hàng năm chiếm khoảng 10-11% tổng giá trị GDP của ngành công nghiệp. Hóa chất có vai trò quan trọng và là nguyên liệu đầu vào không thể thiếu trong mọi lĩnh vực sản xuất.
Tuy nhiên, việc sử dụng hóa chất độc hại trong sản xuất công nghiệp đã và đang gây ra những tác động rất lớn và nguy hiểm tới môi trường và sức khỏe con người.
Nhìn được những lợi ích lâu dài, nhiều doanh nghiệp hiện nay đã chủ động chuyển đổi sang ứng dụng hóa học xanh vào sản xuất. Liên minh Châu Âu vừa qua đã phê duyệt một khung chính sách rất mạnh mẽ về hóa chất và chất thải trong khuôn khổ Thỏa thuận Xanh Châu Âu.
Từ khung chính sách này, EU sẽ thắt chặt hơn các tiêu chuẩn kỹ thuật và môi trường vốn đã rất cao đối với hàng hóa được nhập vào khối, trong đó có các quy định về thành phần hóa chất sử dụng trong sản xuất.
Đây chính là thách thức với các doanh nghiệp cũng như chính phủ Việt Nam khi EU là bạn hàng lớn của chúng ta. Kim ngạch xuất khẩu sang EU chiếm 9% tổng kim ngạch xuất nhập khẩu của cả nước trong năm 2021.
Tại Việt Nam, Tổ chức Phát triển Công nghiệp Liên hợp quốc (UNIDO), từ tài trợ của Liên minh Châu Âu, đang thực hiện dự án Bộ công cụ IOMC, để nâng cao năng lực cho các doanh nghiệp trong việc quản lý hóa chất an toàn.
Tại Tọa đoàm “Hóa học xanh trong sản xuất công nghiệp: Thách thức và giải pháp”, do Đài Truyền hình Kỹ thuật số VTC tổ chức vào sáng ngày 01/11, ông Nguyễn Văn Thanh, Cục trưởng Cục Hóa chất, Bộ Công Thương cho biết: “Phát triển Hóa học xanh là một xu hướng tất yếu đối với công nghiệp hóa chất tại Việt Nam, nó sẽ được cụ thể hóa bởi các quy định trong dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung Luật Hóa chất 2007 trong thời gian tới. Phát triển hóa học xanh vừa bảo đảm phát triển bền vững, vừa nâng cao hiệu quả kinh tế và sức cạnh tranh của sản phẩm sản xuất tại Việt Nam”.
“Hiện nay tại Việt Nam đã có doanh nghiệp dần chuyển đổi công nghệ sản xuất để áp dụng các nguyên tắc hóa học xanh trong sản xuất mang lại hiệu quả cao hơn”, ông Nguyễn Văn Thanh cho biết.
Bà Lê Thị Thanh Thảo - Đại diện Quốc gia UNIDO tại Việt Nam đánh giá “doanh nghiệp Việt Nam tiếp cận và áp dụng hóa học xanh là một sự phát triển đáng khích lệ. Quá trình chuyển đổi sang nền hóa học xanh đòi hỏi nhiều thời gian, tuy nhiên để đạt được mục tiêu phát triển công nghiệp bền vững và các lợi ích trong dài hạn, các doanh nghiệp Việt Nam cần bắt đầu hành trình này”.
“Không thể phủ nhận rằng việc chuyển đổi sang nền sản xuất công nghiệp xanh hơn, áp dụng hóa học xanh là thách thức đối với các bên liên quan, đồng thời đòi hỏi sự đầu tư nghiêm túc từ phía doanh nghiệp về mặt tài chính, nguồn lực và công nghệ. Điều này không chỉ xảy ra ở Việt Nam mà ở hầu hết mọi quốc gia trên thế giới, trong mọi lĩnh vực”, bà Thảo khẳng định
Những doanh nghiệp tiên phong
Ông Mai Thanh Tùng, Giám đốc Công ty CP Plato Việt Nam cho biết: “Là doanh nghiệp chuyên sản xuất chuyên mạ điện bề mặt các sản phẩm kim loại để xuất khẩu đi các nước Mỹ, Canada, Nhật Bản. Do đặc thù sản xuất, trong quá khứ doanh nghiệp đã từng sử dụng các loại hóa chất không thân thiện môi trường. Năm 2020, sau một thời gian nghiên cứu, tìm hiểu và mạnh dạn thay đổi, doanh nghiệp đã sử dụng các hóa chất thân thiện với môi trường trong dó có chuyển từ sử dụng Crom 6 sang sử dụng Crom 3, và không sử dụng các chất hóa học trong nhóm chất POPs”.
Thế nhưng không phải doanh nghiệp nào cũng thuận lợi trong việc sử dụng hóa học xanh trong sản xuất. Chia sẻ về vấn đề này, ông Ngô Quang Sang – Phụ trách an toàn sức khỏe môi trường Công ty TNHH Việt Nam PaiHo cho biết, là doanh nghiệp chuyên gia công các sản phẩm liên quan đến may mặc tại TP Hồ Chí Minh. Với quy mô sản xuất lớn và chủ yếu phục vụ xuất khẩu, doanh nghiệp cũng phải sử dụng nhiều hóa chất trong quá trình dệt nhuộm. Hiện công ty đang áp dụng các quy chuẩn của nước ngoài về các loại hóa chất thân thiện môi trường, doanh nghiệp cho rằng: hiện quy định của Việt Nam về danh mục hóa chất xanh chưa được rõ ràng.
Để hỗ trợ doanh nghiệp có thể tiếp cận các quy chuẩn hóa học xanh, bà Lê Thị Thanh Thảo cho biết: “Trong khuôn khổ dự án Bộ công cụ Quản lý Hóa chất gọi tắt là IOMC, trong năm 2021 và 2022, Cục Hóa chất, Bộ Công Thương và UNIDO đã triển khai nhiều hoạt động đào tạo, nâng cao năng lực cho các đối tượng liên quan bao gồm các nhà hoạch định chính sách, nhà nghiên cứu và doanh nghiệp của Việt Nam. Tại đây, các học viên được tiếp cận với các bộ công cụ do UNIDO phát triển cùng đại học Yale, Mỹ, về Hóa học xanh dưới sự tài trợ của Liên minh Châu Âu”.
“Các bộ công cụ này cung cấp một hệ thống thông tin cập nhật và toàn diện, bao gồm cả các bài học về áp dụng công nghệ hóa học xanh trên thế giới mà các doanh nghiệp có thể học hỏi, hay các bước cụ thể để áp dụng mô hình HHX trong kinh doanh. Các hội thảo tập huấn đã được đón nhận tốt và tạo động lực để bắt đầu quá trình chuyển đổi sang hóa học xanh”, bà Thảo cho biết thêm.
Cũng theo bà Thảo thì, bên cạnh hoạt động nâng cao năng lực, UNIDO cũng đang nâng cao nhận thức của cộng đồng về tác hại của hóa chất không an toàn đối với sức khỏe con người, đối với môi trường, đối với thế hệ con cháu của chúng ta. Người tiêu dùng đóng một vai trò quan trọng trong việc thúc đẩy các nhà hoạch định chính sách nâng cao tiêu chuẩn hoặc thúc đẩy các nhà sản xuất ngừng sử dụng các chất độc hại trong sản xuất.
“Hiện UNIDO đã và đang hỗ trợ các công ty tại một số khu công nghiệp từ Bắc vào Nam ở Việt Nam nhằm thúc đẩy các công nghệ xanh và sạch hơn”, bà Thảo chia sẻ.
Là một phần của Bộ công cụ IOMC, Bộ công cụ Hóa học xanh (Green Chemistry Toolkit) được phát triển trong khuôn khổ Sáng kiến Hóa học xanh toàn cầu - một dự án do UNIDO hợp tác với Trung tâm Hóa học xanh và Kỹ thuật xanh tại Đại học Yale (Mỹ). Bộ công cụ ra đời nhằm mục đích nâng cao nhận thức và cho phép các phương pháp khả thi tiếp cận Hóa học xanh để thiết kế các sản phẩm và quy trình nhằm nâng cao lợi ích môi trường toàn cầu trong suốt vòng đời của chúng.
Giải pháp cho thực thi hóa học xanh
Bên cạnh tính chủ động của doanh nghiệp trước những yêu cầu của thị trường và hội nhập kinh tế quốc tế, thì một công cụ được coi là rất quan trọng trong việc thúc đẩy áp dụng hóa học xanh trong sản xuất tại các doanh nghiệp đó là công cụ chính sách.
Chia sẻ về vấn đề này ông Nguyễn Văn Thanh cho biết, Luật Hóa chất hiện nay đã có những nội dung liên quan đến các nguyên tắc hóa học xanh như nguyên tắc giảm sử dụng hóa chất nguy hiểm, ngăn ngừa chất thải (đặc biệt là chất thải nguy hiểm). Tuy nhiên, Luật lại chưa có quy định riêng về khái niệm "Hóa học xanh" (tại Điều 4). Để có cơ sở pháp lý đầy đủ để ban hành các quy định, hướng dẫn liên quan đến các tiêu chí của các công ước quốc tế và hóa học xanh, cần bổ sung khái niệm này trong Luật Hóa chất.
Tuy nhiên, do nhiều nguyên tắc trong số "12 nguyên tắc" của hóa học xanh mang tính quá kỹ thuật nên chỉ quy định trong Luật chỉ là những tiêu chí, nguyên tắc chung, mang tính định hướng, là cơ sở cho việc ban hành các tiêu chí cụ thể trong các quy chuẩn kỹ thuật hoặc trong các quyết định cụ thể như các tiêu chuẩn kỹ thuật của một ngành cụ thể, hoặc trong các tài liệu hướng dẫn kỹ thuật áp dụng cho các ngành công nghiệp, bảo vệ môi trường (như EIA, sơ đồ mitigation, hệ thống quản lý môi trường).
Kinh nghiệm của các nước cho thấy, các tài liệu hướng dẫn chi tiết được sử dụng rộng rãi ở nhiều nước đang phát triển và được coi là "luật mềm". Khi các mục tiêu, nguyên tắc chung đã được quy định trong Luật, cơ quan quản lý có thể sử dụng các nguồn “luật mềm” làm công cụ trong việc giải thích Luật và xây dựng những yêu cầu cụ thể trong quyết định phê duyệt dự án.
Bên cạnh đó, 12 nguyên tắc của hóa học xanh cần phải được kết hợp với các nguyên tắc Sản xuất sạch hơn để có thể ban hành những hướng dẫn áp dụng cho bất kỳ quy trình công nghiệp nào sử dụng hoặc phát thải các chất độc hại. Trong trường hợp này, các nguyên tắc hóa học xanh có thể được sử dụng như một công cụ để kiểm toán bất kỳ loại ngành nào và để đánh giá xem công ty có áp dụng hóa học xanh hay không.Ông Thanh cho rằng: Mặc dù tính cho đến nay, có nhiều nguyên tắc của hóa học xanh vẫn chưa được áp dụng tại Việt Nam, tuy nhiên việc áp dụng những nguyên tắc này có thể đóng vai trò quan trọng giúp giảm thiểu nguy cơ phát thải ra những chất độc hại từ những quá trình sản xuất có sử dụng hoặc phát thải, hoặc từ những sản phẩm có chứa, các chất POPs. Chiến lược Tăng trưởng Xanh của Việt Nam (2021-2030) đã giúp tạo dựng môi trường thuận lợi cho việc xanh hóa các ngành sản xuất thông qua việc (i) yêu cầu điều chỉnh những quy hoạch ngành hiện có theo hướng tăng cường hiệu quả kinh tế và hiệu quả sử dụng tài nguyên thiên nhiên; (ii) khuyến khích phát triển công nghiệp xanh dựa trên nền tảng những công nghệ thân thiện với môi trường; và (iii) ngăn ngừa và xử lý ô nhiễm một cách chủ động. Điều này đã giúp tạo ra một nền tảng cơ sở thuận lợi cho việc phát triển hóa học xanh tại Việt Nam.
Thu Hường