Hoa hướng dương nở trên biên cương Tén Tằn

Trải qua nhiều đời nay, người dân các dân tộc trên miền biên cương huyện miền núi Mường Lát, tỉnh Thanh Hóa vẫn giữ thói quen canh tác phát nương trỉa rẫy và trồng lúa nếp trên ruộng bậc thang, năng suất thấp, giá trị kinh tế hàng hóa thương mại không cao. Để giúp người dân tiếp cận với cách làm mới, mạnh dạn chuyển đổi phương thức sản xuất cũ, tăng thêm thu nhập, phát triển kinh tế, cán bộ, chiến sĩ Đồn Biên phòng cửa khẩu (BPCK) Tén Tằn, BĐBP Thanh Hóa đã nghiên cứu và đưa mô hình 'Hoa hướng dương biên cương' lên biên giới Mường Lát, tạo thêm sinh kế cho người dân nơi đầu nguồn sông Mã.

Một buổi hội thảo về mô hình “Hoa hướng dương biên cương”. Ảnh: Thành Phú

Một buổi hội thảo về mô hình “Hoa hướng dương biên cương”. Ảnh: Thành Phú

Nỗi trăn trở và sự táo bạo

Đồn BPCK Tén Tằn quản lý địa bàn thị trấn Mường Lát với 1.580 hộ/6.754 nhân khẩu, gồm các dân tộc Kinh, Thái, Mường, Khơ Mú, Mông, Dao, Tày, Thổ cùng nhau sinh sống (trong đó, dân tộc Thái chiếm tỷ lệ 65% tổng dân số). Mặc dù đã được nâng cấp lên thị trấn Mường Lát năm 2003 và nhận được rất nhiều sự đầu tư của Nhà nước và của tỉnh, song, đời sống kinh tế của người dân vẫn còn gặp nhiều khó khăn, tỷ lệ hộ nghèo và cận nghèo chiếm 59,6%.

Nguyên nhân chủ yếu là do đất canh tác ít, việc chuyển đổi mô hình phát triển kinh tế của người dân còn chậm và thiếu tính đột phá, phương thức sản xuất cũ, kém hiệu quả vẫn ăn sâu trong nếp nghĩ của người dân. Một số mô hình giúp dân phát triển kinh tế được triển khai trước đây không đem lại hiệu quả nên ít nhiều đã ảnh hưởng đến tâm lý của đồng bào các dân tộc nơi đây.

Tháng 5/2022, Thượng tá Thịnh Văn Kiên nhận chức vụ Chính trị viên Đồn BPCK Tén Tằn. Sau một thời gian tìm hiểu và nắm tình hình địa bàn, anh nhận thấy, người dân nơi đây còn quá phụ thuộc vào nếp suy nghĩ cũ nên ngại tiếp cận với cái mới, họ chấp nhận, an phận với cuộc sống hiện tại, mặc dù cái khó, cái nghèo vẫn tồn tại ngay trong chính ngôi nhà của mình.

Thượng tá Kiên đã suy nghĩ, trăn trở về một hướng đi mới cho bà con nhằm từng bước làm đổi thay tư duy của họ về sự phát triển chắc chắn, bền vững để họ tin và làm theo. Đồng thời, anh cũng quan niệm là nếu cứ kêu gọi, kết nối, huy động từ các nguồn lực trong cộng đồng đến tặng cho mỗi hộ dân vài chục cân gạo, ít thùng mỳ tôm, tiền mặt, đồ dùng.... thì mới chỉ giải quyết được phần ngọn của vấn đề, bởi sau khi người dân sử dụng hết thì họ lại quay về với cuộc sống khó nghèo đã tồn tại từ bao đời nay.

Sau khi tìm hiểu, tham khảo nhiều mô hình phát triển kinh tế của các địa phương, anh đã quyết định đem mô hình “Hoa hướng dương biên cương” đến với người dân trên biên cương Tén Tằn. Thượng tá Thịnh Văn Kiên cho biết: “Lúc đầu, vận động người dân trồng cây hoa hướng dương kết hợp làm du lịch và phát triển kinh tế, chẳng có ai tin và dám làm. Tôi cùng các chị trong Hội Liên hiệp Phụ nữ thị trấn phải đi vận động và cam kết sẽ hỗ trợ kinh phí để họ mua gạo, lúc ấy, mới có vài gia đình đồng ý giao đất ruộng cho chúng tôi trồng hoa thử nghiệm”.

Những người tiên phong

Tiếp xúc với chị Hà Thị Nhiên, dân tộc Thái, Chi hội trưởng Chi hội Phụ nữ khu phố Chiềng Cồng, thị trấn Mường Lát, Nhóm trưởng nhóm trồng hoa hướng dương, tôi mới hiểu được, để thay đổi một thói quen cũ khó khăn đến nhường nào. Chị Nhiên chia sẻ: “Ban đầu, em cũng rất lo sợ vì nhỡ khi cây hoa không đem lại hiệu quả thì mọi người sẽ chê cười và xa lánh. Ngay cả trong gia đình cũng vậy, chồng, con, bố mẹ hai bên đều can ngăn bởi họ sợ giao đất trồng lúa, nếu thất bại thì sẽ bị đói. Thế nhưng, thấy các anh Biên phòng và mấy chị trong Hội Liên hiệp Phụ nữ thị trấn kiên trì vận động, thuyết phục và hứa sẽ hỗ trợ tiền để mua lúa ăn nên em đã yên tâm rủ các chị em khác cùng làm”.

Chị em trong nhóm đang tách hạt hoa hướng dương để làm giống cho vụ tới và bán cho người dân sử dụng. Ảnh: Thành Phú

Chị em trong nhóm đang tách hạt hoa hướng dương để làm giống cho vụ tới và bán cho người dân sử dụng. Ảnh: Thành Phú

Còn chị Hà Thị Nhường, thành viên của nhóm thì lại có nỗi lo khác: “Thú thực, lúc đầu, bản thân em cũng chẳng thấy tự tin tý nào, nhìn thấy cây hoa bé tý tẹo mọc lên trong thời tiết giá lạnh của miền núi cao mà em lo lắng vô cùng, bởi vì nếu thất bại, chắc chắn em sẽ bị các thành viên trong gia đình chê bai và không đồng ý để làm tiếp”.

Đó chỉ là nỗi lo của 2 trong số 6 thành viên nhóm trồng hoa hướng dương, mặc dầu vậy, họ vẫn quyết tâm thay đổi tư duy, dũng cảm tiếp cận mô hình sản xuất mới, mở ra một cách làm khác với trước đây hoàn toàn để người dân học tập và noi theo. Họ dũng cảm ở chỗ dám dùng ngay chính đất ruộng của gia đình mình, thay cây lúa bao đời để trồng hoa hướng dương mà ngay chính bản thân họ cũng chưa biết chắc chắn hiệu quả như thế nào. Tuy nhiên, với sự giúp đỡ và “cam kết” của những người chiến sĩ Biên phòng, họ đã tiên phong đi đầu trong việc đem mô hình “Hoa hướng dương biên cương” khởi đầu cho một cách làm mới mang lại hiệu quả kinh tế cao hơn.

Mở hướng cho tương lai

Sau những ngày nở hoa rực rỡ cho du khách đến tham quan, chụp ảnh, những cây hoa hướng dương đã bắt đầu căng hạt lưu giống cho vụ sau. Với diện tích vườn hoa rộng chừng gần 3.000m2, lại nằm giữa cánh đồng bậc thang bên bờ Nam đầu nguồn dòng sông Mã, kết nối với cửa khẩu Tén Tằn, đền thờ vị tướng quân Tư Mã Hai Đào thời Hậu Lê lên trấn ải biên thùy và chùa Thiền viện Đại hóa nên khu vực trồng mô hình “Hoa hướng dương biên cương” thu hút rất đông du khách thập phương đến tham quan, chụp ảnh.

Bắt đầu làm đất gieo hạt từ tháng 11/2022, đến tháng 3/2023 thì hoa nở rộ, tuy mới triển khai, song nhưng mỗi ngày mô hình đã có khoảng 30 đến 50 người đến tham quan, từ ngày 5 đến 10/3/2023 là dịp Lễ 8/3 thì bình quân vườn hoa đón từ 150 đến 200 lượt khách vào trải nghiệm, chụp ảnh. Với giá vé 20.000 đồng cho mỗi lượt, kết thúc đợt hoa đầu tiên, nhóm đã thu được 16 triệu đồng, cùng với gần 50kg hạt đang được nhiều người quan tâm hỏi mua để dùng. Một phần tiền thu được từ vườn hoa, nhóm cho những chị em có hoàn cảnh khó khăn vay vốn để làm ăn, một phần các chị đầu tư cho đợt tiếp theo.

Chị Vi Thị Nguyệt, Chủ tịch Hội Liên hiệp Phụ nữ thị trấn Mường Lát cho biết: “Có thể nói, mô hình “Hoa hướng dương biên cương” là mô hình của thế kỷ, bởi đã mở ra phương thức sản xuất mới trong tư duy của người dân nơi đây. Để có được mô hình này, chị em phụ nữ chúng tôi rất biết ơn cán bộ, chiến sĩ Đồn BPCK Tén Tằn, các anh đã mở ra một hướng làm ăn mới đầy hiệu quả giúp chị em phụ nữ thay đổi tư duy, mạnh dạn chuyển đổi phương thức sản xuất để phát triển kinh tế”.

Nguyễn Thành Phú

Nguồn Biên Phòng: https://bienphong.com.vn/hoa-huong-duong-no-tren-bien-cuong-ten-tan-post460999.html