Hoa Kỳ, Brazil phản đối lệnh cấm nhập khẩu lúa mì, đậu nành của Thái Lan
Ngày 22-6, Hoa Kỳ và Brazil đã phản đối Thái Lan về lệnh cấm nhập khẩu lúa mì và đậu nành có chứa dư lượng hai loại hóa chất nông nghiệp là paraquat weedkiller và chlorpyrifos, cho rằng quyết định này sẽ khiến hai nước thiệt hại hơn 1 tỷ USD mỗi năm.
NDĐT - Ngày 22-6, Hoa Kỳ và Brazil đã phản đối Thái Lan về lệnh cấm nhập khẩu lúa mì và đậu nành có chứa dư lượng hai loại hóa chất nông nghiệp là paraquat weedkiller và chlorpyrifos, cho rằng quyết định này sẽ khiến hai nước thiệt hại hơn 1 tỷ USD mỗi năm.
Báo Bangkok Post cho biết, ngày 1-6 vừa qua, Thái Lan đã bổ sung hai loại thuốc trừ sâu paraquat weedkiller và chlorpyrifos vào danh sách các chất độc hại nhất, với lý do cần bảo vệ sức khỏe con người. Động thái này đã kích hoạt một quy định y tế về cấm các sản phẩm thực phẩm nhập khẩu có chứa dư lượng các loại hóa chất bị cấm. Lệnh cấm nhập khẩu sẽ được xem xét thông qua vào ngày 18-7 tới và chính thức thành luật khi được công bố trên Công báo Hoàng gia.
Thái Lan nhập khẩu gần như tất cả đậu nành từ Hoa Kỳ và Brazil. Theo số liệu thống kê năm 2019, quốc gia Đông - Nam Á này là nhà nhập khẩu đậu nành lớn thứ 8 trên thế giới và là khách hàng lớn thứ 4 của Hoa Kỳ và Brazil, với trị giá lần lượt là 525 triệu USD và 602 triệu USD. Thái Lan cũng là thị trường tiêu thụ lúa mì lớn thứ 10 của Hoa Kỳ. Mỗi năm, Thái Lan sử dụng hàng triệu tấn lúa mì và đậu nành để sản xuất một loạt các sản phẩm từ dầu ăn, mì đến thức ăn chăn nuôi.
Như vậy, nếu lệnh cấm hai loại hóa chất paraquat weedkiller và chlorpyrifos, được dùng trong quá trình canh tác lúa mì và đậu nành được thông qua và trở thành luật của Thái Lan, các sản phẩm của Hoa Kỳ và Brazil sẽ “hết cửa” xuất khẩu sang “đất nước nụ cười”. Ngoài giá trị hàng hóa hơn 1 tỷ USD mỗi năm, hai quốc gia châu Mỹ sẽ còn có thể bị thiệt hại hàng chục tỷ USD do tác động tiêu cực đối với các chuỗi thực phẩm và cắt giảm hàng loạt việc làm trong các ngành nông nghiệp, chế biến, xuất khẩu.
Còn với Thái Lan, lệnh cấm nhập khẩu có thể sẽ khiến các doanh nghiệp có liên quan của nước này thiệt hại 1,7 nghìn tỷ baht (gần 55 tỷ USD) và mất 12 triệu việc làm. Bởi ngành công nghiệp chế biến thức ăn chăn nuôi của Thái Lan phụ thuộc gần như hoàn toàn vào việc nhập khẩu 5 triệu tấn đậu nành và một triệu tấn lúa mì mỗi năm.