Hoa Kỳ công bố viện trợ 9,5 triệu USD cho Việt Nam phòng chống COVID-19
Bộ ngoại giao Hoa Kỳ thông báo Washington cam kết hỗ trợ gần 9,5 triệu USD giúp Việt Nam ứng phó với đại dịch COVID-19, trong đó hỗ trợ 5 triệu USD để giúp giảm thiểu tác động của đại dịch COVID-19 tới nền kinh tế Việt Nam, gần 4,5 triệu USD để giúp Việt Nam đáp ứng các nhu cầu ưu tiên trong ứng phó đại dịch COVID-19.
Ngày 2/5, Đại sứ Hoa Kỳ tại Việt Nam Daniel J. Kritenbrink công bố Chính phủ Hoa Kỳ, thông qua Cơ quan Phát triển Quốc tế Hoa Kỳ (USAID), sẽ hỗ trợ thêm 5 triệu USD để giúp giảm thiểu tác động của đại dịch COVID-19 tới nền kinh tế Việt Nam.
Khoản hỗ trợ này sẽ được sử dụng để ngay lập tức cung cấp những nguồn lực cần thiết nhất, bao gồm hỗ trợ sự phục hồi của khu vực tư nhân thông qua tăng cường tiếp cận tài chính cho các doanh nghiệp; nâng cao năng lực hỗ trợ doanh nghiệp trong bối cảnh nhu cầu dự kiến tăng mạnh; và phối hợp với các bên liên quan của Chính phủ Việt Nam để đẩy mạnh các giải pháp hỗ trợ của Chính phủ Việt Nam.
Phát biểu về công bố này, Đại sứ Kritenbrink cho biết: “Mặc dù khu vực tư nhân bị ảnh hưởng nặng nề nhất bởi đại dịch COVID-19, song nguồn hỗ trợ bổ sung này sẽ giúp Việt Nam thoát khỏi cuộc khủng hoảng để Việt Nam tiếp tục hành trình hướng đến trở thành quốc gia có thu nhập trung bình cao. Hỗ trợ này tiếp tục củng cố cam kết của chúng tôi về hỗ trợ một Việt Nam vững mạnh, thịnh vượng và độc lập.”
Trong gần 8 năm qua, hỗ trợ của USAID đã giúp các doanh nghiệp trong nước nâng cao năng lực mở rộng quy mô hoạt động, giúp cải thiện môi trường kinh doanh, đào tạo các lãnh đạo mới, giảm thời gian và chi phí thương mại và kiện toàn khung pháp luật ở cấp trung ương và địa phương để thúc đẩy sự tăng trưởng của khu vực tư nhân.
Tháng trước, USAID cũng công bố hỗ trợ gần 4,5 triệu USD để giúp Việt Nam đáp ứng các nhu cầu ưu tiên trong ứng phó đại dịch COVID-19. Khoản tài trợ này sẽ được sử dụng cho hỗ trợ kỹ thuật để chuẩn bị sẵn sàng và ứng phó dịch bệnh; giám sát và phát hiện ca bệnh; kiểm tra y tế tại các cửa khẩu; tăng cường năng lực chẩn đoán trong phòng thí nghiệm; nâng cao nhận thức và huy động sự tham gia của cộng đồng; và phòng ngừa lây nhiễm trong các cơ sở chăm sóc y tế; và các nhu cầu khác.