Hoa Kỳ đặt mục tiêu sản xuất 20% chip hàng đầu thế giới vào năm 2030

Hoa Kỳ sẽ sản xuất 1/5 số chip logic tiên tiến nhất thế giới vào năm 2030, được hỗ trợ bởi chuỗi cung ứng trong nước từ nguyên liệu thô đến bao bì, Bộ trưởng Thương mại Gina Raimondo tuyên bố.

Ảnh: Nikkei Asia

Ảnh: Nikkei Asia

Phát biểu tại Trung tâm nghiên cứu chiến lược và quốc tế, bà Raimondo cho biết Mỹ sẽ không thể dẫn đầu thế giới nếu phụ thuộc vào một số nước châu Á về chip tiên tiến, đặc biệt khi trí tuệ nhân tạo trở thành công nghệ quyết định của thế giới.

Bà giải thích rằng Đạo luật Khoa học và Chips năm 2022, bao gồm 39 tỉ USD khuyến khích sản xuất thiết bị bán dẫn ở Hoa Kỳ, sẽ giúp thay đổi cục diện.

Bà nói: “Chúng tôi nghĩ rằng các khoản đầu tư của chúng tôi vào chip logic, sản xuất chip logic tiên tiến, sẽ đưa đất nước này đi đúng hướng để sản xuất khoảng 20% chip logic hàng đầu thế giới vào cuối thập kỷ này”.

“Hiện tại chúng chỉ đang bước những bước đi đầu tiên trong hành trình này”, bà nói.

Bộ trưởng Raimondo cũng cho biết chính quyền Tổng thống Biden tin rằng họ sẽ thành công trong việc sản xuất các chip nhớ tiên tiến hàng đầu với chi phí cạnh tranh “trên quy mô lớn” ở Mỹ.

Bà nói: “Tôi tin tưởng rằng Hoa Kỳ có thể trở thành ngôi nhà của toàn bộ chuỗi cung ứng silicon để sản xuất những con chip tiên tiến nhất - từ polysilicon đến sản xuất tấm bán dẫn, chế tạo đến đóng gói tiên tiến”.

Cho đến nay, Bộ Thương mại Mỹ đã công bố ba khoản tài trợ cho các công ty theo đạo luật Khoa học và Chip gồm: BAE Systems, Microchip Technology và gần đây nhất là khoản tài trợ trị giá 1,5 tỉ USD cho GlobalFoundries.

Bà Raimondo cho biết Mỹ cũng sẽ hỗ trợ sản xuất chip thế hệ cũ mà Trung Quốc hiện đang chiếm thị phần lớn. Bà nói: Chúng cung cấp năng lượng cho mọi thứ, từ ô tô, thiết bị y tế và hệ thống phòng thủ cho đến cơ sở hạ tầng quan trọng.

Bộ trưởng Raimondo chỉ ra những khó khăn trong thời kỳ đại dịch như một ví dụ về tầm quan trọng của việc sản xuất chip.

“Chúng tôi đã sa thải hàng chục nghìn công nhân từ các công ty ô tô vì thiếu một con chip. Chúng ta phải cải thiện chuỗi cung ứng”.

Nhưng phần lớn các khoản đầu tư – 28 tỉ USD trong số 39 tỉ USD – sẽ đổ vào các con chip hàng đầu. Bà Raimondo chia sẻ rằng “Mục đích của chương trình này không phải là rót nhiều tiền cho càng nhiều công ty càng tốt”, đồng thời nhấn mạnh đây sẽ là “các khoản đầu tư có mục tiêu”.

Owen Tedford, nhà phân tích nghiên cứu cấp cao tại Beacon Policy Advisors, một công ty tư vấn chiến lược, nói với Nikkei Asia rằng: "Nhận xét của bà Raimondo nhấn mạnh sự cạnh tranh về nguồn vốn, nhưng để đáp ứng một số mục tiêu đã nêu này, cần phải có những lựa chọn và các công ty sản xuất chip tiên tiến nhất sẽ là ưu tiên, nếu không muốn nói là hàng đầu".

Bộ Thương mại Mỹ dự kiến sẽ công bố một vòng tài trợ mới trong tuần này, trước bài phát biểu Thông điệp Liên bang của Tổng thống Joe Biden vào ngày 7 tháng 3.

TSMC đang xây dựng cơ sở mới ở Arizona và dự kiến sẽ là một trong những bên nhận tài trợ.

Bộ trưởng Thương mại Raimondo nhận xét: “Những gì TSMC đang dự tính làm ở Arizona thật là đột phá. Họ đang đầu tư vào Hoa Kỳ và chúng tôi rất biết ơn vì họ đang làm điều đó và chúng tôi sẽ đảm bảo điều đó thành công”.

Theo Nikkei Asia

Tiến Dũng

Nguồn VietTimes: https://viettimes.vn/hoa-ky-dat-muc-tieu-san-xuat-20-chip-hang-dau-the-gioi-vao-nam-2030-post173536.html?utm_source=web_vt&utm_medium=home_noibat_vt&utm_campaign=noibat