Hoa Kỳ lần đầu tiên cấy ghép tai được in từ tế bào người

Các bác sĩ vừa thực hiện thành công ca cấy ghép tai người được in từ máy in 3D nhờ các tế bào được lấy từ bệnh nhân bị dị tật.

Ngày 2/6, một nhóm y tế Mỹ đã thông báo, lần đầu tiên ghép một bộ phận tai người được tạo ra từ các tế bào của chính bệnh nhân và sử dụng máy in 3D để tái tạo tai người, quy trình được hy vọng sẽ giúp những người bị dị tật bẩm sinh hiếm gặp.

Hoạt động này được thực hiện như một phần của thử nghiệm lâm sàng để đánh giá tính an toàn và hiệu quả của thiết bị cấy ghép đối với những người có tai ngoài chưa phát triển bình thường (còn gọi là microtia).

Tai dùng để cấy ghép được thiết kế bằng máy in 3D. (Ảnh: AFP)

Tai dùng để cấy ghép được thiết kế bằng máy in 3D. (Ảnh: AFP)

AuriNovo, tên của mô cấy, được phát triển bởi công ty 3DBio Therapeutics, và hoạt động được thực hiện bởi Arturo Bonilla, người sáng lập một viện chuyên điều trị dị tật này, ở San Antonio, Texas.

Tiến sĩ Bonilla - bác sĩ phẫu thuật cho biết: "Là một bác sĩ đã điều trị cho hàng nghìn trẻ em mắc chứng microtia ở Mỹ và trên thế giới, tôi rất vui mừng về công nghệ này và những gì nó mang lại đối với bệnh nhân và gia đình của họ".

Tai của một bệnh nhân đã được sao chép dưới dạng 3D để lấp đầy một dị tật. (Ảnh: AFP)

Tai của một bệnh nhân đã được sao chép dưới dạng 3D để lấp đầy một dị tật. (Ảnh: AFP)

Bộ phận cấy ghép làm từ hỗn hợp tế bào và collagen

Quy trình này được thực hiện bằng cách lấy hình ảnh 3D về tai đã phát triển đầy đủ của bệnh nhân, thu hoạch các tế bào sụn từ tai của họ. Sau đó, chúng được nuôi cấy để thu được một lượng vừa đủ, trộn với một hydrogel collagen. Chính hỗn hợp này được dùng để in que cấy. Thử nghiệm lâm sàng thực hiện trên 11 bệnh nhân, ở California và Texas.

Tiến sĩ Bonilla cho biết, ông hy vọng một ngày nào đó cấy ghép có thể thay thế các phương pháp điều trị hiện tại, bao gồm việc tạo ra một bộ phận giả từ việc loại bỏ sụn từ xương sườn, hoặc một chất gọi là polyethylene xốp.

Microtia ảnh hưởng đến khoảng 1.500 trẻ sơ sinh ở Hoa Kỳ mỗi năm. Nếu không có vấn đề gì khác về sức khỏe, những đứa trẻ này có thể sống khá bình thường. Nhưng một số cảm thấy khó khăn và trở nên tự ti nếu mắc dị tật này.

Thiên Châu

Nguồn SK&ĐS: https://suckhoedoisong.vn//hoa-ky-lan-dau-tien-cay-ghep-tai-duoc-in-tu-te-bao-nguoi-169220603092929163.htm