Hoa Kỳ và Việt Nam ký bản ghi nhớ hợp tác trong lĩnh vực biến đổi khí hậu và bảo vệ môi trường

Ngày 28/1, Cơ quan Phát triển Quốc tế Hoa Kỳ (USAID) và Bộ Tài nguyên và Môi trường Việt Nam đã ký một bản ghi nhớ về tăng cường hợp tác giữa hai cơ quan trong việc giải quyết những thách thức phức tạp về biến đổi khí hậu và bảo vệ môi trường.

Giám đốc USAID Việt Nam Ann Marie Yastishock và Thứ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Lê Công Thành ký Biên bản ghi nhớ. (Nguồn: USAID Việt Nam)

Giám đốc USAID Việt Nam Ann Marie Yastishock và Thứ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Lê Công Thành ký Biên bản ghi nhớ. (Nguồn: USAID Việt Nam)

Theo đó, hai bên sẽ tập trung vào công tác quản lý chất lượng không khí; quản lý tổng hợp tài nguyên nước và an ninh nguồn nước; bảo tồn và sử dụng bền vững đa dạng sinh học; quản lý và tái chế chất thải rắn và rác thải nhựa đại dương và giảm phát thải gây biến đổi khí hậu.

Phát biểu tại buổi lễ, Thứ trưởng Lê Công Thành chia sẻ, hiện nay, Việt Nam đang trong quá trình tái cấu trúc nền kinh tế, chuyển dịch sang mô hình kinh tế xanh, kinh tế carbon thấp và kinh tế tuần hoàn; đồng thời Việt Nam cũng đang tiến hành đẩy mạnh hội nhập quốc tế, chủ động và tích cực tăng cường hợp tác với các quốc gia và tổ chức quốc tế trong đó có Hoa Kỳ để giải quyết các vấn đề môi trường toàn cầu như biến đổi khí hậu, đa dạng sinh học, quản lý nguồn nước xuyên biên giới, giải quyết ô nhiễm nhựa đại dương.

Thứ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Việt Nam Lê Công Thành phát biểu tại sự kiện. (Nguồn: USAID Việt Nam)

Thứ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Việt Nam Lê Công Thành phát biểu tại sự kiện. (Nguồn: USAID Việt Nam)

Thứ trưởng ghi nhận, trong thời gian qua, USAID đã có nhiều hoạt động hợp tác, hỗ trợ Việt Nam trong các lĩnh vực bảo tồn đa dạng sinh học, ứng phó với biến đổi khí hậu, chuyển đổi năng lượng, các giải pháp khí hậu dựa vào tự nhiên, quản trị nguồn tài nguyên và đất, thành phố xanh và giải quyết ô nhiễm môi trường.

“Việc Bộ Tài nguyên & Môi trường và USAID ký kết Bản ghi nhớ sẽ đánh dấu bước phát triển đặc biệt trong quan hệ hợp tác giữa hai Bên, đồng thời mở ra các cơ hội hợp tác mới góp phần thực hiện các Mục tiêu Phát triển Bền vững, Thỏa thuận Paris về biến đổi khí hậu và sự nghiệp bảo vệ môi trường”, Thứ trưởng Lê Công Thành nhấn mạnh.

Thứ trưởng tin tưởng, Bản ghi nhớ được ký kết sẽ tạo dựng một khuôn khổ hợp tác toàn diện giữa Bộ Tài nguyên và Môi trường và USAID với cách tiếp cận mới, tích hợp, giải quyết các vấn đề liên lĩnh vực; nhằm hỗ trợ cho các lĩnh vực ưu tiên cụ thể được hai Bên cùng nhau xác định, đồng thời mở ra nhiều cơ hội hợp tác, trao đổi kinh nghiệp giữa hai Bên trong các lĩnh vực biến đổi khí hậu; bảo vệ môi trường và quản lý các nguồn tài nguyên nhiên nhiên.

Thứ trưởng Lê Công Thành đề nghị, thời gian tới, hai bên sẽ tiếp tục cụ thể hóa nội dung của Bản ghi nhớ thành các hành động cụ thể, với các kết quả thực chất, chỉ tiêu đánh giá rõ ràng để triển khai thỏa thuận đã ký, vì lợi ích của nhân dân hai nước, cũng như vì mục tiêu chung của toàn cầu.

Phát biểu tại lễ ký, Giám đốc USAID Việt Nam, bà Yastishock cho biết, tại các cuộc họp mới đây trong khuôn khổ Hội nghị COP26 tại Glasgow có mục tiêu thúc đẩy sự hợp tác của nhân loại về BĐKH và nhấn mạnh tầm quan trọng của việc chung tay hành động nhằm gìn giữ và bảo vệ môi trường và hành tinh của chúng ta.

Việt Nam được biết đến là một quốc gia trong vùng khí hậu nhiệt đới gió mùa, với chiều dài bờ biển đến 2.000km, có nhiều tỉnh thành đều có mặt tiếp giáp biển. Do vậy, phần lớn dân số và tài sản kinh tế của Việt Nam nằm ở các vùng đất trũng và đồng bằng ven biển, nơi thường xuyên phải hứng chịu các trận bão, lũ lụt, hạn hán và sạt lở đất. Việt Nam cũng đối mặt với một loạt thách thức về ô nhiễm môi trường chủ yếu liên quan tới các hoạt động nông nghiệp, giao thông vận tải và công nghiệp.

Giám đốc USAID Việt Nam Ann Marie Yastishock và Thứ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Lê Công Thành trao đổi Biên bản ghi nhớ. (Nguồn: USAID Việt Nam)

Giám đốc USAID Việt Nam Ann Marie Yastishock và Thứ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Lê Công Thành trao đổi Biên bản ghi nhớ. (Nguồn: USAID Việt Nam)

Do vậy, với đường bờ biển dài và mật độ dân cư sinh sống ven biển cao, Việt Nam được Ngân hàng Thế giới xếp vào nhóm 5 quốc gia có nguy cơ bị ảnh hưởng nặng nề nhất do biến đổi khí hậu. USAID hoan nghênh những cam kết của Thủ tướng Chính phủ Việt Nam tại COP26 và chúng tôi sẵn sàng hỗ trợ Việt Nam đạt được những mục tiêu quan trọng này”, bà Yastishock cho hay.

Bà Yastishock cũng khẳng định, “Bản ghi nhớ ngày hôm nay sẽ tạo thuận lợi cho sự phối hợp hiệu quả giữa USAID và Bộ Tài nguyên & Môi trường trong lĩnh vực biến đổi khí hậu và ô nhiễm môi trường, đồng thời đưa chúng ta tiến thêm một bước nữa trong công tác nâng cao nhận thức và tạo ra thay đổi về môi trường cho người dân và nền kinh tế Việt Nam".

Trong 5 năm qua, USAID đã hợp tác chặt chẽ với Việt Nam để thúc đẩy sự chung tay hành động của các chủ thể địa phương, bao gồm các cơ quan của Chính phủ Việt Nam, khu vực tư nhân, các tổ chức xã hội và người dân nhằm nâng cao nhận thức về nguyên nhân và tác động của các thách thức ô nhiễm môi trường, đồng thời nâng cao kiến thức về các chiến lược hiệu quả về giảm thiểu ô nhiễm môi trường.

USAID tin rằng giải quyết các vấn đề môi trường phức tạp là một quá trình lâu dài đòi hỏi sự hợp tác mạnh mẽ và hành động chung tay của các cơ quan Chính phủ Việt Nam, người dân, khu vực tư nhân và các tổ chức địa phương - đây đều là những bên liên quan có cùng mối quan tâm và chia sẻ lợi ích chung trong việc giải quyết các vấn đề ô nhiễm môi trường cụ thể.

Thông qua thúc đẩy vai trò tiên phong và trao quyền để chính quyền cơ sở và các tổ chức địa phương chủ động xác định và giải quyết các thách thức về môi trường, USAID thúc đẩy sự phát triển bền vững và do chính quyền và người dân địa phương làm chủ, đồng thời đóng góp vào nỗ lực của Việt Nam hướng đến sự thịnh vượng, chất lượng cuộc sống và tăng trưởng kinh tế xanh, bền vững của quốc gia.

(theo báo TN&MT, USAID Việt Nam)

Bảo Lan

Nguồn TG&VN: https://baoquocte.vn/hoa-ky-va-viet-nam-ky-ban-ghi-nho-hop-tac-trong-linh-vuc-bien-doi-khi-hau-va-bao-ve-moi-truong-172528.html