Hoa loa kèn tháng tư
Nắng đầu hạ như rót mật lên phố. Từ tinh mơ, những gánh hoa loa kèn trắng muốt đã len lỏi các nẻo đường.
Huệ đứng dưới hiên nhà nhìn dòng người qua lại. Thấy bác gánh hoa từ xa, cô gọi mua một bó loa kèn. Những cánh hoa còn đọng sương mai, tinh khôi e ấp trắng đến nao lòng. Cô nhẹ nhàng đưa bó hoa lên, hít thật sâu mùi hương dịu dàng rồi lẩm nhẩm mấy câu thơ: “Em đợi gì trong nắng ấm tháng Tư/ Mùa hoa loa kèn hình như đang nở/ Có đợi anh về ta đi xuống phố/ Ngắm hoa loa kèn trong gió mênh mang”. Rồi cô cười khẽ, tự hỏi không biết mình đang đợi điều gì.
Nhìn con gái nâng niu những cánh hoa mỏng manh, mẹ Huệ thở dài, nói:
- Lại hoa với hoét! Ngoài ba mươi tuổi rồi còn lãng mạn gì nữa? Cứ thế này thì đến bao giờ mới lấy được chồng?
Huệ biết mẹ lo lắng. Dịp Tết vừa rồi, thấy nhà hàng xóm có con trai ít tuổi hơn Huệ đã đưa bạn gái về ra mắt, mẹ càng thúc giục nhiều hơn. Sau khi bố mất sớm, mẹ một mình nuôi Huệ, bao năm nay chỉ mong đến ngày con gái yên bề gia thất, có một người đàn ông để nương tựa. Nhưng Huệ chưa từng vội vã.
- Mẹ cứ từ từ. Nồi nào rồi cũng có cái vung của mình. Phụ nữ lấy chồng như một canh bạc, không may lại khổ cả đời. Như cái Lan bạn con đấy, lấy sớm rồi một mình nuôi hai con nhỏ, chồng biệt tăm biệt tích...
Huệ vừa nói vừa chỉnh lại bình hoa để ánh nắng từ cửa sổ hắt vào, rồi an ủi mẹ:
- Chẳng qua là con chưa muốn lấy chồng thôi, chứ không phải không lấy!
- Con nói vậy từ mấy năm trước rồi, bây giờ vẫn y vậy! Mẹ chỉ sợ tháng tư năm sau con vẫn cứ ngồi đây mà ngắm hoa.
Huệ bật cười nhưng rồi cô chợt nhận thấy nỗi buồn ẩn trong mắt mẹ. Huệ biết mẹ sợ đến một ngày mẹ mất đi, cô sẽ không còn ai bên cạnh. Nhưng tình yêu không thể miễn cưỡng. Cô không muốn cưới chồng chỉ để làm hài lòng mẹ.
Huệ có nhan sắc, da trắng, dáng thanh mảnh. Nhiều bạn bè cô vất vả chuyện chồng con, nhan sắc phai tàn theo năm tháng, còn Huệ vẫn thanh xuân, dịu dàng. Có bao anh chàng thích Huệ ngay từ lần đầu gặp, nhưng chẳng ai khiến cô xao động. Có lần mẹ mai mối cho Huệ con bác đồng nghiệp của mẹ đi du học châu Âu về nhưng anh này không để lại ấn tượng gì trong cô. Có lần bà dì giới thiệu một người hơn cô vài tuổi, kinh tế vững chắc nhưng tính hơi trẻ con... Cứ như vậy Huệ đã quen dần với những cuộc mai mối tẻ nhạt, chẳng đâu vào đâu.
***
Dũng trở về Hà Nội sau những tháng dài lênh đênh trên biển. Là sĩ quan công tác tại Vùng 1 hải quân, cuộc sống nơi đầu sóng tôi luyện anh trở nên rắn rỏi, trưởng thành hơn bạn bè cùng trang lứa.
Dũng sinh ra ở Hà Nội, ký ức tuổi thơ anh gắn liền với những buổi sáng tháng tư, khi mẹ đặt bình hoa loa kèn trắng tinh khôi lên bàn và bảo: “Loa kèn là loài hoa của sự khởi đầu”. Từ khi khoác áo lính, sống giữa biển cả mênh mông Dũng chưa có cơ hội được nhìn ngắm, được chạm vào loài hoa đó nữa.
Lần về phép này đúng dịp tháng tư. Hà Nội những ngày này đẹp dịu dàng như một thước phim cũ. Dũng lang thang qua những con phố thân quen. Những hàng sấu già vẫn rì rào trong gió. Những quán cà phê nhỏ vẫn phảng phất hương thơm nồng đượm. Đến một ngã tư, anh bắt gặp một bà cụ đang đứng lặng trên vỉa hè, đôi mắt già nua bối rối trước dòng xe cộ. Dũng bước nhanh tới, nhẹ nhàng hỏi:
- Cụ ơi, sao cụ đi một mình qua đường vậy? Để con giúp cụ nhé!
Bà cụ nhìn anh, cười hiền từ:
- Nhà bà gần đây thôi. Hôm nay trời đẹp, bà ra ngoài đi dạo nhưng đường đông quá.
Dũng mỉm cười nắm tay dắt bà sang bên đường mà không hay biết rằng ở góc phố bên kia có một đôi mắt đang dõi theo anh.
***
Dũng đến thăm nhà dì của Huệ theo lời mời của bà. Vừa bước vào, anh bất ngờ chạm phải ánh mắt của một cô gái.
- Huệ ơi, rót nước mời khách giúp dì đi! Đây là Dũng, con của bạn thân dì.
Huệ ngước nhìn người thanh niên mặc chiếc áo sơ mi màu xanh đậm, da rám nắng, vóc dáng rắn rỏi, đôi mắt sâu thẳm như đại dương. Rồi cô khựng lại.
- Anh... có phải hôm qua đã giúp bà cụ qua đường ở Phan Đình Phùng không?
Dũng thoáng ngạc nhiên. Hóa ra cô gái này đã thấy anh từ trước. Một sự tình cờ thật lạ lùng. Ánh mắt anh bất giác lướt qua bình hoa loa kèn trên bàn.
- Em cũng thích hoa loa kèn à?
Huệ khẽ gật đầu:
- Năm nào đến tháng tư em cũng cắm một bình.
- Anh cũng thích hoa loa kèn. Nhưng nơi anh làm việc không có loài hoa này.
Huệ thoáng ngạc nhiên. Lần đầu tiên có người đàn ông nói với cô rằng mình thích hoa loa kèn. Và cũng là lần đầu tiên cô không cảm thấy buổi gặp gỡ này chỉ đơn thuần là một cuộc mai mối nhàm chán.
***
Những ngày sau Dũng thường ghé thăm Huệ. Anh kể cho cô nghe về biển cả bao la, về những người lính trẻ luôn hướng về đất liền... Mỗi lời Dũng kể đều khiến lòng Huệ xao xuyến. Mặc dù ít tuổi hơn cô nhưng ở Dũng có một sự chín chắn, chân thành nhưng không vồn vã lấy lòng cô như những người đàn ông khác.

Minh họa: Lê Trí Dũng
Một buổi chiều Dũng chở Huệ dạo quanh phố Hà Nội. Trời xanh trong vắt, nắng len lỏi qua những tán cây, rắc xuống một lớp bụi vàng lấp lánh. Đến một góc đường, anh dừng xe mua một bó loa kèn từ gánh hàng rong.
- Tặng em.
Huệ nhận bó hoa, lòng chợt ấm áp lạ kỳ.
- Anh thấy hoa loa kèn giống em vậy - nhẹ nhàng, giản dị mà thanh khiết.
Dũng nói xong, mặt hơi đỏ lên, ánh mắt có chút ngại ngùng. Huệ không đáp, chỉ ôm chặt bó hoa vào lòng. Gió thổi nhẹ qua mái tóc cô, mang theo hương hoa dìu dịu. Ngồi phía sau xe anh, lần đầu tiên cô cảm thấy tháng tư trở nên đặc biệt đến thế.
***
Một ngày Dũng tới chơi nhằm lúc Huệ đi làm vắng, chỉ có mẹ cô đang nằm bệt trên giường, hơi thở nặng nhọc, ánh mắt mệt mỏi.
- Dũng đấy à con! Vào nhà uống nước đi.
Nhìn sắc mặt nhợt nhạt của bà, Dũng vội đến bên giường, cúi xuống hỏi:
- Bác thấy không khỏe ạ? Bác đã ăn uống gì chưa? Để con gọi Huệ về ngay nhé!
Mẹ Huệ mỉm cười yếu ớt, lắc đầu:
- Bác không sao... Chắc tại thời tiết thay đổi thôi.
Dũng ra phòng ngoài rót nước rồi nhẹ nhàng đỡ bà ngồi dậy, giúp bà uống từng ngụm nhỏ. Đặt tay lên trán bà, anh khẽ nhíu mày:
- Bác sốt cao rồi, để cháu đưa bác đến bệnh viện ngay!
Rồi Dũng gọi taxi, dìu bà ra xe, đến nơi lại tự mình lo thủ tục nhập viện. Chỉ khi bác sĩ đã vào khám anh mới lấy điện thoại gọi cho Huệ.
Nhận được tin mẹ nhập viện, Huệ cuống cuồng xin nghỉ làm, phóng xe như bay đến nơi. Vừa tới cửa phòng bệnh, cô đã hốt hoảng gọi: “Mẹ ơi! Mẹ...”.
Nhìn mẹ nằm trên giường bệnh, sắc mặt xanh xao, bàn tay gầy guộc, tim Huệ như thắt lại. Chưa bao giờ cô thấy mẹ mệt đến vậy. Bao năm vất vả vì con, bà đã hao mòn theo thời gian lúc nào không hay.
- Bác sĩ ơi, mẹ cháu sao rồi ạ?
Bác sĩ mỉm cười trấn an:
- May mà người nhà đưa đến kịp thời. Bà bị cao huyết áp kết hợp với sốt, cần ở lại điều trị, theo dõi thêm.
Huệ thở phào, quay sang thấy Dũng đang vắt khăn ướt, nhẹ nhàng đặt lên trán mẹ cô, bỗng trong lòng dâng lên một cảm giác lạ lẫm. Một điều gì đó dịu dàng, ấm áp mà trước đây cô chưa từng nhận ra.
Mấy ngày sau Dũng vẫn đều đặn ra vào bệnh viện, khi thì bát cháo nóng, lúc cặp lồng phở nghi ngút khói.
Huệ nhìn anh gấp chăn, chỉnh lại gối cho mẹ, từng việc anh làm đều chân thành, chu đáo, như thể chăm sóc chính mẹ ruột của mình. Và trong khoảnh khắc ấy cô như hiểu ra điều gì đó. Người đàn ông trước mặt cô không chỉ là tình cờ gặp gỡ, cũng không phải do mai mối, sắp đặt, càng không phải một cái tên thoáng qua cuộc đời cô. Anh chính là người mà cô có thể tin tưởng. Và có lẽ... cô đã yêu anh mất rồi.
***
Nhờ được các bác sĩ điều trị tận tình cùng với sự chăm sóc chu đáo của Huệ và Dũng, cuối cùng mẹ Huệ cũng hồi phục. Sắc mặt đã hồng hào hơn, giọng nói đỡ yếu ớt, nhưng có lẽ điều khiến bà ấm lòng nhất chính là tấm chân tình của một chàng trai mà chỉ ít ngày trước còn là người xa lạ với mẹ con bà.
Dũng đều đặn lui tới, vẫn những cử chỉ chăm sóc ân cần, vẫn những lời động viên nhẹ nhàng. Mẹ Huệ không nói nhiều nhưng trong lòng thầm cảm kích. Bà biết, suốt những ngày qua, sự có mặt của Dũng đã giúp cả bà và Huệ vững lòng hơn.
Nhưng thời gian nghỉ phép của Dũng cũng sắp hết.
Ngày trở lại đơn vị, Dũng đứng trước cổng nhà Huệ, lặng lẽ thu vào mắt khung cảnh quen thuộc: Góc sân nhỏ, những bông hoa trắng muốt trong chiếc bình gốm và người con gái đang đứng đó, ánh mắt thoáng một nỗi buồn.
- Chiều nay anh sẽ trở lại đơn vị, bắt đầu chuyến hành trình mới.
Giọng anh trầm ấm xen chút tiếc nuối. Huệ khẽ gật đầu, như níu giữ anh bằng lời nói:
- Anh đi... khi nào về ạ?
Dũng nhìn cô thật lâu rồi mỉm cười:
- Nếu em vẫn còn cắm loa kèn, anh sẽ về.
Huệ cúi đầu, bàn tay vô thức siết chặt vạt áo, trái tim cô dường như đập nhanh hơn...
Tháng tư năm ấy, lần đầu tiên, cô không cắm hoa chỉ để ngắm.
Cô cắm hoa... để đợi một người.
Nguồn Hà Nội Mới: https://hanoimoi.vn/hoa-loa-ken-thang-tu-699543.html