Hoa Lư: Bảo vệ các vị trí trọng điểm phòng chống lụt bão

Theo phương châm lấy phòng ngừa là chính, chủ động về mọi mặt, huyện Hoa Lư đã xây dựng phương án bảo vệ các vị trí trọng điểm trong phòng chống lụt bão để chủ động ứng phó với mọi tình huống thiên tai xảy ra, hạn chế mức thấp nhất thiện hại về người và tài sản của Nhà nước và nhân dân.

Đoạn đê tả sông Vạc, bảo vệ hằng trăm ha đất nông nghiệp ở xã Ninh An (Hoa Lư) cần được đầu tư xây dựng dứt điểm, đồng bộ đạt cao trình mới đảm bảo yêu cầu PCLB.

Đoạn đê tả sông Vạc, bảo vệ hằng trăm ha đất nông nghiệp ở xã Ninh An (Hoa Lư) cần được đầu tư xây dựng dứt điểm, đồng bộ đạt cao trình mới đảm bảo yêu cầu PCLB.

Đồng chí Phạm Thái Thạch, Trưởng phòng Nông nghiệp và PTNT huyện Hoa Lư cho biết: Toàn huyện có 8 tuyến đê với tổng chiều dài 55,58 km. Trong đó, đê cấp II (đê hữu Đáy) dài 8,02 km, đê cấp III (đê Trường Yên) dài 6,65 km; còn lại là các tuyến đê cấp IV, V ở nội đồng như: sông Vạc, sông Bến Đang, sông Hệ Dưỡng, sông Vó, sông Chanh, đê sông Sào Khê dài 40,9 km. Ngoài ra tại các tuyến đê có 1 âu sông Chanh và 40 cống dưới đê.

Hệ thống đê và các cống dưới đê trên địa bàn huyện trong những năm qua được sự quan tâm đầu tư của tỉnh, huyện trong việc tu bổ, nâng cấp nên đến nay đã cơ bản đáp ứng được yêu cầu nhiệm vụ phòng, chống thiên tai. Tuy nhiên, trước những diễn biến bất thường, khó lường của thời tiết, huyện Hoa Lư đã xác định các vị trí trọng điểm để thực hiện tốt phương án hộ đê.

Theo đó, trên địa bàn huyện Hoa Lư được xác định có 6 vị trí trọng điểm cần được tập trung bảo vệ trong mùa mưa bão bao gồm: cống Cam Giá, Ninh Khang; tường chắn sóng và cống tiêu nước ra sông Hoàng Long, xã Trường Yên; đê sông Vó, xã Ninh An và Ninh Vân; quai đê Đồng Chiều Vạn Lê, xã Ninh Vân; đê tách nước núi xã Ninh Hải.

Trong số các điểm trọng yếu, cống Cam Giá được xác định là vị trí cần được tập trung tốt nhất phương án "4 tại chỗ" trong mùa mưa bão năm nay. Cống được xây dựng từ năm 1983, mang cống phía thượng lưu bị sụt, sạt lở nghiêm trọng từ mùa mưa bão năm 1994 và 2007; cánh cống bị kẹt từ năm 1996. Mặc dù được nhiều lần sửa chữa, khắc phục nhưng chỉ mang tính tạm thời. Do công trình được xây dựng hơn 30 năm nên các mạch vữa đá xây bị mủn, xốp phía ngoài không đảm bảo an toàn tuyệt đối trong phòng, chống thiên tai. Trong trường hợp lũ sông về nhanh và mực nước tăng có nguy cơ vượt mức nước lũ thiết kế của đê hữu Đáy thì chỉ có thể sử dụng phương án hoành triệt cống đảm bảo an toàn cho tuyến đê.

Đối với các tuyến đê có cao trình thấp hơn thiết kế được phê duyệt khi chênh lệch mực nước giữa trong đồng và ngoài sông có nguy cơ sự cố tràn đê, huyện đã xây dựng phương án dùng bao tải đắp con trạch để tôn cao bằng mặt đê thiết kế. Để xử lý các sự cố tràn đê huyện cũng chủ động xây dựng phương án "4 tại chỗ" chuẩn bị đầy đủ phương tiện, vật tư và hiệp đồng với các lực lượng để đảm bảo an toàn tính mạng, tài sản của Nhà nước và nhân dân.

Cùng với việc xây dựng các phương án bảo vệ các vị trí trọng điểm trong phòng chống thiên tai, Ban Chỉ huy PCTT-TKCN huyện đã kiện toàn, phân công nhiệm vụ cụ thể cho từng thành viên, đảm bảo tính thống nhất, đồng thời có sự phối hợp chặt chẽ giữa các ban, ngành, đoàn thể nhằm phát huy sức mạnh tổng hợp trong công tác phòng, tránh và kịp thời ứng phó, xử lý các tình huống khi thiên tai xảy ra theo tình huống, điều kiện cụ thể đã xây dựng trong phương án phòng chống thiên tai và TKCN…

Ban Chỉ huy PCTT-TKCN huyện đã tổ chức hiệp đồng PCTT-TKCN với các đơn vị quân đội, chỉ đạo các đơn vị duy trì lực lượng hộ đê bao gồm lực lượng địa phương và các cơ quan đóng trên địa bàn. Rà soát, triển khai phân công, bố trí các lực lượng thường trực hộ đê theo từng cụm, từng tuyến đê, sẵn sàng ứng phó kịp thời với diễn biến thiên tai theo đúng phương châm "4 tại chỗ" .

Đồng thời, Hoa Lư tiếp tục đẩy mạnh tuyên truyền về công tác PCTT và các quy định của pháp luật về đê điều để nhân dân chủ động và tự giác thực hiện. Tiếp tục triển khai tập huấn kỹ thuật hộ đê, kỹ thuật chằng chống nhà cửa ứng phó với thiên tai. Động viên, hướng dẫn nhân dân vùng có nguy cơ ngập lụt chuẩn bị các phương tiện thuyền bè nhỏ, dự trữ lương thực, thuốc chữa bệnh, hóa chất xử lý nước để chủ động đối phó khi ngập lụt xảy ra. Từng bước nâng cao khả năng chuẩn bị, ứng phó, phục hồi của cộng đồng trước, trong và sau thiên tai.

Nguyễn Thơm - Minh Đường

Nguồn Ninh Bình: https://baoninhbinh.org.vn/hoa-lu-bao-ve-cac-vi-tri-trong-diem-phong-chong-lut-bao/d20210818135248103.htm