Hoa Lư: Đưa sắc màu dân gian vào trường học

Những năm qua, các trường học trên địa bàn huyện Hoa Lư đã tích cực tổ chức các trò chơi dân gian cho học sinh nhằm giúp các em phát triển toàn diện, tăng cường thể chất, trí tuệ, rèn luyện kỹ năng sống. Đây cũng là hoạt động nhằm đẩy mạnh công tác bảo tồn giá trị văn hóa dân tộc; hưởng ứng mạnh mẽ phong trào thi đua 'Xây dựng trường học thân thiện, học sinh tích cực' trong toàn ngành Giáo dục và Đào tạo.

Các em học sinh Trường Tiểu học Ninh An (Hoa Lư) chơi trò chơi dân gian ô ăn quan.

Các em học sinh Trường Tiểu học Ninh An (Hoa Lư) chơi trò chơi dân gian ô ăn quan.

Được tham gia buổi hoạt động ngoại khóa, chơi các trò chơi dân gian như ô ăn quan, bịt mắt bắt dê, nhảy dây..., em Đỗ Gia Bảo, lớp 2C, Trường Tiểu học Ninh An phấn khởi cho biết: Đến trường vui lắm, em vừa được học chữ, vừa được vui chơi. Em rất vui vì được tham gia các trò chơi dân gian hấp dẫn, được thầy cô hướng dẫn chơi từng trò chơi cùng các bạn. Qua đó giúp em hiểu hơn về tính đoàn kết, hỗ trợ nhau khi tham gia chơi cùng các bạn. Em rất thích trò chơi ô bịt mắt bắt dê vì trò chơi giúp em cần phải tư duy phán đoán để bắt đúng được bạn đóng dê kêu. Mỗi lần đoán đúng người bắt được, em cảm thấy rất vui.

Còn đối với em Hoàng Thị Ngọc Hà, lớp 5B, Trường Tiểu học Ninh An mặc dù đã nhiều năm tham gia các trò chơi dân gian được tổ chức tại trường, nhưng mỗi lần chơi là một lần tạo cho em sự hào hứng, giải tỏa căng thẳng, mệt mỏi trong học tập. Em Ngọc Hà cho biết: Em thích chơi trò chơi ô ăn quan bởi trò chơi giúp người chơi phát triển trí tuệ, dạy cách quan sát, tính toán.

Ngoài ra, em thường tham gia các trò chơi nhảy bao bố, nhảy dây, kéo co để tăng cường sức khỏe. Mỗi giờ ra chơi, em cùng các bạn rủ nhau chơi các trò chơi dân gian phù hợp với thời gian nghỉ, giúp chúng em gắn kết hơn trong học tập. Cùng tham gia chơi các trò chơi dân gian với học trò của mình vào những buổi học ngoại khóa, cô giáo Nguyễn Thị Hạnh, Phó Hiệu trưởng Trường Tiểu học Ninh An cho biết: Thuận lợi của nhà trường khi tổ chức các trò chơi dân gian cho học sinh là xây dựng được môi trường học tập, vui chơi thân thiện.

Năm 2010, Trường Tiểu học Ninh An được công nhận Trường học thân thiện, học sinh tích cực xuất sắc. Do đó, hơn 8 năm qua, nhà trường đã tích cực đẩy mạnh triển khai các trò chơi dân gian cho học sinh trong nhà trường vào các tiết hoạt động tập thể, giờ ra chơi, các hoạt động trải nghiệm. Những trò chơi dân gian được các thầy, cô giáo sưu tầm, cùng với thầy cô Tổng phụ trách Đội hướng dẫn, tổ chức cho học sinh chơi. Đặc biệt, trò chơi dân gian được nhà trường thường xuyên tổ chức chơi và thi trong các ngày kỷ niệm 20/11, 22/12, thu hút học sinh hào hứng tham gia, giúp các em gìn giữ, phát huy các giá trị truyền thống của dân tộc.

Thông qua trò chơi rèn luyện các phẩm chất như tình đoàn kết,nhường nhịn nhau khi tham gia trò chơi, rèn luyện tính kiên trì, sáng tạo, kỹ năng sống cho học sinh (kỹ năng giao tiếp, kỹ năng tính toán tư duy), học sinh nhanh nhẹn, thân thiện, hòa đồng hơn và hỗ trợ học sinh trong học tập hiệu quả hơn. Với việc tổ chức trò chơi dân gian hiệu quả, đã hạn chế tình trạng học sinh nô nghịch, rượt đuổi nhau trong sân trường; không còn tình trạng học sinh chơi các trò chơi có tính bạo lực học đường. Năm học 2021-2022, Trường Tiểu học Ninh An có 681 học sinh/18 lớp. Tất cả học sinh nhà trường được tham gia các trò chơi dân gian và đảm bảo an toàn trường học. Xác định được tầm quan trọng của các trò chơi dân gian với học sinh, giúp các em được trải nghiệm, bảo tồn giá trị văn hóa truyền thống. Do đó, từ năm 2007, ngành Giáo dục và Đào tạo huyện Hoa Lư đã tiếp tục đưa trò chơi dân gian vào trường học và gắn với phong trào "Xây dựng trường học thân thiện, học sinh tích cực".

Năm học 2021-2022, ngành Giáo dục và Đào tạo huyện Hoa Lư có trên 16 nghìn học sinh, tất cả các em được tham gia các trò chơi dân gian, được các nhà trường tổ chức như các trò chơi: Nhảy dây, nhảy bao bố, ô ăn quan, bịt mắt bắt dê, mèo đuổi chuột, nhảy nụ hoa..., với đa dạng hình thức tổ chức phù hợp với tình hình nhà trường và đảm bảo an toàn phòng, chống dịch COVID-19.

Hiện nay, thuận lợi của huyện Hoa Lư hiện có 33/33 trường học mầm non, tiểu học, THCS đạt trường học thân thiện, học sinh tích cực, giữ vững danh hiệu trường học đạt chuẩn Quốc gia nên có điều kiện về cơ sở vật chất tổ chức cho học sinh tham gia các trò chơi dân gian. Không giống các sự kiện khác, trò chơi dân gian trong trường học rất đơn giản, dễ thực hiện, ít tốn kém, các trò chơi tổ chức phù hợp với không gian. Các em học sinh tham gia trò chơi thường xuyên có kỹ năng giao tiếp, hợp tác, tư duy nhanh nhạy hơn, mạnh dạn, tự tin, tác động tích cực vào sự hứng khởi, thoải mái trong tiếp thu kiến thức trong học tập các giờ chính khóa. Qua hướng dẫn, tổ chức cho học sinh chơi các trò chơi dân gian là hình thức giáo dục truyền thống, hướng các em "về nguồn", thêm yêu văn hóa dân tộc, yêu quê hương đất nước.

Đặc biệt, hiện nay, trong cuộc cách mạng 4.0, nhiều học sinh bị cám dỗ vào các trò chơi điện tử, nguy cơ ảnh hưởng từ các trò chơi bạo lực gây ảnh hưởng sức khỏe, tinh thần thì việc duy trì các trò chơi truyền thống được các nhà trường trong huyện Hoa Lư đẩy mạnh, có ý nghĩa to lớn, tạo môi trường, hoạt động, sân chơi lành mạnh, bổ ích, giảm lo âu về bạo lực học đường, nâng cao chất lượng giáo dục toàn diện cho học sinh trong toàn huyện.

Nhiều năm học qua, ngành Giáo dục và Đào tạo huyện Hoa Lư đứng tốp đầu của các phòng Giáo dục và Đào tạo tỉnh. Năm học 2020-2021, các nhóm chỉ tiêu trong công tác giáo dục huyện đều cơ bản đạt và vượt. Phong trào thi đua "dạy tốt - học tốt", bồi dưỡng học sinh giỏi đạt kết quả tốt, với 19 giải quốc gia, 53 giải cấp tỉnh, 421 giải cấp huyện khi tham gia các sân chơi trí tuệ. Trong kỳ thi tuyển sinh vào lớp 10 THPT, có 3 em đỗ thủ khoa vào các trường THPT của tỉnh...

Bài, ảnh: Tiến Minh

Nguồn Ninh Bình: https://baoninhbinh.org.vn/hoa-lu-dua-sac-mau-dan-gian-vao-truong-hoc/d20211112080439550.htm