Hoa ly sa đỏ thắm

Xa Ngán Tý. Cái tên gì mới nghe đã thấy ngao ngán, ngái xa. Vừa nhận quyết định về huyện Xén Mần công tác, tôi được trưởng phòng giáo dục điều lên xã Pá Vấy Sủ, rồi lại được hiệu trưởng phân công về điểm trường Xa Ngán Tý.

Ảnh minh họa

Ảnh minh họa

Hiệu trưởng giao nhiệm vụ xong, cười: “Tuổi trẻ như cậu là cứ phải dời non, lấp bể. Xa nhưng gần thôi, chẳng... ngán tí nào đâu. Cậu lên đó rồi có khi còn thích ở lại mãi ý chứ!”. Chiều ấy, tôi lên ngay Xa Ngán Tý. Bạn đường với tôi là những cơn gió cắt da cắt thịt. Nói là gần, vì nhìn theo đường chim bay, chứ đi bộ cũng phải mấy con dao quăng, như cách nói của đồng bào miền núi. Bấy giờ sắp sang tháng Chạp, cây bụi và cỏ trên những quả đồi héo úa, xác xơ. Xã Pá Vấy Sủ có bốn điểm trường, Xa Ngán Tý là điểm trường xa nhất. Nghe nói trường nằm trên độ cao 2.000 mét so với mực nước biển.

Xa Ngán Tý là bản của người H’Mông. Những ngôi nhà trình tường nằm nép mình sau những bóng cây xanh thẫm. Giữa chiều, mới vài nhà nổi lửa, khói tỏa lên ngun ngút lẫn vào sương ngàn. Cắt qua bản, phải đi tiếp vào một rừng trúc ken dày, rồi cuối cùng là xuyên qua cánh rừng ly sa. Tên loài cây này là do một người đàn bà lấy rau lợn ven rừng nói cho tôi biết. Cao vút, trên những cái cành khẳng khiu, hoa ly sa chen nhau nở. Đỏ rừng rực, đỏ gắt gao như máu của rừng, như máu của trời. Có tiếng con chim gì kêu khắc khoải nghe càng thêm hoang liêu, cô độc. Tôi đang háo hức với nơi công tác nên đã nhanh xua tan cái vẻ quạnh vắng của núi rừng. Tới điểm trường, trời mịt mờ hơi sương, phía tây ánh hoàng hôn chàm sậm, nhưng tôi vẫn thấy hàng chữ: “Điểm trường Tiểu học Xa Ngán Tý” trên chiếc cổng gỗ mảnh, cứng cáp.

Điểm trường trước đây từng có hai thầy, một cô. Năm ngoái, cô Hường về quê lấy chồng, không quay lên nữa. Thầy Cát mới được điều lên thay cô Hường gần năm. Phụ trách điểm trường là thầy Hoàn Già (mang biệt danh Già bởi anh có gương mặt hơi cũ và mái tóc bạc quá nửa). “Chín năm - bốn tháng - mười ba ngày” - anh bấm đốt ngón tay. Hai mắt khép lại. Miệng lẩm nhẩm như thầy bói gieo quẻ khi tôi hỏi. Có lẽ anh đang trôi ngược đoạn đời chín năm bốn tháng mười ba ngày đã qua.

Đêm vùng cao. Trăng rừng se lạnh. Sương núi chờn vờn, hư thực. Mọi người quây quần bên bếp lửa. Hoàn Già thông báo cho tôi tình hình điểm trường và dân cư quanh vùng. Mắt Hoàn Già ăn lửa, rừng rực đỏ. Theo từng câu hỏi của thằng “lính mới” là tôi, những chuyện không đầu, không cuối Hoàn lượm lặt được trong những năm tháng ở đây cứ lầm rầm trôi ra từ cái miệng cá ngão, rất ngang mà lại rất sang của anh. Giọng anh về khuya càng lào khào, lành lạnh như tiếng gió rừng.

Rồi Hoàn Già còn bảo vài ba chục năm trước, cây anh túc ở đây nhiều như cỏ, thầy giáo hút thuốc phiện với phụ huynh học trò là chuyện không hiếm gặp. Nhưng giờ thì không còn, chỉ một vài đối tượng vẫn lén lút trồng anh túc giữa những khoảng rừng thâm u, bí hiểm. Thoáng lo lắng trên gương mặt tôi, Hoàn nhận ra, cười khơ khớ: “Đừng có sợ! Chú em yên tâm! Gần mười năm… tớ vẫn sống nhăn răng!”.

Học trò lớp 4 của tôi có mười lăm em. Các em nhìn rất sáng sủa, chỉ tội gia đình nào cũng nghèo nên nhiều em thiếu ăn, thiếu mặc. Mười, mười hai tuổi mà có em chỉ như trẻ lớp 2. Một số em hôm đi học, hôm nghỉ vì phải giúp bố mẹ làm nương, trông em. Trong lớp, Giàng Thị Ly là cô học trò gây chú ý cho tôi nhiều nhất. Không phải vì em đã mười hai tuổi, gương mặt tròn sáng như mặt trăng, ra dáng thiếu nữ vẫn đi học cùng với các bạn kém tuổi. Tôi để ý đến em bởi đôi mắt luôn ươn ướt, đượm sầu. Ly thường thu mình dưới cuối lớp học, nhiều lúc mắt lơ đễnh nhìn ra ngoài khi tôi giảng bài. Ra chơi, mỗi lần tôi gợi chuyện hỏi han về gia đình em thường lảng tránh. Ly hay mang những mảnh vải con con đến lớp để thêu trong lúc các bạn chơi đùa, có khi em kết những chiếc vòng tay từ những cánh ly sa đỏ chói. Vắng Ly, tôi hỏi các trò thì được biết Ly sống với ông nội, không còn bố mẹ nữa. Nghĩ về hoàn cảnh của em tôi thấy cơn gió lang thang trên những đỉnh núi cũng cô đơn, lạnh lẽo biết nhường nào.

Ngày nghỉ, tôi rủ Cát đến các bản thăm học trò. Cát vui vẻ làm người dẫn đường cho tôi. Cùng tuổi, nhưng Cát ra trường trước tôi một năm. Hôm mới lên, tôi ý tứ gọi Cát là anh. Nhưng Cát bảo: “Tôi biết ông cùng tuổi, cứ ông - tôi cho dễ!”. Có mấy đêm lạnh dưới 10 độ C, Cát mò sang giường tôi đòi nằm chung. Tôi cảnh giác vì chỉ sợ gặp phải ông tám vía, trằn trọc mãi không ngủ được. Thấy vậy, Cát bảo: “Tôi bị khớp, sợ lạnh. Ông yên tâm, tôi chuẩn men!”. Mấy đêm nằm bên tôi, Cát ngủ thin thít, tôi cũng thấy ấm hơn, đánh một giấc cho tới sáng.

Nhà thứ mười trong bản Xa Ngán Tý chúng tôi ghé vào là một ngôi nhà trình tường khá to, mái cỏ tranh phía trên đã ải mục, tảo mọc từng đám xanh rì. Phía sau nhà có hai cây ly sa, những bông hoa đỏ lẫn vào sương, trông xa như máu trôi trong tuyết. Dưới nền đất những cánh hoa vương vãi, gợi vẻ u sầu. Chủ nhà là ông Giàng A Pư, nguyên Trưởng bản Xa Ngán Tý. Ông rót nước mời chúng tôi rồi nói vọng ra khi nghe tiếng gà kêu quang quác ngoài chuồng:

- Làm thịt nhanh lên! Nhớ sang nhà Chà lấy can rượu về. Luộc thêm mấy quả trứng ngan. Có thầy giáo đến, phải cho các thầy say một bữa mới được.

Chúng tôi cùng hướng ra ngoài, thấy cô bé dong dỏng trong bộ váy áo thêu hoa văn xanh đỏ đang xách con gà ra phía máng nước chảy róc rách. Thì ra là Ly, mấy hôm được nghỉ học vì trời lạnh mà trông em khác quá. Chúng tôi định từ chối lời mời của ông Pư, nhưng ông một mực giữ chúng tôi lại. Thế là chúng tôi giúp hai ông cháu Ly làm cơm.

Chúng tôi chỉ uống vài chén rồi xin phép, nhưng ông Pư cố nài:

- Nào, các thầy giáo uống đi! Hay các thầy khinh lão Pư à? - ông Pư bỗng hức lên, ồ ồ khóc như đứa trẻ.

- Cái đầu lão hết cách rồi. Thằng Sung nó không muốn ăn cơm, nó muốn ăn đất rồi. Nó sẽ như thằng Xàng, thằng Phún, phải chôn xác xứ người, làm con ma lang thang thôi. Nó không là con lão Pư này nữa.

Biết ông say, tôi định nói câu gì đó để an ủi. Cát ra hiệu chúng tôi tạm ra ngoài.

- Chỉ tại cái tay Sung mà mọi người khổ. Hắn nghiện, làm tay chân cho mấy thằng trùm, hình như đang vạ vật bên kia biên giới, lâu rồi không ai nhìn thấy.

- Sao chính quyền với đồn biên phòng ở đây không có biện pháp gì?

- Đưa đi cai nghiện. Hắn trốn. Đồn Biên phòng Xín Dèn đã bắt quả tang hắn mang heroin. Hắn phá phòng tạm giữ, chui lủi thoắt ẩn, thoắt hiện... Ông Pư, cả cháu Ly khuyên hắn ra đầu thú, hắn không nghe... Các anh biên phòng trên đồn nhiều lần nhờ giáo viên ở điểm trường cung cấp tình hình.

Tôi đã không thể giảng bài trôi chảy suốt buổi chiều lên lớp. Cứ lướt qua đôi mắt đỏ hoe của Ly là lòng tôi lại không yên được. Tôi biết, thi thoảng Giàng Mí Sung vẫn về nhà. Về nhà là bố con ông Pư lại giày vò nhau... Học trò tan lớp, tôi một mình lang thang về phía bìa rừng. Những cơn gió tháng Chạp tràn về làm trời đất ấm dần lên. Mấy hôm rồi có mưa xuân cây cỏ cũng như bừng dậy. Hoàng hôn tím sẫm cả nền trời. Mặt trời đang như quả còn màu lửa rơi xuống lòng dãy núi Pơ Chái. Đi được một quãng, tôi nghe thấy hai người đứng dưới gốc cây sồi lớn phía trước đang thì thào với nhau. Tôi núp vào bụi sim.

- Chí!... Chí đừng thế này nữa! Con với dớ khổ lắm chí à... cô bé nói rồi nấc lên.

- Mày thì biết cái gì? Cứ ngoan, học cho giỏi, chăm sóc dớ nhé!... – Người đàn ông nói xong, dúi vào tay cô bé gói gì đấy rồi chạy biến vào rừng.

Tôi nhận ra Ly, sợ làm em thêm thương tổn, tôi không ra mặt. Tôi lặng lẽ bám theo em cho đến khi Ly về tới nhà. Trăng núi đã lên cao. Một mảnh trăng non, chơ vơ, lạnh giữa đỉnh trời.

Tòa tuyên phạt Giàng Mí Sung bảy năm tù về tội vận chuyển trái phép chất ma túy. Chiếc xe thùng lao vù đi bỏ lại luồng khói xám đen làm Ly ngã dúi. Mọi người lắc đầu ái ngại, tôi ra đỡ em, nhưng Ly vùng bỏ chạy. Mấy tháng trước, Đồn Xín Dèn đã tổ chức đánh bắt Giàng Mí Sung khi nhận được tin báo.

Những ngày sau, Ly ít đến lớp. Em đã lặng lẽ giờ càng lặng lẽ, cô độc hơn trước những vô tư chơi đùa của chúng bạn. Tôi thấy khổ tâm khi không làm em vui lên được. Học hết lớp 6, Ly bỏ học. Ông nội nói, tôi khuyên thế nào Ly cũng nhất quyết không quay lại lớp.

Tôi ở Xa Ngán Tý hơn hai năm thì có quyết định chuyển về xuôi. Tôi đi học thêm lên đại học, dạy qua mấy trường, sau dăm năm mới dừng lại ở phòng giáo dục huyện nhà. Rồi lấy vợ, rồi sinh con. Thời gian cuồn cuộn trôi, ba tiếng Xa Ngán Tý có lúc vang lên rồi nhanh chìm nghỉm vào những công việc, vợ con, cơm áo.

Tôi đi công tác miền Trung, tình cờ gặp lại Thinh, giáo viên cũ cùng trường ngày còn trên Pá Vấy Sủ. Sau phút vui mừng gặp lại đồng nghiệp cũ, chuyện của Thinh đã đưa tôi về Xa Ngán Tý...

Hoàn Già bị thương nặng trong một lần giúp dân chống lũ. Anh xin nghỉ hưu sớm, về quê. Cát không chịu được cái lạnh vùng cao vì căn bệnh khớp mãn tính. Cát bỏ nghề, làm doanh nghiệp với anh trai ở Hải Phòng. Giữa thương trường cuồng quay với những toan tính được thua, có phút giây nào Cát nhớ đến Xa Ngán Tý?...

Ông Pư mất rồi. Ly đã là cô gái hai mươi tuổi nhưng em vẫn sống một mình. Thi thoảng gặp người của đồn biên phòng, lại hỏi: “Có biết bố Sung ở đâu không?”.

Nghe Thinh kể, tôi thêm ngậm ngùi, nuối tiếc. “Có biết bố Sung ở đâu không?”. Câu hỏi ấy làm tôi xa xót. Tôi đã không giúp được Ly. Quả thật, sau khi về xuôi tôi có tranh thủ đi tìm Giàng Mí Sung ở sáu trại giam để đưa cho anh ta chiếc vòng được kết từ xác hoa ly sa, một thứ hộ mệnh theo quan niệm của người Xa Ngán Tý. Tôi nhận được cái lắc đầu từ những vị quản lý trại giam và tôi không đủ kiên nhẫn để đi tiếp. Chiếc vòng đó Ly đã không kịp đưa cho bố em hôm ở tòa. Tôi chuyển về xuôi, Ly đến gặp tôi, nhờ tôi trao cho bố chiếc vòng đó. Hôm ấy, tôi vừa xúc động, vừa ngỡ ngàng bởi Ly, cô học trò tội nghiệp của tôi, đã trưởng thành. Ly nói: “Đây là chiếc vòng hộ mệnh của người Xa Ngán Tý. Người đi xa thân xác ở đâu, đeo vòng này hồn vía vẫn được nhắc nhở để nhớ ông bà, tổ tiên mà về. Ly đi chữa bệnh đấy. Ly thương, nhớ chí lắm!…”.

Tôi đã không thể nói lại được với Giàng Mí Sung những lời của Ly. Chiếc vòng không biết tôi còn cất giữ hay không. Ôi, Ly!...

Về nhà, tôi lao ngay vào chiếc tủ cá nhân... Đây rồi, cái túi màu chàm. Nó đang phát ra luồng nhiệt lượng nóng rực.

“Trời ơi, biết đâu có được cái vòng này Giàng Mí Sung đã trở về… Và Ly… Và ông Pư…”.

Trên tay tôi, chiếc vòng như một trái tim đỏ rực, giãy lên!

Mùa này, hoa ly sa đang đỏ thắm... Ngày mai, tôi sẽ ngược ngàn, về lại Xa Ngán Tý.

Truyện ngắn của Nguyễn Phú

Nguồn Pháp Luật VN: https://baophapluat.vn/hoa-ly-sa-do-tham-post456031.html