Hoa màu thiệt hại lớn do mưa trái mùa

Trận mưa trái mùa lớn xảy ra vào đầu tháng 4/2021 đã làm hàng chục héc ta hoa màu canh tác trên vùng cát của xã Hải Quế, huyện Hải Lăng, trong đó chủ yếu là cây dưa hấu đang thời kỳ kết trái bị ngâm nước nhiều ngày dẫn đến bị chết yểu. Hiện nhiều hộ dân đang phá bỏ diện tích hoa màu bị hư hại để trồng lại lứa cây mới với hy vọng sẽ bù đắp được thiệt hại do mưa lớn gây ra.

 Người dân thôn Đơn Quế cải tạo đất trồng lứa dưa hấu mới sau khi bị thiệt hại do ngập úng - Ảnh: Đ.V

Người dân thôn Đơn Quế cải tạo đất trồng lứa dưa hấu mới sau khi bị thiệt hại do ngập úng - Ảnh: Đ.V

Bà Hồ Thị Hoa có 3 sào canh tác dưa hấu, dưa gang và ớt ở vùng cát thôn Kim Long đã đến thời kỳ đơm hoa kết trái. Nhờ được chăm sóc tốt nên vườn dưa, ớt của bà Hoa phát triển đồng đều, xanh mướt. Vậy nhưng bà Hoa cho biết, trận mưa lớn xảy ra trong suốt ngày đêm mùng 2/4 vừa qua đã làm toàn bộ diện tích canh tác của bà ngập úng sâu và ngâm nước trong 5 ngày liền. “Nếu không bị ngập úng thì toàn bộ diện tích dưa hấu, dưa gang và ớt này khoảng 15 ngày nữa là cho thu hoạch. Nguồn thu nhập từ 3 sào hoa màu này dự kiến cũng được 15 triệu đồng. Tuy nhiên, bây giờ toàn bộ cây trồng đã bắt đầu héo rũ, vàng vọt... Nhìn cây đang ra trái bỗng dưng chết yểu thế này ai cũng xót xa. Hiện tôi và nhiều gia đình khác đang cố gắng thu hái những trái dưa non về cho lợn, bò ăn để đỡ uổng phí”, ngẩn ngơ nhìn vườn hoa màu dày công chăm sóc giờ xem như vứt bỏ, bà Hoa buồn bã nói. Được biết chi phí bỏ ra để thuê cày đất, mua giống và phân bón cho số diện tích màu nói trên cũng đã hơn 3 triệu đồng. Tuy vậy, bà Hoa cho biết là sẽ không trồng lứa mới vì gặp khó khăn về kinh phí đầu tư cũng như lo ngại sẽ tiếp tục bị thiệt hại do có khả năng còn tiếp tục xuất hiện thêm đợt mưa lớn nữa...

Kế bên vườn của bà Hoa, khu canh tác hoa màu gồm dưa hấu, dưa gang, ớt, dưa quả địa phương hơn 3 sào của bà Lê Thị Yến, thôn Kim Long cũng bị chết yểu do ngập úng. Thời điểm này, các loại cây trồng trong vùng đang héo dần và sẽ vàng khô khi thời tiết nắng lên. “Khu vực này có hàng chục hộ canh tác hoa màu như gia đình tôi. Tuy nhiên, đặc thù vùng canh tác hoa màu ở rú cát thường nằm ở mé những chân đất ẩm thấp trũng, không có hệ thống thoát nước nên rất dễ bị ngập úng. Nếu mưa nhỏ thì không sao, chứ mưa lớn liên tục chỉ khoảng 1 ngày gây ngập úng thì rễ của cây hoa màu sẽ bị ngộp, nước rút đi gây lỏng cổ rễ và chắc chắn bị chết yểu. Đáng ra đến thời điểm này dưa hấu và các loại hoa màu của thôn Kim Long đã thu hoạch, bán ra thị trường và người dân đã có thu nhập nhưng giờ đây hầu như toàn bộ hoa màu của thôn đã hư hại hoàn toàn”, bà Yến nói.

Có diện tích trồng dưa hấu khoảng 3 sào ở vùng Cháy, thôn Đơn Quế nhưng cũng đã bị ngập úng làm chết toàn bộ cây, những ngày này ông Nguyễn Vui, chủ vườn đang tranh thủ xới lại đất để trồng lứa mới. Ông Vui cho biết, do cây dưa hấu của ông mới trồng trong thời gian ngắn, chưa ăn phân trên luống nhiều nên dễ dàng nhổ bỏ để trồng mới. Chứ nhiều hộ khác khi cây trồng đã lớn, ra hoa kết trái, ăn phân mạnh nhưng bị hư hại thì muốn trồng lại thì phải làm đất như từ đầu, rồi bón phân, chăm sóc rất tốn công, tốn chi phí. “Như vườn của gia đình tôi trồng lại cũng tốn chi phí thêm 2 triệu đồng nữa cho tiền giống, phân bón. Tôi cũng hy vọng là lứa trồng mới này gặp thời tiết thuận lợi, phát triển tốt, được mùa được giá để có thêm thu nhập cải thiện cuộc sống”, ông Vui cho hay.

Bên cạnh việc có nhiều hộ nỗ lực trồng lại lứa hoa màu mới thì một số hộ chấp nhận bỏ hoang diện tích hoa màu đã bị thiệt hại. Như gia đình ông Nguyễn Khắc Phin, có khoảng 20 sào trồng dưa hấu và một số loại hoa màu khác ở vùng cát thôn Kim Long do thiệt hại nặng, chi phí tái đầu tư không kham nổi nên đành bỏ toàn bộ diện tích canh tác đã bị thiệt hại. Những ngày này, vợ chồng ông Phin tranh thủ đi khắp nơi, có khi vào đến Huế để bứt lá vằng về bán kiếm thêm thu nhập với mong muốn bù đắp phần nào hoa màu thiệt hại nặng do trận mưa trái mùa vừa qua gây ra...

Chủ tịch UBND xã Hải Quế Hoàng Tấn Thông cho biết, đợt mưa lớn vào ngày 2/4 vừa qua đã gây thiệt hại hoàn toàn khoảng 35 ha hoa màu trên địa bàn xã, trong đó riêng thôn Kim Long có khoảng 30 ha. Cây trồng bị thiệt hại phần lớn là cây dưa hấu, dưa quả địa phương và 2/3 trong số diện tích thiệt hại chỉ còn khoảng 10-15 ngày nữa là cho thu hoạch. Toàn bộ diện tích hoa màu này hiện đã bắt đầu héo rũ, người dân tranh thủ nhổ bỏ, hái quả non về cho gia súc ăn. Theo ông Thông, đối với cây dưa hấu, dưa gang, dưa quả địa phương thì nhiều hộ cố gắng cải tạo đất trồng lứa mới; diện tích cây ớt thì chuyển sang loại cây trồng khác; cây sắn thì giữ nguyên tiếp tục chăm sóc nhưng chắc chắn năng suất sẽ bị giảm... “Toàn xã có khoảng 150 hộ dân hiện đang có canh tác hoa màu ở vùng cát. Tùy theo diện tích, loại cây trồng, bình quân mỗi hộ đầu tư chi phí sản xuất khoảng từ 5-7 triệu đồng. Chưa tính đến nguồn thu của hoa màu, chỉ riêng chi phí đầu tư trồng hoa màu của người dân trên vùng cát của xã bị thiệt hại do đợt mưa lớn vừa qua cũng ước khoảng hơn 1 tỉ đồng”, ông Thông cho biết.

Theo ông Thông thì hàng năm các hộ dân ở các vùng canh tác hoa màu đều tự nạo vét kênh mương nội bộ trong vùng sản xuất, tuy nhiên hiện các vùng vẫn không có tuyến mương thoát tiêu úng ra bên ngoài nên nếu gặp các đợt mưa lớn thì dễ bị thiệt hại. “Chúng tôi mong muốn được cấp trên quan tâm, hỗ trợ kinh phí xây dựng tuyến kênh mương kiên cố trong vùng sản xuất, mương dẫn thoát tiêu úng ra bên ngoài để người dân yên tâm sản xuất, hạn chế tối đa thiệt hại do thời tiết bất lợi gây ra. Đồng thời cũng mong các hộ có hoa màu bị thiệt hại đợt này sẽ được quan tâm, xem xét hỗ trợ một phần về giống, phân bón nhằm giảm bớt khó khăn để tái đầu tư canh tác”, ông Thông bày tỏ.

Đức Việt

Nguồn Quảng Trị: http://www.baoquangtri.vn/default.aspx?tabid=72&modid=419&itemid=156981&title=hoa-mau-thiet-hai-lon-do-mua-trai-mua