'Họa mi bán cổ điển' Phạm Thu Hà ra mắt 3 MV về nhạc Trịnh
Nhân kỷ niệm 22 năm ngày mất của nhạc sĩ Trịnh Công Sơn (1/4/2001 – 1/4/2023), 'họa mi bán cổ điển' - ca sĩ Phạm Thu Hà cho ra mắt 3 MV: 'Ru tình', 'Hoa vàng mấy độ', 'Tiến thoái lưỡng nan'. Cả 3 MV đều nằm trong dự án âm nhạc Live Studio Session - sản phẩm âm nhạc được thực hiện với công nghệ thu âm đĩa than và ghi hình trực tiếp tại Việt Nam.
Phạm Thu Hà cho biết, các ca khúc được lựa chọn để thực hiện MV đều phù hợp với giọng hát và dòng nhạc mà cô đang theo đuổi. Đây là những ca khúc rất nổi tiếng của nhạc sĩ họ Trịnh mà Phạm Thu Hà rất yêu thích và nghe nhiều lần để chiêm nghiệm sâu sắc hơn về đời sống. Khi hát lên, cô như được hoài niệm về những tháng ngày trong quá khứ có lúc “lui không được mà tiến cũng không đành”.
“Tôi muốn mượn 3 MV này để thay cho lời nguyện cầu tốt đẹp đến với những con người thiện lành tôi đã gặp, đã quen thân, cho bốn mùa hoa lá luôn tươi sắc, luôn vui vẻ và yêu đời. Đó là những mong ước rất thiện lành và mục đích “em đến bên đời” này của tôi với con người và thế giới này”, ca sĩ Phạm Thu Hà bộc bạch.
Thời điểm Thu Hà học năm thứ 2 hệ trung cấp Nhạc viện Hà Nội (nay là Học viện Âm nhạc Quốc gia Việt Nam), cô thường hát ca khúc “Rừng xưa đã khép” với lối hát bản năng, dung dị và được rất nhiều người yêu thích. Những câu hát: “Ta thấy em trong tiền kiếp với cọng buồn cỏ khô, ta thấy em đang ngồi khóc khi rừng chiều đổ mưa”.... đã nâng đỡ cô một thời gian dài khi chống chọi với bệnh phổi gần 2 năm mà không có gia đình bên cạnh.
“Phải nói, đó là những lời hát nhìn thấu tâm can của tôi. Tôi hình dung như lời bài hát là lời nhạc sĩ an ủi và nói hộ tôi những điều chỉ đêm về tôi mới cho phép mình khóc và mềm yếu”, nữ ca sĩ tâm sự.
Có một kỷ niệm rất đáng nhớ của Phạm Thu Hà với nhạc Trịnh đó là thời cô thuê trọ sống một mình khi học hệ trung cấp năm thứ 3, gia đình cũng không ở Việt Nam, cô xin bảo lưu để dành hơn 1 năm đi chữa bệnh phổi. Ngày ấy, album “Như cánh vạc bay” gồm các tác phẩm nổi tiếng của nhạc sĩ Trịnh Công Sơn do ca sĩ Hồng Nhung thể hiện cô đều mở nghe mỗi đêm, mỗi sáng và mỗi chiều... Đó đúng nghĩa là album chữa lành của cho cô, giúp cô vượt thoát ra khỏi những nỗi buồn, nỗi cô đơn, nỗi tủi hờn, mạnh mẽ và vượt lên chính mình nhiều hơn.
Nhiều năm qua, Phạm Thu Hà kiên định theo đuổi con đường cổ điển giao thoa (classic crossover), mang âm nhạc cổ điển hòa quyện với các thể loại khác nhau nhằm tới gần công chúng. Dự án Live Studio Session một lần nữa khẳng định nỗ lực của giọng ca được mệnh danh “họa mi bán cổ điển”, khi thể hiện rõ sự Pop hóa phong cách hát cổ điển, tạo nên cái chất rất riêng cho mỗi ca khúc, mà không khiến chúng trở nên khiên cưỡng, xa lạ.
Với Live Studio Session, Phạm Thu Hà cho thấy bản lĩnh của một nghệ sĩ lớn khi thực hiện thu âm đĩa than và ghi hình trực tiếp với những công nghệ mới nhất. Ê-kíp sáng tạo bao gồm những cái tên quen thuộc, từng cộng tác với Phạm Thu Hà trong một số chương trình lớn: Đạo diễn âm nhạc Nguyễn Tuấn Nam, đạo diễn âm thanh Nguyễn Duy Nghĩa, đạo diễn hình ảnh Đỗ Hồng Sơn, dàn nhạc Namjazznight Chamber Orchestra.