'Họa mi núi rừng' Siu Black sáng làm rẫy, tối chạy show
Từ một bà hoàng âm nhạc gắn bó với Tây Nguyên, Siu Black bỗng dính vào nợ nần, phá sản, trầm cảm rồi về quê sinh sống.
Sau những giông bão cuộc đời, từ một bà hoàng nhạc Rock, Siu Black bỗng dính vào nợ nần, phá sản, trầm cảm rồi về quê sinh sống.
Bẵng đi một thập kỷ, giờ đây người ta thấy “họa mi núi rừng” sống an yên, dù chị không giấu nỗi vất vả của mình.
Sống với huyết áp, tiểu đường, thấp khớp…
Ngày ngày, công việc của Siu Black là băm rau, chăm đàn heo. Nếu có lời mời, chị lại tất bật đi tỉnh hát hoặc quay các show từ sáng tới tối khuya.
Thu nhập từ việc hát không đều đặn nhưng có thể giúp Siu Black cải thiện cuộc sống và trả tiền xây nhà cho con trai.
Chị nói, hiện mình vẫn là lao động chính trong nhà, chịu trách nhiệm kinh tế cho hai con trai (đều đã xây dựng gia đình) và các cháu. Siu tâm sự, cuộc sống của chị giờ đơn giản, chị không giấu cuộc sống vất vả của mình.
“Vất vả, nhưng tôi may mắn được gia đình hỗ trợ nhiều, tôi thấy vui và hạnh phúc. Tôi được ở bên cạnh con cháu. Dù đôi tay có lấm lem bùn đất, không còn quần áo xúng xính như khi làm nghệ sĩ nhưng tôi đỡ đau đầu và áp lực hơn rất nhiều.
Làm rẫy, nuôi heo thì nói là làm rẫy, nuôi heo. Sống như thế nào thì nói như thế, xưa nay tôi vẫn vậy, chả có gì phải màu mè. Một số người nghe ca sĩ đi nuôi heo cũng nói ra nói vào, tôi bảo: “Nuôi heo chứ đâu có đi ăn cướp, tôi không giật của ai cả”, Siu vẫn hào sảng như ngày nào.
Ở thời kỳ đỉnh cao sự nghiệp, Siu Black từng được mời đi hát đám cưới và được trả 4.000 USD chỉ để trình diễn 3 bài. Biến cố ập đến khi chị tuyên bố vỡ nợ vì kinh doanh quán cà phê thua lỗ vào năm 2013. “Bà hoàng sân khấu” phải về quê nhà Kon Tum ở.
Thời gian đó, chị đi hát nhưng bị chủ nợ bao vây dưới sân khấu. Siu Black gặp khủng hoảng lớn về tinh thần, phải quay về núi rừng Tây Nguyên “dưỡng thương”.
Hỏi chị có khi nào tiếc về ánh hào quang đã cũ, Siu nói rằng, giờ chị chỉ sống cho hiện tại và cảm thấy thật sự hạnh phúc từ trong tim mình.
Tây Nguyên ngoài chữa lành vết thương cho Siu Black còn hàn gắn cuộc hôn nhân đã “đường ai nấy đi” của chị và chồng.
Được biết, chị ly hôn vào năm 2009 khi đã có 2 cậu con trai. Trong lúc gian khó nhất của cuộc đời, chồng cũ của chị ngỏ lời, mong muốn hàn gắn để con cháu có một gia đình trọn vẹn. Siu Black, chồng và các con lại sống quây quần, hạnh phúc.
“Bây giờ tôi sống với huyết áp, tiểu đường, thấp khớp... cân nặng chỉ còn có 50kg. Tôi khỏe lên là nhờ được hát lại và tập thể dục đều. Con trai, con dâu đều ngoan ngoãn, biết lo toan cho gia đình. Khi tôi mỏi chân có con dâu tới hỏi han, xoa bóp cho mình, các cháu cũng rất yêu bà, thế là vui!
Tôi cứ nhìn xuống, bớt nhìn lên. Tôi thấy nhiều người không có nhà mà nước mắt tự động chảy ra. Lần nào đi diễn cho bà con ở vùng sâu, tôi đều khóc.
Tôi nhìn họ để biết Chúa cho mình rất nhiều. Tôi còn sống, còn gia đình và có nhà để ở, đòi hỏi gì thêm nữa?”, nữ ca sĩ bộc bạch.
“Họa mi phải hót, còn tôi phải hát”
Từ cuối năm 2021 đến nay, khán giả được dịp hội ngộ Siu Black nhiều hơn trong các gameshow và show diễn nhỏ.
Trừ vóc dáng đã gọn hơn nhiều, giọng hát, phong thái của Siu Black vẫn không thay đổi. Đó là thứ âm thanh trong, vang, khỏe khoắn như tiếng của đại ngàn, phả về đô thị nhộn nhịp, như chưa hề có cuộc chia ly nào với sân khấu.
Mà nói như nhạc sĩ Nguyễn Cường: “Khi hát nhạc của tôi, Siu vẫn luôn là Siu, chưa hề thay đổi chút nào, luôn rực lửa và hát hết mình.
Siu vẫn như xưa, thậm chí chính sự kìm nén lâu ngày với nhiều tâm sự khiến Siu có nhu cầu muốn được phun ra, như núi lửa cần đến lúc tuôn trào. Năng lượng ở Siu vẫn đong đầy và không hề vơi cạn”.
Nhớ về quãng thời gian đen tối nhất sự nghiệp, Siu Black kể rằng, chị mất 3 năm không đi hát. Vì suy nghĩ nhiều, chị mất cảm giác với âm nhạc.
Thậm chí, khi cầm micro mà vô cảm tới nỗi như đang cầm cái gậy, không muốn cất giọng. Trong quãng thời gian suy sụp vì trầm cảm, chính việc đi hát ở nhà thờ đã thức tỉnh giọng hát của “họa mi núi rừng”.
“Cuộc đời mình mất hết mọi thứ, giờ còn mỗi giọng hát không thể để mất nốt được - Tôi tự nhủ như thế và cầu nguyện với Chúa rằng: “Hãy cho con được giữ lại giọng hát”. Rồi tôi đi hát cho các đoàn ca nhạc, nhà thờ... để tìm lại cảm xúc với âm nhạc. Bây giờ, tôi đã bỏ được những suy nghĩ tiêu cực khi xưa để tập trung cho việc ca hát. Nếu không vào nhà thờ hát thánh ca, có thể tôi sẽ không bao giờ có thể hát lại được nữa”, Siu Black ngậm ngùi.
Siu Black của ngày hôm nay vẫn khao khát sân khấu, ánh đèn. Chị vẫn luyện thanh mỗi ngày và mong mình được hát, những bản ca núi rừng in đậm dấu ấn, khó ai qua được.
Thỉnh thoảng, Siu Black vẫn hát khi có lời mời. Chị tâm niệm, ở tuổi này, còn được hát là hạnh phúc. Chị không bận tâm những suy nghĩ ngoài kia.
Ai cũng có những muộn phiền, lo lắng trong cuộc sống, nhưng khi hát, chị bỏ tất cả lại sau lưng. Chị thấy mình hát khoáng đạt, thoải mái hơn những năm về trước, quên hết những cảm giác đã từng đè nặng lên mình.
“Cứ lên sân khấu tôi thành một người khác. Ngày xưa, tôi không bao giờ biết chờ đợi ai, lúc nào cũng sẵn sàng nổi nóng. Nhưng bây giờ, tôi học được sự điềm đạm. Tôi cảm ơn những cú sốc trong cuộc đời đã giúp tôi nhận ra nhiều điều trong cuộc sống, biết kiềm chế cảm xúc, tính nóng giận của mình. Bây giờ không phải Siu hồi đó nữa rồi, tôi sống lặng lẽ, ít nói, không ồn ào như hồi trước”, giọng ca “Đôi mắt Pleiku” thừa nhận.
Từ khi dịch bệnh bùng phát, chị có lập tài khoản trên một mạng xã hội, thường livestream với khán giả. Chị ngồi cả tiếng đồng hồ để hát.
“Gia đình tôi đôi khi thắc mắc sao ngày nào tôi cũng hát. Với một ca sĩ, ở thời điểm này vẫn còn được thương, tôi nghĩ đó là một món quà lớn của cuộc đời. Tôi luôn nguyện trong lòng, dù chỉ còn một người nghe, tôi vẫn sẽ hát. Họa mi phải hót, còn tôi phải hát, đó là lẽ tự nhiên. Lạ rằng, dẫu mệt mỏi đến đâu, cứ được hát, tôi thấy khỏe lại ngay”, Siu tâm sự.
Hiện, ngoài công việc hàng ngày, Siu Black vẫn ấp ủ một dự án âm nhạc cho riêng mình. Bỏ lại quá khứ, Siu Black của hiện tại chỉ muốn nói về tương lai và hy vọng. Còn những nỗi buồn đã qua, chị mong không nhắc lại nữa.
Siu Black sinh năm 1967, trong một gia đình người dân tộc Ba Na không có người làm nghệ thuật. Sự nghiệp âm nhạc của chị sang trang mới nhờ sự phát hiện của giảng viên thanh nhạc Tây Nguyên Linh Nga Niê Kdăm và cuộc gặp gỡ với nhạc sĩ Nguyễn Cường - tác giả những ca khúc bất hủ về Tây Nguyên. Siu Black được nhớ đến khi thể hiện các ca khúc của ông như: “Em muốn sống bên anh trọn đời”, “Em hát thương ai”, “Ly cà phê Ban Mê”, “Đôi mắt Pleiku”...