'Hoa nắng' miền biên cương
Trường PTDTBT Tiểu học Huổi Luông, xã Huổi Luông, huyện Phong Thổ, tỉnh Lai Châu được coi là 'ngôi nhà hạnh phúc' của các em vùng cao.
Trường Phổ thông Dân tộc bán trú (PTDTBT) Tiểu học Huổi Luông tọa lạc trên địa bàn xã Huổi Luông, huyện Phong Thổ, tỉnh Lai Châu được coi là “ngôi nhà hạnh phúc” của các em vùng cao. Trong trang phục truyền thống rực rỡ, những gương mặt trẻ thơ hồn nhiên đùa vui sân trường, như những bông “hoa nắng” trong vườn hoa nhiều màu sắc của núi rừng Tây Bắc.
Xã Huổi Luông có địa bàn rộng, với 1.415 hộ, 7.395 nhân khẩu, gồm các dân tộc Hà Nhì, Mông, Dao, Tày, Nùng… Dân cư sinh sống rải rác, đường sá đi lại vất vả, đời sống vẫn còn nhiều khó khăn… nhưng việc học con chữ của các em luôn được các cấp, các ngành đặc biệt quan tâm.
Trong năm học 2022-2023, Trường PTDTBT Tiểu học Huổi Luông đã huy động 100% cháu cháu đến tuổi đi học (6 tuổi) ra lớp. Bảo đảm độ tuổi (từ 6-14 tuổi) cấp tiểu học là 100%. Toàn trường có 883 em, trong đó học sinh dân tộc là 867 em, học sinh nữ là 425 em. Thầy Đặng Công Sáu, Hiệu trưởng nhà trường, người có gần 40 năm cống hiến cho ngành giáo dục nói vui “Ngày xưa “bắt” các em đi học, bây giờ là “được” đến trường. Bởi, mỗi ngày đến trường là một ngày vui”.
Để có được niềm vui ấy, trước hết là sự vào cuộc của các cấp ủy, chính quyền địa phương, những thầy, cô gắn bó cả đời vì sự nghiệp giáo dục, góp phần làm thay đổi tư duy của các bậc phụ huynh đồng bào dân tộc.
Cô giáo Nguyễn Thị Hảo, Phó Hiệu trưởng Trường PTDTBT Tiểu học Huổi Luông chia sẻ “Các thầy, cô giáo trong trường luôn coi học sinh là con em trong nhà. Từ việc kèm cặp kiến thức cho những cháu còn yếu để theo kịp chương trình, đến chăm chút từng miếng ăn, giấc ngủ cho các con. Từ việc giáo viên bỏ tiền của mình ra mua đồ dùng học tập tặng học sinh có hoàn cảnh khó khăn, đến chuyện thường xuyên nhắc nhở mang mặc ấm vào mùa đông khắc nghiệt, thể hiện tấm lòng, tình cảm đối với con trẻ”. Cô Hảo cho biết trong phạm vi toàn xã, không có cháu nào bị bỏ lại phía sau, hoặc không được đến trường trong độ tuổi đi học.
Chia sẻ những kinh nghiệm trên, thầy Đặng Công Sáu cho biết “Những cháu có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn như mồ côi cha mẹ, được Bộ đội biên phòng đỡ đầu nhận làm con nuôi đồn biên phòng. Một số gia đình neo người, các cháu phải nghỉ học ở nhà trông em, hoặc lên rừng làm nương, chăn trâu… thì được chính quyền địa phương và các đoàn thể tạo điều kiện, giúp đỡ”.
Trong câu chuyện với Ban giám hiệu Trường PTDTBT Tiểu học Huổi Luông, được biết trường hợp em Lý Thu Trang, học sinh lớp 4, (bản Pô Tô) bị ung thư từ lúc 5 tuổi, nhưng hằng ngày vẫn đến lớp đều đặn, lực học khá tốt và luôn hòa đồng cùng bạn bè trang lứa. Tình yêu thương, sự động viên của các thầy cô và bạn bè giúp cho Lý Thu Trang luôn tự tin vượt lên chính mình. Hình ảnh đó không chỉ thắp lên tình đoàn kết, gắn bó nơi biên cương, mà còn là tấm gương sáng về tinh thần học tập, ý chí và nghị lực vượt qua khó khăn, chiến thắng bệnh tật.
Ngoài việc học chữ, các em học sinh Trường PTDTBT Tiểu học Huổi Luông còn có những hoạt động trải nghiệm, vui chơi, làm quen với cột mốc biên giới quốc gia, kiến thức quốc phòng an ninh. Nhà trường lồng ghép môn học với giáo dục pháp luật về chủ quyền lãnh thổ, những quy định về biên giới quốc gia, đồng thời giáo dục truyền thống, bồi đắp tình yêu Tổ quốc thiêng liêng.
Nguồn GD&TĐ: https://giaoducthoidai.vn/hoa-nang-mien-bien-cuong-post632946.html