Hòa nhạc Điều còn mãi 2023: Trí tuệ và khát vọng Việt Nam
Vượt qua giới hạn của một chương trình biểu diễn thông thường, Báo VietNamNet đã tạo nên một thương hiệu của âm nhạc đỉnh cao mang tên 'Điều còn mãi'.
Hôm nay, bầu trời thu Hà Nội dường như trong xanh trong, còn tại thánh đường nghệ thuật Nhà hát Lớn Hà Nội, chắc hẳn không chỉ với riêng tôi mà những ai có mặt trong hòa nhạc Điều còn mãi vẫn rưng rưng xúc động ngay cả khi đã được ra ngoài, hòa mình vào dòng người đông đúc từ muôn phương về Hà Nội mừng Quốc khánh 2/9.
Mời quý vị xem toàn bộ chương trình Điều còn mãi 2023 ở video dưới:
Được đắm chìm trong không gian âm nhạc với đầy đủ những cung bậc cảm xúc, khiến người làm nghề như tôi thật phấn khích. Ngay từ giây phút đầu tiên, khi Dàn nhạc Giao hưởng Việt Nam chơi Tiến quân ca - Quốc ca Việt Nam, cả khán phòng đứng lặng, nghiêm trang trước lá Quốc kỳ. Còn tôi, chẳng hiểu sao bỗng thấy tim mình thổn thức, mắt nhòe đi vì xúc cảm trước không khí trang nghiêm, linh thiêng, đẹp đẽ bởi những thanh âm vang vọng, lung linh hơn bao giờ hết được Dàn nhạc Giao hưởng Quốc gia Việt Nam tấu lên dưới đũa chỉ huy của nhạc trưởng tài hoa Đồng Quang Vinh đã tôn thêm sự hào sảng, uy nghiêm mở đầu cho buổi hòa nhạc trang trọng này.
Cứ thế, tôi đã bị những giai điệu âm nhạc từ những tác phẩm thanh nhạc, khí nhạc dẫn dụ đi từ cung bậc này sang cung bậc khác của cảm xúc. Không biết có phải vì Điều còn mãi diễn ra vào đúng Quốc khánh 2/9 hay không mà bỗng dưng tôi trở nên “mít ướt” tới 2 lần trong một chương trình.
Đó là khi ca sĩ Phạm Thu Hà cất giọng hát trong trẻo, thiết tha với tác phẩm Đàn chim Việt cùng Dàn nhạc Giao hưởng Việt Nam hay bởi tại năm nay cũng là tròn 100 năm ngày sinh của nhà thơ - họa sĩ - nhạc sĩ Văn Cao - tác giả của những bài ca còn mãi với thời gian... Điều mà người làm nghề vốn sợ là sáng tạo, làm mới những gì đã trở nên kinh điển dù gian nan, nhưng chưa chắc đã nhận được sự đồng cảm của công chúng vốn khó tính, nhưng với giọng hát đầy cảm xúc, nắn nót và tinh tế trong từng câu hát, cùng bản phối quá tuyệt vời của nhạc sĩ Trần Mạnh Hùng đã khiến tôi xúc động vì những gì tôi từng nghe, hiểu biết về âm nhạc của nhạc sĩ Văn Cao vẫn nguyên vẹn hồn cốt ấy, nhưng đẹp đẽ và tinh tế hơn.
Phạm Thu Hà cho rằng: “Âm nhạc của nhạc sĩ Văn Cao vô cùng sang trọng và lãng mạn. Hà yêu nhạc của ông và âm nhạc ông cũng rất phù hợp với giọng hát Hà. Hơn nữa, nơi nhạc sĩ Văn Cao sinh trưởng cũng là quê hương của Hà - phố Lạch Tray - Hải Phòng nên từ nhỏ Hà đã ngưỡng mộ trân trọng tài năng của nhạc sĩ. Hà nghĩ, muốn thể hiện đúng được sắc thái, tình cảm, câu chữ trong các tác phẩm của Văn Cao trước tiên phải hiểu về con người và nhân cách của ông mới mong thể hiện được đúng hồn cốt của tác phẩm.
Hát nhạc Văn Cao, kỹ thuật chỉ là phương tiện để chúng ta truyền tải cảm xúc dễ dàng, nhưng kỹ thuật không tạo nên xúc cảm mà phải thấu hiểu, đặt mình vào ngữ cảnh câu chuyện mà tác giả muốn tỏ bày".
Có quá nhiều thứ mà tôi muốn nói về Hòa nhạc quốc gia Điều còn mãi năm nay, bởi BTC không chỉ xâu chuỗi các tác phẩm thanh nhạc và khí nhạc qua các thời kỳ mà thông qua tác phẩm để kể câu chuyện đầy thi vị về lịch sử, văn hóa Việt với tinh thần Việt, giấc mơ Việt; truyền tải thông điệp về tình yêu quê hương, đất nước, tình cảm sẻ chia giữa con người với con người bằng sức mạnh đoàn kết, nhìn về quá khứ để hướng đến tương lai với những gì tốt đẹp nhất.
Một chương trình hòa nhạc do những người làm báo, yêu âm nhạc, trân trọng sáng tạo nghệ thuật nhưng đã biết vận dụng, khơi gợi cảm xúc sáng tạo và quy tụ những tinh anh của nền âm nhạc Việt Nam cùng thực hiện. Vượt qua giới hạn của một chương biểu diễn thông thường, Báo VietNamNet đã tạo nên một thương hiệu của âm nhạc đỉnh cao mang tên Điều còn mãi. Chính vì thế, được góp mặt trong hòa nhạc là một vinh hạnh của người làm nghề, để được cống hiến và tỏa sáng.
Chương trình Điều còn mãi năm nay là một sự tổng hòa của những thanh âm được đan cài một cách tinh tế, khéo léo. Kết cấu chương trình đan xen tác phẩm giữa các thời kỳ, những giai đoạn lịch sử khác nhau hay việc lựa chọn ca sĩ, nghệ sĩ thể hiện tác phẩm cũng cho thấy BTC đã rất chú ý đến tính kế thừa, sáng tạo mang tầm thời đại.
Cùng với đó, Giám đốc âm nhạc Trần Mạnh Hùng đã dành nhiều tâm huyết sáng tạo, gửi gắm vào trong từng tác phẩm với mong muốn lấy nhạc giao hưởng làm nền tảng chủ đạo cho chương trình nhưng thông qua phần hòa âm, phối khí và chuyển soạn đầy tính bác học, chuyên nghiệp để tôn vinh giá trị đích thực của âm nhạc dân tộc.
Đó là sự xuất hiện của nghệ sĩ Lệ Giang với tiếng đàn bầu thánh thót, nỉ non và đầy kiêu hãnh song hành cùng Dàn nhạc Giao hưởng Việt Nam; Sự xuất hiện của nghệ sĩ saxophone An Trần cũng gây hiệu ứng bất ngờ, tạo nên nét chấm phá cho sự hội nhập và phát triển.
An Trần đã thể hiện sự chuyên nghiệp qua tác phẩm Mẹ yêu con của nhạc sĩ Nguyễn Văn Tý cùng Dàn nhạc Giao hưởng Việt Nam. Nghe tiếng kèn thấm đẫm cảm xúc như muốn nuốt lấy từng thanh âm của An. Nhìn cách An thả hồn phiêu cùng giai điệu thiết tha, tình cảm về tình mẫu tử nói riêng - ẩn sâu trong đó là tự tình dân tộc, cùng những kỹ thuật mà An đã học được từ Học viện âm nhạc Berklee - Boston, khiến tôi thầm thốt lên - quả không hổ danh con gái nghệ sĩ Trần Mạnh Tuấn, đúng là “hổ phụ sinh hổ tử”.
An Trần là nghệ sĩ trẻ, song dường như An chín hơn so với độ tuổi của mình cả trong cảm xúc, lẫn phong cách biểu diễn. Xuất hiện cùng Dàn nhạc Giao hưởng Việt Nam, An chứng tỏ một người được đào tạo cơ bản nên tiếng kèn đằm sâu nhưng cũng đủ phiêu và khoe được những kỹ thuật tinh tế trong chừng mực đủ để tôn thêm vẻ đẹp của tác phẩm cũng như vẻ đẹp thanh âm của các loại nhạc cụ trong dàn nhạc giao hưởng.
Với gần 2h đồng hồ chỉ huy liên tục, nhạc trưởng Đồng Quang Vinh luôn tràn đầy năng lượng bởi tài năng đã được khẳng định trong nhiều chương trình hòa nhạc trong nước và quốc tế. Còn với Điều còn mãi, mỗi tác phẩm, mỗi phong cách âm nhạc, Đồng Quang Vinh khiến tôi bất ngờ với chiếc đũa chỉ huy đầy ma lực và một phong thái đĩnh đạc.
Với một tâm hồn rộng mở, Đồng Quang Vinh đã thể hiện đầy bản lĩnh, trách nhiệm của người dẫn dắt, kết nối giữa ca sĩ và dàn nhạc để tạo nên sự thăng hoa trong nghệ thuật. Và Điều còn mãi đã thật sáng suốt khi lựa chọn và mời được nhiều tài năng âm nhạc trong cùng một chương trình. Thành công hơn cả chính là các nghệ sĩ rất giỏi ở lĩnh vực của mình, nhưng họ đã kìm cái tôi nghệ thuật bản thân để cùng hướng tới một mục đích cao cả “nghệ thuật vị nhân sinh”.
Và sẽ là thiếu sót nếu như nhắc tới sự thành công của chương trình mà không nhắc tới sự góp mặt của Dàn hợp xướng Kosmos Opera cùng với các ca sĩ NSƯT Đăng Dương, Tùng Dương, Đỗ Tố Hoa, Phạm Khánh Ngọc, Đào Mác… đã mang đến những sắc màu âm nhạc tươi mới cho Điều còn mãi năm nay.
Khởi nguồn cho hòa nhạc Điều còn mãi bắt đầu từ ý tưởng của nguyên Tổng Biên tập Báo VietNamNet - Nguyễn Anh Tuấn và nhà thơ Việt Phương. Quyết định chọn thời khắc lịch sử chiều 2/9, lúc ấy anh Tuấn có chủ ý muốn nhắc nhớ mỗi người dân đất Việt về bản Tuyên ngôn độc lập khai sinh ra nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa được Chủ tịch Hồ Chí Minh đọc trang trọng tại quảng trường Ba Đình. Đồng thời cũng muốn thông qua chương trình để tôn vinh những giá trị to lớn của nền âm nhạc Việt Nam, nhằm khơi dậy tình yêu Tổ quốc, tự tình dân tộc.
Cứ như thế, Điều còn mãi ra đời và đã không làm người yêu nhạc phải thất vọng khi chờ đợi cả một năm, chương trình mới diễn ra một lần vào ngày đặc biệt quan trọng của đất nước. Phải thú thật, Hòa nhạc quốc gia Điều còn mãi luôn mang đến cho tôi và tôi tin công chúng cũng cảm nhận được những bất ngờ mới mẻ trong sáng tạo đậm chất nghệ thuật của chương trình.
Còn nhớ Điều còn mãi lần thứ 10 năm 2019, tôi không chỉ háo hức chờ đợi để được xem hòa nhạc qua truyền hình mà ngay sau buổi họp báo đã viết liền 2 bài về nhạc sĩ hòa âm phối khí cho chương trình là Minh Đạo và Văn Ký - tác giả ca khúc Bay lên Việt Nam. Và ở mỗi một chương trình Điều còn mãi lại mang đến những bất ngờ thú vị mà bất cứ ai làm nghề cũng đều muốn thử sức, góp mặt bởi đẳng cấp nghệ thuật và sự chuyên nghiệp của tất cả các thành phần sáng tạo. Vì thế, những nhạc sĩ, nghệ sĩ nào góp mặt trong chương trình cũng đủ khẳng định đẳng cấp của mình trong giới âm nhạc.
Phải thú thực, với những người làm âm nhạc chuyên nghiệp, xây dựng một chương trình có quy mô, đẳng cấp và chất lượng đã khó; để giữ được thương hiệu chương trình trong thời công nghệ 4.0 quả thực không dễ dàng. Điều khiến tôi luôn trân trọng và nể phục Báo VietNamNet vì những gì đã và đang mang lại lợi lạc cho xã hội. Không chỉ khẳng định vai trò của báo chí trong công tác tuyên truyền, định hướng xã hội mà VietNamNet cũng cho thấy vai trò của âm nhạc đồng hành cùng dân tộc và tất cả đã được hiện thực hóa bằng những chương trình hành động cụ thể...
Viết tới đây, tôi chợt nhớ thiên tài Beethoven từng nói: “Âm nhạc cần phải làm cho ngọn lửa từ trong tâm hồn kiên cường bừng cháy!”. Và với hơn 10 chương trình hòa nhạc đã được thực hiện, tôi luôn vững tin Điều còn mãi sẽ tiếp tục lan tỏa những thông điệp nhiều ý nghĩa - nhân văn, góp phần thổi bùng lên ngọn lửa của Trí tuệ Việt Nam, Khát vọng Việt Nam trên trường quốc tế.
Trần Lệ Chiến
Clip: Bạt Tuấn