Hoa nở trên đá, rau trên đầm lầy ở đồn '4 không'
Đến năm 2020, Đồn Biên phòng Hương Quang, Bộ chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh Hà Tĩnh được biết đến là đồn '4 không' (không dân, không điện lưới, không sóng điện thoại, không đường đi). Chỉ sau một thời gian ngắn, với quyết tâm vượt khó của cán bộ, chiến sĩ Đồn Biên phòng Hương Quang đã có sự bứt phá ngoạn mục.
Chưa đầy 4 năm, từ đồn "4 không", được sự quan tâm của các cấp, chính quyền địa phương và quyết tâm khắc phục khó khăn của cán bộ, chiến sĩ Đồn Biên phòng Hương Quang đã thật sự thay da đổi thịt.
Ngày trước, ở đây đá toàn đá, đá chắn cả lối đi và chiếm hầu hết diện tích mặt bằng quanh đơn vị... Thế nhưng chỉ sau thời gian ngắn, trên nền đá ấy đã mọc lên những bồn hoa đủ màu sắc, những cây cảnh được cắt tỉa gọn gàng đẹp mắt.
Khu đầm lầy, chỉ có sình lầy và cỏ dại, những đoạn khe cạn, khô nước chỉ còn trơ trọi đá ngày xưa nay đã được cải tạo thành các vườn rau tươi tốt; những vườn thảo dược đang vào vụ thu hoạch; những vườn sắn ngút ngàn... “4 không” ngày nào giờ chỉ là hoài niệm.
Điện lưới giờ đã kéo đến các trạm lẻ, những nơi đóng quân xa nhất của đồn phần nào đã bảo đảm được đường tuần tra, canh gác và sinh hoạt hằng ngày.
Dân cư trên địa bàn ngày càng đông đúc, hiện nay Đồn quản lý địa bàn 2 xã Quang Thọ và Thọ Điền với gần 2.500 hộ, hơn 7.000 nhân khẩu; người dân nhiệt tình giúp đỡ, ủng hộ đơn vị trong bảo vệ chủ quyền an ninh biên giới.
Trung tá QNCN Trần Xuân Hùng, phụ trách tổ tăng gia, là một trong những người có thời gian ở đơn vị lâu nhất, từ những ngày đồn mới chuyển về vị trí mới dẫn chúng tôi thăm lại những nơi ngày xưa chúng tôi đã đến, để chứng minh cho sự thay đổi vượt bậc của đơn vị. Chỉ tay về hướng chân núi nơi đàn trâu, bò đang say sưa gặm cỏ, anh Hùng chia sẻ: “Ở đây cỏ nhiều, thức ăn cho trâu bò có sẵn trong tự nhiên và đa dạng. Về mùa mưa rét, anh em tăng cường thêm sắn và các sản phẩm tăng gia khác nên trâu, bò ở đây lúc nào cũng béo và sinh sản tốt. Hằng năm lợi nhuận thu được từ đàn trâu, bò lên đến hàng trăm triệu đồng. Ngoài trâu, bò còn có đàn dê, lợn rừng hàng và gà, vịt, ngan, ngỗng nhiều lắm...”.
Giới thiệu về khu đầm lầy ngày nào, nay là khu tăng gia trù phú, đồng chí Hùng cho biết thêm, hằng năm, đơn vị thu hoạch mấy trăm tấn sắn để phục vụ tăng gia, nếu tính giá trị tiền sắn bán ngoài thị trường cũng lên hàng trăm triệu đồng. Hiện nay đơn vị đang trồng thử nghiệm một số thảo dược theo đặt hàng của doanh nghiệp, như sả để làm tinh dầu, sâm ngọc linh, ba kích... Nếu khí hậu tốt, đem lại sản lượng cao thì đây sẽ là hướng đi trong tương lai của đơn vị và nhân dân địa phương.
Để có được kết quả ngoạn mục như ngày hôm nay, sự quan tâm giúp đỡ của các cấp là rất quan trọng, nhưng phát huy nội lực của cán bộ, chiến sĩ trong đơn vị là yếu tố quyết định sự thành công.
Thiếu tá Nguyễn Trung Thành, Chính trị viên Đồn Biên phòng Hương Quang cho biết: “Chúng tôi đã phát huy được sức mạnh tập thể; cụ thể, từng nội dung công việc chúng tôi đều có nghị quyết chuyên đề; khi xây dựng nghị quyết chúng tôi bàn bạc rất kỹ; lắng nghe ý kiến nhiều chiều; xây dựng nghị quyết sát; phân công phụ trách đúng người, đúng việc, ưu tiên người có kinh nghiệm. Khi triển khai kế hoạch thực hiện cụ thể, tỉ mỉ; phát huy tính năng động sáng tạo từ các tổ chức, cá nhân trong đơn vị để đạt hiệu quả cao nhất".
Tuy nhiên, vẫn còn đó những phần việc, những khó khăn mà tự bản thân cán bộ, chiến sĩ Đồn Biên phòng Hương Quang không thể giải quyết được, mà cần sự quan tâm hơn nữa của các cấp, các ngành các tổ chức cá nhân cùng chung tay giải quyết, như phương tiện đi lại bằng đường thủy, nước sinh hoạt. Những kết quả đạt được nhờ sự nỗ lực của cán bộ, chiến sĩ đơn vị là rất ghi nhận.
Bài và ảnh: LÊ ANH TẦN