Hòa Phát của tỷ phú Trần Đình Long sắp qua thời khó?
Giá thép hồi phục, hoạt động xây dựng và thị trường bất động sản có thể ấm lên nhờ đầu tư công và chính sách đẩy mạnh nhà ở xã hội. Tập đoàn Hòa Phát của tỷ phú Trần Đình Long được dự báo lỗ tiếp nhưng đã qua thời kỳ khó khăn nhất.
Cổ phiếu HPG thời gian qua tăng mạnh, gần gấp đôi từ đáy hồi tháng 11/2022, lên mức 21.600 đồng/cp như hiện tại. Tài sản của tỷ phú Trần Đình Long cũng tăng 100%, thêm khoảng 900 triệu USD, lên mức 1,8 tỷ USD theo tính toán của Forbes.
Còn khó khăn trong quý I/2023
Chứng khoán KB (KBSV) vừa đưa ra dự báo Tập đoàn Hòa Phát (HPG) của tỷ phú Trần Đình Long sẽ lỗ thêm 130 tỷ đồng trong quý I/2023. Doanh thu của HPG dự báo giảm 44% so với cùng kỳ, xuống còn gần 24,6 nghìn tỷ đồng. Biên lợi nhuận giảm từ 23% cùng kỳ năm trước xuống còn 3%.
Trước đó, trong nửa cuối năm 2022, Hòa Phát bất ngờ thua lỗ nặng. HPG lỗ gần 2.000 tỷ đồng trong quý IV và lỗ 1.800 tỷ đồng trong quý III, khiến lợi nhuận cả năm chỉ còn hơn 8.400 tỷ đồng, tương đương 25% so với năm 2021. Lý do là bởi giá thép xây dựng xuống thấp, trong khi giá quặng sắt và than cốc lên cao. Riêng giá than cốc tăng khoảng gấp đôi trong năm 2022.
KBSV dự báo, HPG sẽ tiếp tục thua lỗ nhẹ trong quý I/2023 trong bối cảnh giá thép thế giới gần đây hồi phục khá mạnh, từ mức đáy 3.450 Nhân dân tệ (CNY)/tấn, lên mức 4.224 CNY/tấn vào ngày 22/2. Giá thép trong nước cũng tăng theo.
Tuy nhiên, theo công ty chứng khoán này, Hòa Phát cũng như nhiều doanh nghiệp ngành thép khác ghi nhận tồn kho gần đây giảm mạnh và chi phí đầu vào tăng lên, do đó việc giá thép tăng trở lại cũng chưa khiến tình hình nhanh chóng tươi sáng.
Trên thực tế, theo báo cáo tài chính, hàng tồn kho của Tập đoàn Hòa Phát tính tới cuối năm 2022 chỉ còn gần 34,5 nghìn tỷ đồng, giảm mạnh so với mức gần 57,6 nghìn tỷ đồng cuối quý II/2022. Doanh nghiệp của tỷ phú Trần Đình Long đã đóng cửa một số lò cao từ tháng 11/2022 và đẩy mạnh bán hàng.
Giá than cốc giảm khá nhanh nhưng tới ngày 22/2 còn ở mức cao, khoảng 210 USD/tấn, ngang với mức đầu năm 2022 và cao hơn mức 84 USD/tấn hồi đầu năm 2021.
Hòa Phát là doanh nghiệp có lượng tiền mặt dồi dào, được tích lũy từ lợi nhuận lớn các năm trước đó và dành cho các dự án đầu tư lớn. Tuy nhiên, để đầu tư dự án Dung Quất 2 (với tổng mức đầu tư 3 tỷ USD, công suất 5,6 triệu tấn thép cuộn cán nóng HRC), HPG cũng phải vay hàng chục nghìn tỷ đồng.
Số tiền nợ chịu lãi suất của Hòa Phát cao hơn gấp gần hai lần giá trị các tài sản được hưởng lãi suất. Do vậy, việc lãi suất ngân hàng tăng gần đây khiến chi phí tài chính của Hòa Phát có xu hướng đi lên.
Trong quý IV//2022, HPG đã chủ động cắt giảm nợ vay, còn 57,9 nghìn tỷ đồng, với tỷ trọng nợ vay là 29%-71% giữa USD và VND.
Tuy nhiên, theo đánh giá của KBSV, trường hợp lãi suất điều hành tăng thêm 100-200 điểm phần trăm trong 2023, HPG sẽ đối mặt với rủi ro chi phí lãi vay tăng thêm 659-1.355 tỷ đồng.
Kỳ vọng vào thị trường bất động sản, đầu tư công
Mặc dù còn khó khăn, nhiều doanh nghiệp thép lạc quan nhận định giai đoạn tồi tệ nhất đã đi qua. Hòa Phát và Pomina (POM) có kế hoạch mở lại lò cao trong năm nay. Theo trang thông tin về thép Kallanish, HPG đã khởi động lại một lò cao ở Hải Dương vào cuối năm 2022. Còn theo SSI Research, HPG đang xem xét khởi động lại 3 lò cao còn lại trong nửa đầu năm 2023.
Các doanh nghiệp thép cũng tin tưởng đầu tư công mạnh trong năm 2023 sẽ thúc đẩy tăng tiêu thụ thép.
Sáng 21/2, tại Hội nghị trực tuyến toàn quốc về đôn đốc đẩy mạnh giải ngân vốn đầu tư công năm 2023, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính yêu cầu giải ngân tối thiểu 675.000 tỷ đồng vốn đầu tư công năm 2023, tương đương ít nhất 95% trong tổng số hơn 711.000 tỷ đồng được Quốc hội giao.
Việc Trung Quốc chấm dứt chính sách Zero Covid và chính phủ nước này có chính sách hỗ trợ thị trường bất động sản cũng là yếu tố giúp các doanh nghiệp ngành thép tin tưởng vào triển vọng giá cao hơn. Tại Ấn Độ, nhu cầu thép xây dựng có tín hiệu tăng cao.
Theo Hiệp hội Thép Việt Nam, trong năm 2023, nền kinh tế Việt Nam được đánh giá có nhiều tiềm năng để phát triển, tăng trưởng GDP được dự báo đạt 6,47%-6,83%, cao hơn nhiều so với dự báo tăng trưởng 2,2% của thế giới.
Riêng với Hòa Phát, trong bối cảnh ngành thép lao đao, doanh nghiệp của tỷ phú Trần Đình Long cũng không ngoại lệ nhưng thị phần lại được cải thiện. Tới cuối 2022, thị phần thép xây dựng và ống thép đạt lần lượt 35% và 29%, so với mức 33% và 25% trong năm 2021.
Với sự khó khăn chung của các doanh nghiệp ngành thép, cùng với triển vọng của dự án Dung Quất 2, KBSC cho rằng HPG sẽ có thể tận dụng lợi thế dẫn đầu của mình để gia tăng thị phần sản xuất và phân phối trong dài hạn.
Giữa lúc thị trường bất động sản trầm lắng và nhiều doanh nghiệp địa ốc lao đao vì sụt giảm dòng tiền và gánh nặng nợ nần, vua thép Trần Đình Long đẩy mạnh sự hiện diện trong lĩnh vực này với những động thái gom đất tại nhiều địa phương.
Trước đó, HPG có mục tiêu trở thành top 3 doanh nghiệp bất động sản lớn nhất Việt Nam.
Hòa Phát tham gia vào bất động sản 2 thập kỷ qua và cũng ghi nhận nhiều dự án nổi tiếng trong 2 mảng: bất động sản công nghiệp và BĐS đô thị, như: Khu công nghiệp (KCN) Phố Nối A (600ha), Yên Mỹ, Hòa Mạc, Mandarin Garden 1-2, Khu đô thị Bắc Phố Nối...
Hiện Hòa Phát giữ vị trí quán quân trong các doanh nghiệp niêm yết nắm giữ tiền mặt nhiều nhất (không tính nhóm ngân hàng, bảo hiểm). Số tiền mặt của HPG lên tới 34,6 nghìn tỷ đồng tính tới cuối năm 2022, tương đương 20% tổng tài sản DN này, vượt qua cả PV GAS, ACV, Vingroup (VIC) và Lọc Hóa dầu Bình Sơn (BSR).
Trong bối cảnh hiện nay, những doanh nghiệp sở hữu lượng tiền mặt dồi dào và đòn bẩy tài chính thấp sẽ có lợi thế rất nhiều.