Hòa Phát tiếp tục mở rộng hệ sinh thái

Quyết định đầu tư làm nhà máy container, hay mua 2 tàu cỡ lớn để vận chuyển ở thời điểm này của Hòa Phát cho thấy cơ hội vẫn rộng mở trong khó khăn.

Sản phẩm tôn cuộn mạ kẽm của Hòa Phát Ảnh: Đức Thanh

Lợi thế của thép

Tập đoàn Hòa Phát (mã: HPG) mới đây quyết định đầu tư nhà máy sản xuất container đầu tiên của mình tại khu vực miền Nam với kế hoạch đi vào sản xuất trong đầu năm 2022.

Dự án Hòa Phát Dung Quất 2 sẽ sản xuất thêm 5 triệu tấn thép/năm và tập trung 100% vào sản phẩm cuộn cán nóng - HRC. Năm 2020, sản lượng tiêu thụ HRC của Việt Nam là 12 triệu tấn và tỷ lệ tăng trưởng hàng năm khoảng 8 - 10%, trong khi cả nhà máy của Hòa Phát và Formosa mới cung cấp được 8 triệu tấn cho thị trường mỗi năm. Nghĩa là, ngay cả khi Hòa Phát Dung Quất 2 hoàn thành, thì cung vẫn chưa đủ cầu. Hòa Phát rất tự tin làm giai đoạn II và nhà máy mới sẽ được đầu tư công nghệ hiện đại nhất thế giới

.

Ông Trần Đình Long, Chủ tịch Tập đoàn Hòa Phát

Đại diện Hòa Phát cho hay, nhu cầu container trên thế giới ngày càng lớn do hoạt động thương mại điện tử, xuất nhập khẩu phát triển mạnh. Trước thực tế thiếu hụt container hiện nay, Tập đoàn đã quyết định đầu tư vào lĩnh vực này với quy mô công suất 500.000 TEU/năm.

Ngoài nhà máy đang được lựa chọn địa điểm tại Bình Dương hoặc Đồng Nai, Hòa Phát dự kiến sẽ đầu tư thêm 1 nhà máy khác tại khu vực phía Bắc.

Theo ông Trần Thanh Hải, Phó cục trưởng Cục Xuất nhập khẩu (Bộ Công thương), giá bán một container mới hiện 4.000 - 5.000 USD. Đến nay, 6 công ty tại Trung Quốc đã chiếm 90% sản lượng container toàn cầu, trong đó CIMC (có trụ sở tại Thâm Quyến) chiếm 50%.

Tại Việt Nam, hiện có vài chục doanh nghiệp hoạt động liên quan đến container (không tính các doanh nghiệp làm dịch vụ), nhưng hầu hết chưa phải là doanh nghiệp sản xuất đúng nghĩa. Có doanh nghiệp đã từng sản xuất container, nhưng do điều kiện khách quan nên phải thu hẹp sản xuất. Còn lại chủ yếu là những doanh nghiệp sửa chữa, cải tạo thông qua việc mua vỏ container do các hãng tàu hoặc doanh nghiệp vận tải thanh lý sau 10 - 15 năm sử dụng để cải tạo, sơn sửa thành các container văn phòng, container kho (không dùng để vận chuyển), nhà container.

Một số container sau cải tạo được đưa vào vận chuyển, nhưng chỉ dùng cho đường bộ, không đáp ứng được các yêu cầu để vận chuyển đường biển.

Nhiều doanh nghiệp từng cho biết, việc đóng mới container hoàn toàn nằm trong khả năng của Việt Nam, nhưng có nhiều lý do để các đơn vị không mặn mà tham gia sản xuất.

Nguyên do, container là mặt hàng tương đối đặc thù, muốn làm phải có đơn hàng cam kết số lượng nhất định và đều đặn, trong khi số khách hàng lại không nhiều. Quan trọng hơn, sản xuất container cần số vốn lớn để đầu tư cho nhà xưởng, máy móc, nguyên liệu và nhân công.

Các doanh nghiệp Việt trong lĩnh vực này hiện đều là quy mô nhỏ, không có vốn để đầu tư mở rộng sản xuất nên họ phải chấp nhận việc cải tạo, sửa chữa container và sản xuất thêm những mặt hàng cơ khí khác như rơ-mooc, sơ-mi rơ-mooc để tồn tại.

Đại diện Hòa Phát cho hay, lợi thế để doanh nghiệp quyết định nhanh chóng đầu tư vào lĩnh vực này chính là thép - ngành kinh doanh chính và đang mang lại gần 90% doanh số và lợi nhuận cho Tập đoàn. Ước tính, sắt thép chiếm 55% giá thành sản xuất container.

Ngoài ra, loại thép sẽ được dùng là thép SPA-H đặc chủng, kháng tự nhiên, kháng thời tiết và hiện Khu liên hợp Gang thép Hòa Phát Dung Quất đang làm chủ được công nghệ sản xuất loại thép này với giá thành hợp lý, phát huy được thế mạnh của nhà sản xuất thép từ thượng nguồn.

Với công suất 500.000 TEU/năm, sản xuất container sẽ tiêu thụ 1 triệu tấn thép cuộn cán nóng HRC/năm. Đây cũng được xem là đầu ra cho chính Hòa Phát khi Tập đoàn đang tiến hành đầu tư Dự án thép thứ 2 cũng ngay tại Dung Quất.

“Việc chủ động được thép đầu vào cho sản xuất container sẽ giúp giá thành sản phẩm hợp lý, có điều kiện cạnh tranh tốt trên thị trường”, đại diện Hòa Phát nói.

Mua tàu tự chở nguyên liệu

Không chỉ đầu tư vào làm container thời điểm này, Hòa Phát cũng đã vừa mua thêm 2 tàu cỡ lớn có tải trọng tới 90.000 tấn/tàu để chuyên chở quặng sắt, than.

Hai chiếc tàu này có hệ thống động cơ hiện đại và được đóng tại Nhật Bản, đã được Công ty cổ phần Vận tải biển Hòa Phát tiếp nhận trong tháng 2/2021 với mục đích chuyên chở than và quặng sắt cho Tập đoàn.

Với 2 khu liên hợp gang thép tại Hải Dương và Dung Quất, hàng năm bản thân Hòa Phát cần nhập khẩu cả chục triệu tấn nguyên liệu quặng sắt, than đá, vôi, thép phế liệu ở trong và ngoài nước để đảm bảo hoạt động của mình.

Lẽ dĩ nhiên, việc sở hữu phương tiện vận chuyển riêng của mình sẽ giúp Hòa Phát chủ động được vấn đề logistics, nâng cao hiệu quả kinh tế, đảm bảo có lượng tàu trong những giai đoạn cao điểm, giảm rủi ro cước tàu khi giá tăng cao, nhất là với thực tế từ Tết Nguyên đán đến nay, thị trường rất khan tàu, giá cước tàu Kamsarmax đã tăng gấp đôi.

Các lợi thế này sẽ dẫn tới chi phí sản xuất thép của Hòa Phát tiếp tục cạnh tranh so với các nhà sản xuất khác.

Đơn cử, năm 2020, mặc dù lượng thép xây dựng bán ra trong nước thấp hơn 1,2%, trong đó riêng tiêu thụ nội địa giảm 2,4%, nhưng thị phần của Hòa Phát vẫn tiếp tục tăng, đạt 32,5% so với mức 26,2% vào cuối năm 2019.

Ông Doãn Quang Thịnh, Giám đốc Công ty cổ phần Vận tải biển Hòa Phát cho biết: “Sắp tới, chúng tôi có kế hoạch mua thêm tàu để phục vụ Dự án Dung Quất 2, khi nhu cầu nhập máy móc thiết bị và nguyên vật liệu sản xuất của Hòa Phát sẽ tăng gấp 2-3 lần so với hiện nay”.

Thanh Hương

Nguồn Đầu Tư: https://baodautu.vn/hoa-phat-tiep-tuc-mo-rong-he-sinh-thai-d138900.html