Hoa quả đầu mùa rẻ nhưng vẫn ế
Hà Nội những ngày tháng 3, người tiêu dùng dễ dàng bắt gặp rất nhiều gánh hàng rong, xe thồ chở những loại quả đầu mùa như mơ, mận, nhót xanh, dâu tây... được trồng tại các huyện Đan Phượng, Hoài Đức, hoặc các tỉnh Hòa Bình, Sơn La, Phú Thọ... Giá của các loại quả này được bán khá rẻ nhưng sức tiêu thụ không cao.
Chị Trần Thị Dung, bán nhót xanh trên phố Phạm Ngọc Thạch cho biết: Nếu như năm 2020 giá bán nhót xanh lên đến 150.000 - 170.000 đồng/kg thì năm nay, giá nhót giảm chỉ còn 80.000 - 100.000 đồng/kg. Không chỉ mặt hàng nhót ế ẩm mà các loại hoa quả đầu mùa như mơ, mận, dâu tây... cũng trong tình trạng tương tự. Chị Nguyễn Thị Nga kinh doanh hoa quả tại chợ đầu mối phía Nam thông tin: Nếu năm ngoái, mơ Mộc Châu (Sơn La) đầu mùa được bán với giá 85.000-95.000 đồng/kg thì năm nay giá bán chỉ còn 32.000 - 35.000 đồng/kg bằng 1/4 so với năm ngoái; nếu mua 4kg giá giảm xuống 100.000 đồng, 6kg giá 150.000 đồng. Tại các chợ truyền thống, mặt hàng mận hậu Sơn La đã được bày bán với giá 120.000-130.000 đồng/kg, giá rẻ bằng nửa so với năm ngoái.
Tại Tuần hàng Việt TP Hà Nội 2021 do Sở Công Thương Hà Nội vừa tổ chức, anh Lường Văn Hậu, chủ vườn dâu tây tại Bản Áng, xã Đông Sang (Mộc Châu, Sơn La) than thở: Nếu như trước đây, dâu tây chỉ có mặt tại các cửa hàng hoa quả sạch hoặc hệ thống các siêu thị lớn với giá bán lên đến 300.000 - 450.000 đồng/kg dâu tây VietGAP, nhưng hiện mặt hàng này đang được rao bán với giá “siêu rẻ”. Cụ thể năm 2020, giá dâu tây tại vườn loại đẹp từ 12 - 14 quả/kg phải từ 300.000 đồng/kg nhưng hiện chỉ còn 170.000 - 180.000 đồng/kg, loại nhỡ từ 50 -55 quả/kg giá chỉ 100.000 đồng/kg, loại nhỏ 80.000 đồng/kg. Không những thế, trên chợ online đã xuất hiện hàng loạt bài viết kêu gọi “giải cứu” dâu tây Mộc Châu với giá chỉ 80.000 đồng/kg loại nhỡ và 45.000 đồng/kg loại bé.
Thực tế cho thấy, mặc dù giá bán các loại hoa quả đầu mùa đã giảm đáng kể nhưng theo phản ánh các tiểu thương, sức tiêu thụ chỉ bằng 60 - 70% so với năm 2020. Nguyên nhân là do ảnh hưởng bởi dịch Covid-19 nên phần lớn người tiêu dùng có tâm lý tiết kiệm chi tiêu, hạn chế ăn vặt nên lượng tiêu thụ tại các cửa hàng, siêu thị chậm hơn. Dự kiến đầu tháng 4 khi bắt đầu vào mùa thu hoạch chính vụ thì giá bán mơ, mận, dâu tây... sẽ còn tiếp tục giảm. Để hạn chế tình trạng được mùa, mất giá theo các chuyên gia kinh tế, các hợp tác xã, người dân nên đẩy mạnh áp dụng công nghệ chế biến sau thu hoạch như làm siro hoa quả, mứt, sấy khô... tránh phụ thuộc vào mùa vụ tiêu thụ.
Nguồn KTĐT: http://kinhtedothi.vn/hoa-qua-dau-mua-re-nhung-van-e-413578.html