'Hoa rêu' trong tâm thức sinh thái của Hồng Nhạn
Vượt lên khó khăn thử thách, người phụ nữ trẻ vùng cao Hồng Nhạn vừa dạy học vừa lặng lẽ sáng tác, sau tập truyện ngắn 'Đời cỏ lau' (2023), chị mới ra mắt tập thơ 'Hoa rêu' (NXB Hội Nhà văn, 5/2025). Sự xuất hiện của cây bút đa năng có tiềm lực như một ngọn gió mới thổi vào đời sống văn học Đông Nam Bộ...
1.
Trong một chùm thơ chung khảo Cuộc thi Thơ miền Đông Nam Bộ lần thứ I năm 2024, tôi được đọc một bài thơ khá ấn tượng có tên "Mùa hoa điều nở". Tại lễ trao giải tổ chức ở thành phố Phan Thiết, tỉnh Bình Thuận tôi mới biết tác giả bài thơ là Lê Thị Hồng Nhạn, người gốc Quảng Trị, tốt nghiệp thạc sĩ sư phạm ngữ văn và hiện đang dạy trung học phổ thông ở huyện vùng cao Định Quán, tỉnh Đồng Nai.

Nhà thơ Hồng Nhạn.
Bài thơ "Mùa hoa điều nở" được trao giải của Hồng Nhạn mở đầu:
Chúng con lớn lên
Ríu rít sân nhà
Nắng lửa miền Đông và hoa điều bung nở
Trái đỏ vàng níu tuổi thơ một thuở
Que kem bốn màu dịu mát mùa sang
Bắn bi, trốn tìm,… mùa vui còn dở dang
Bóng trăng đã tròn gọi nhau cười khúc khích
Dấu quê gửi lại bến làng…
Một khung trời thơ mộng đầy vẫy gọi. Hình ảnh hoa điều như sợi chỉ hồng xuyên suốt bài thơ dựng nên một thi tứ độc đáo. Thông qua hoa trái điều đã hiện lên hình ảnh quê nhà nắng lửa miền Đông với những kỷ niệm đẹp tuổi thơ, sự tần tảo của mẹ cha chắt chiu cho con cái ăn học nơi phố thị như "Những đàn ong vẫn rì rầm hút mật giữa ngàn hoa/ Chúng con rút mồ hôi khu vườn, chốn phồn hoa nuôi ước vọng". Và hoa trái điều đã trở thành sự kết nối, bệ phóng tâm hồn trong qui luật sinh tồn:
Thương trái điều kết nắng để đậm nhân
Rồi lặng lẽ góc vườn hóa thân chờ đợi
Men tình nồng vun bón vụ mùa sau
Mùa hoa điều về, ký ức gọi nhau…
Hoa điều ăn sâu vào ký ức Hồng Nhạn. Hay nói cách khác, tình yêu quê hương và tâm thức sinh thái đã giúp chị dệt nên một bài thơ đầy xúc cảm và ám gợi. Tâm thức sinh thái cũng chi phối cả tập thơ "Hoa rêu" của Hồng Nhạn, đậm đặc những thi ảnh: hoa trái, sỏi đá, sông biển, trăng sao, nắng mưa, mây gió, mặt trời, màn đêm,…
2.
Trong tập "Hoa rêu", hình ảnh của đá nơi phố đá Định Quán với Đá Ba Chồng mà Hồng Nhạn gắn bó là một trong những nguồn cảm hứng mạnh mẽ, ẩn hiện trong nhiều bài thơ, chan chứa bao nỗi niềm. Hãy cùng Hồng Nhạn "Về nghe phố đá thì thầm": "Nghiêng mình ngắm phố đông/ Đá Ba Chồng dãi dầu năm tháng/ Anh ra đi áng mây lẻ bạn/ Phố núi buồn trầm mặc nghiêng nghiêng". Đá không chỉ là đá. Phố không chỉ là phố. Phố đá phố núi qua trái tim thi sĩ đã hóa tri kỷ tri âm. Đá biết buồn biết vui khi người thương xa cách: "Bạch Tượng đứng lặng yên/ Nghe lệ đá pha sương phủ trắng". Từ trong lệ đá, mùi hương của nắng, nỗi nhớ niềm thương dâng lên ước vọng:
Anh có về phố nhỏ quê ta
Nghe hồn núi vọng từ quá khứ
Nghe đá hát nhịp đời sôi thở
Tiếng trống trường tà áo trắng em bay
Ở bài thơ "Chẳng thể gọi thành tên" thì "Từng bậc đá chênh vênh" như chao nghiêng trước khách đa tình. Tình yêu là điều diệu kỳ khó giãi bày và khi con người không thể thổ lộ nỗi lòng mình thì thơ lên tiếng và đá cất tiếng: "Em sợ lắm/ Từng bậc đá chênh vênh/ Có cõng nổi ước mơ gieo lòng vào nhớ/ Mảnh vườn hoang trái tim ngỏ mở/ Đợi ai vào êm ấm dệt đậm sâu".
Đá núi và đá biển. Đá của thiên nhiên và đá trong lòng người. Hình ảnh đá ăn sâu vào tiềm thức và cứ hiện lên một cách tự nhiên trong nhiều bài thơ Hồng Nhạn. Có lẽ nhà thơ của phố đá phố núi Đá Ba Chồng là một trong những cây bút viết về đá nhiều nhất. Và tôi có cảm giác hình ảnh của đá luôn hiện diện theo mỗi bước chân, niềm suy tư và cả trong những giấc mơ của chị: "Hoa rừng quyện với lúa thơm/ Ngàn năm đá đợi như hờn dỗi ai" (Ba Chồng, đá đợi).
Đá núi đợi chờ. Đá biển cũng chờ đợi. Diễn ngôn về đá điệp trùng và tinh tế nhiều khi chẳng biết đá hóa người hay người hóa thân vào đá.
Có những ngày bờ cát trắng chênh vênh
Biển ngừng thở dấu chân in chờ đợi
Sóng giận bờ lùi xa lặng lẽ
Đá đứng nhìn, đếm thời gian trôi
(Có những ngày)
Đá đồng hành, sẻ chia và hóa thân vào thân phận phái đẹp. Ẩn ức của người chỉ có đá mới biết, đêm mới biết. Lạ lùng hơn, ở một văn cảnh khác khi "Đá cựa mình trong trăng" thì một không gian kỳ lạ hiện ra với vẻ đẹp lung linh huyền ảo và đá như nhập vào "Hồn trăng": "Đêm quạnh vắng/ Hồn phố/ Đá cựa mình trong trăng/ Trăng ôm rừng thác Mai say ngủ/ Trăng dịu dàng lặng ngắm suối Mơ reo".
3.
Hồn đá hồn trăng hồn suối hồn thác hòa quyện. Vẫn là Đá Ba Chồng. Nhưng trăng của đêm Nguyên tiêu. Ánh trăng thi ca. Ánh trăng căng tròn "Xuân đương thì con gái/ Trăng nuột nà/ Trăng/ Lặng sáng trong em". Trăng nhập vào em hay em hóa thành trăng thì trong cái khoảnh khắc kỳ diệu ấy thiên nhiên với con người cũng đã hòa làm một. Nếu không mở lòng trước thiên nhiên thì làm sao có thể đón nhận được vẻ đẹp lạ thường, nguồn năng lượng siêu hình của trời đất ban tặng. Vẻ đẹp và nguồn năng lượng chỉ dành riêng cho những con người biết sống biết yêu và biết tận hưởng. Ở một đêm Nguyên tiêu khác, trăng càng lãng mạn hơn trong "Hoa đêm gói ngực trần":
Anh nghe không
Đêm rằm gói vầng trăng
Như thiếu nữ gói hồng trên đôi má
Hoa đêm gói ngực trần
Căng bầu xuân gói ấm áp môi hôn
(Nồng nàn giêng)
Một bức tranh thơ thật đẹp và quyến rũ. Khó có lời tự tình nào hay hơn thế của người thiếu nữ căng tràn bầu xuân nhựa sống trong đêm Nguyên tiêu tròn trăng. Giống như đá, trăng và hoa có tần suất xuất hiện nhiều trong thơ Hồng Nhạn. Đó cũng là thiên hướng biểu hiện tâm thức sinh thái trong tập "Hoa rêu": "Ta nợ ta, ánh trăng đã nhạt màu/ Hạ ray rứt nung khô nhàu nhịp thở/ Ve rã ruột bằng lăng tím nở/ Mưa ngập ngừng khe khẽ mùa yêu" (Nợ bốn mùa).

Tập thơ “Hoa rêu” của nhà thơ Hồng Nhạn.
Tự tin với trăng tròn và sợ hãi khi trăng nhạt màu. Quy luật thời gian đời người nghiệt ngã, nhất là đối với người phụ nữ sống trong trạng thái "Mưa ngập ngừng khe khẽ mùa yêu", để cho "Nỗi nhớ nào chơi vơi/ Trăng trôi trên bến vắng" (Biển nhớ) mà cô đơn chờ đợi, cô đơn khát khao, cô đơn tỏa hương:
Chùm nguyệt quế tỏa hương ngoài ngõ
Gọi mặt trời đánh thức nắng mai
Gọi anh đến từ trong tiềm thức
Ngan ngát tiễn mùi tương tư
(Hương nguyệt quế và em)
Hình ảnh của hoa khi ẩn khi hiện, khi xen lẫn khi riêng biệt trong thơ Hồng Nhạn. Không như thơ của nhiều nữ sĩ khác thường ngập tràn hoa hồng, rực rỡ hoa hướng dương, hoa trong thơ của người phụ nữ phố đá Hồng Nhạn có những khác biệt. Này đây là Hoa tre: "bung dải lụa yêu kiều/ hoa tre hay hoa nắng/ nét khô cong chiều vắng". Và đặc biệt là "Hoa rêu", một hình ảnh độc đáo mà Hồng Nhạn lấy tên đặt cho cả tập thơ đầu tiên của mình. Một hình ảnh ví von thú vị, đầy tính ẩn dụ, gửi gắm bao nỗi niềm với nợ chữ và cuộc đời đầy giông bão nhưng đáng sống. Một hình ảnh đặc trưng mang tâm thức sinh thái trong thơ Hồng Nhạn: "Không ai khác/ Nâng gót sen/ khi người đời chà đạp/ Xanh rì/ dày đặc/ Em khao khát trổ hoa".
Cuộc sống diệu kỳ bởi những điều có thể từ cái không thể. Vươn lên từ khắc nghiệt, vươn lên từ khổ đau, vượt thoát khỏi đơn độc, khao khát được trổ hương, "Hoa rêu" trở thành biểu tượng đẹp của tình yêu thương, lòng nhẫn nại, đức hy sinh. Đó cũng là đóng góp có ý nghĩa của nhà thơ Hồng Nhạn vào hệ hình văn học sinh thái đương đại:
Không ai khác là em, loài rêu xanh
Bền bỉ trong môi trường khắc nghiệt
Đợi mầm ước mơ
Đợi hoa nở yêu thương khi gió trở mùa…
Nguồn VNCA: https://vnca.cand.com.vn/ly-luan/hoa-reu-trong-tam-thuc-sinh-thai-cua-hong-nhan-i774419/