Hoa Sen phản đối tăng 5% thuế nhập khẩu ưu đãi với thép cuộn cán nóng
Bộ Tài chính đề xuất tăng thuế nhập khẩu ưu đãi (MFN) với thép cuộn cán nóng thuộc nhóm 72.08 lên 5% (từ 0%) và dự kiến có thể tăng thu ngân sách hơn 3.100 tỷ đồng. Tuy nhiên, Công ty cổ phần Tập đoàn Hoa Sen cho rằng, việc tăng thuế là một cú 'knock out' với đại đa số doanh nghiệp sản xuất tôn mạ nhưng lại tạo cơ hội cho một vài doanh nghiệp độc quyền thị trường.
Tăng thuế có thể tăng thu ngân sách 3.152 tỷ đồng
Cụ thể, theo công văn số 8745/BTC-CST về việc xin ý kiến Dự thảo Nghị định sửa đổi bổ sung Nghị định số 125/2017/NĐ-CP, Bộ Tài Chính cho rằng, “cuộc chiến thương mại Mỹ-Trung dấy lên lo ngại về việc thép giá rẻ Trung Quốc có thể tràn vào Việt Nam, kéo giá thép trên thị trường giảm mạnh. Điều này khiến nhà máy sản xuất théo lớn nhất Việt Nam đang cân nhắc tạm dừng kế hoạch triển khai lò cao số 3”.
Việt Nam nhập hơn 8 triệu tấn cuộn thép cán nóng mỗi năm, với 40% nhập từ Trung Quốc. Nếu không có thuế nhập khẩu đánh vào mặt hàng này, thép cán cuộn giá rẻ sẽ từ Trung Quốc tiếp tục tràn vào Việt Nam, gây bất ổn thị trường thép Việt Nam.
Do đó, Bộ Tài chính đề xuất tăng thuế nhập khẩu ưu đãi (MFN) với thép cuộn cán nóng thuộc nhóm 72.08 lên 5% (từ 0%). Nếu tăng thuế theo tỷ lệ trên, ngân sách Nhà nước có thể thu thêm 3.152 tỷ đồng.
Theo Hiệp hội Thép Việt Nam, tính đến 12/2018, năng lực sản xuất thép cuộn cán nóng của doanh nghiệp trong nước đạt 3,4 triệu tấn/năm (đạt 86% công suất thiết kế) . Nhu cầu tiêu thụ mặt hàng này trong nước khoảng hơn 10 triệu tấn/năm.
Như vậy, năng lực sản xuất trong nước có thể đáp ứng 70% nhu cầu vào cuối năm 2019 khi nhà máy của Công ty Hòa Phát tại Dung Quất, Quảng Ngãi và công ty Formosa đi vào hoạt động.
Phản bác quan điểm này, ông Trần Quốc Trí, Tổng giám đốc Công ty cổ phần Tập đoàn Hoa Sen cho rằng, về lý thuyết, sản lượng thép cuộn cán nóng nhóm 72.08 sản xuất nội địa và bán trong nước đáp ứng khoảng 40% nhu cầu doanh nghiệp sản xuất tôn mạ (3,4 triệu tấn/nhu cầu từ 8-10 triệu tấn/năm). Nhưng, thực tế thì sản xuất nội địa đáp ứng được ít hơn con số lý thuyết này rất nhiều.
Như trường hợp của Hoa Sen, hiện nhu cầu mua thép cuộn cán nóng khoảng 150.000 tấn/tháng nhưng nguồn sản xuất nội địa chỉ đáp ứng được từ 15-20.000 tấn/tháng (đáp ứng tương đương 10-13% nhu cầu). Hoa Sen cho rằng, trường hợp của mình cũng là thực trạng chung của doanh nghiệp sản xuất tôn mạ khác.
Thời gian tới, nếu dự áp thép Dung Quất cho ra sản phẩm thép cuộn cán nóng, với công suất thiết kế lý thuyết 2 triệu tấn/năm, thì khả năng đáp ứng tối đa trên lý thuyết khoảng 60% nhu cầu.
Theo quan điểm của Hoa Sen, con số trên mới chỉ là tỷ lệ đáp ứng phỏng đoán, chưa có thực, “con số thực tế chắc chắn sẽ thấp hơn nhiều”.
“Tăng thuế….tạo cơ hội cho một vài doanh nghiệp độc quyền thị trường”
Tổng giám đốc Công ty cổ phần Tập đoàn Hoa Sen còn cho rằng, việc tăng thuế trên có thể là một cú “knock out” với đại đa số doanh nghiệp sản xuất tôn mạ nhưng lại tạo cơ hội cho một vài doanh nghiệp độc quyền thị trường.
Đại diện này diễn giải, tình hình sản xuất kinh doanh của các doanh nghiệp sản xuất tôn mạ 7 tháng đầu năm 2019 giảm 20% so với cùng kỳ (theo số liệu của Hiệp hội Thép), đa số doanh nghiệp phải giảm sản xuất, chỉ hoạt động khoảng 60% công suất thiết kế.
“Đó là một phần hệ quả mà doanh nghiệp sản xuất tôn mạ đang phải gánh chịu từ việc các nước dựng hàng thương mại đến những chiêu trò cạnh tranh không lành mạnh của hàng tôn mạ nhập khẩu”, ông Trần Quốc Trí nêu và đưa ra một số khó khăn cụ thể về dài hạn.
Ví dụ như khó khăn vì bị hạn chế nguồn cung nhập khẩu trong khi sản lượng sản xuất trong nước chưa đáp ứng nhu cầu. Hiện, tất cả các doanh nghiệp sản xuất tôn mạ đều phải nhập khẩu thép cuộn cán nóng nhóm 72.08 làm nguyên liệu sản xuất vì sản lượng sản xuất trong nước chưa đáp ứng nhu cầu.
Nếu tăng thuế với sản phẩm này sẽ làm hạn chế nguồn cung thép từ Ấn Độ, Đài Loan,…khiến doanh nghiệp sản xuất tôn mạ đều phải nhập khẩu thép cuộn cán nóng trong nước bất lợi hơn doanh nghiệp cùng ngành ở nước khác trong việc tiếp cận nguồn nguyên liệu đa dạng xuất xứ với giá cả phù hợp.
Ngoài ra, giá thép cuộn cán nóng sản xuất nội địa đang cao hơn giá nhập khẩu từ 15-20 USD/tấn (tương ứng từ 3-4%). Nếu tăng thuế suất MFN thêm 5% thì giá nguyên liệu trung bình tại Việt Nam cao hơn giá thế giới từ 8-9%. Như vậy, doanh nghiệp sản xuất tôn mạ trong nước không thể xuất khẩu cũng không thể cạnh tranh với tôn màu nhập khẩu đang có mức thuế 5%.
Hoa Sen còn cho rằng, doanh nghiệp sản xuất thép cuộn cán nóng trong nước đang gặp nhiều thuận lợi về thị trường tiêu thụ khi tại nội địa, năng lực sản xuất mới chỉ đáp ứng dưới 40% nhu cầu cũng như tiềm năng xuất khẩu khi đáp ứng tiêu chí xuất xứ Việt Nam.
Do đó, vấn đề thị trường tiêu thụ không thể là nguyên nhân khiến nhà máy sản xuất thép lớn nhất Việt Nam đang cân nhắc tạm dừng kế hoạch triển khai lò cao số 3 như thông tin nêu tại công văn số 8745.