Họa sĩ Đặng Quang Dũng: Mong có chính sách hỗ trợ để tác giả không phải tự bơi

Thành công trong mảng truyện tranh dành cho trẻ em qua 'Mèo Mốc', 'Ly và Chũn', tác giả Đặng Quang Dũng tiếp tục thử sức với truyện tranh dành cho người trưởng thành khi được lựa chọn để tham gia vào một workshop truyện tranh do Viện Pháp và Viện Goethe tổ chức. Hànôịmới Cuối tuần đã có cuộc trò chuyện cùng anh.

Họa sĩ truyện tranh Đặng Quang Dũng, tác giả của bộ truyện “Mèo Mốc”, “Ly và Chũn” được nhiều độc giả yêu thích.

Họa sĩ truyện tranh Đặng Quang Dũng, tác giả của bộ truyện “Mèo Mốc”, “Ly và Chũn” được nhiều độc giả yêu thích.

- Ở Việt Nam, cho đến nay nhiều người vẫn mang một định kiến truyện tranh không phải là sách, không phải là nghệ thuật, vì thế không nên cho trẻ đọc thường xuyên. Bạn nghĩ gì về điều này?

- Tôi nghĩ, mỗi thế hệ có mối quan tâm khác nhau. Các bậc cha mẹ có tuổi thơ lớn lên cùng các tác phẩm văn học nên thường có xu hướng muốn con đọc các tác phẩm văn học. Quen rồi, nên khi đến với các loại hình mới họ có thể có sự băn khoăn nhất định.

Hiện nay, với nhiều người, truyện tranh chưa được xem là một loại hình nghệ thuật chính thống. Do đó, tôi nghĩ, khi những sự kiện về truyện tranh như các lễ hội, các workshop được tổ chức nhiều hơn thì sẽ phần nào rút ngắn khoảng cách thế hệ đó, công chúng sẽ quen dần với sự tồn tại của truyện tranh trong đời sống, như đối với phim, nhạc, ảnh vậy.

Ý thức được sự băn khoăn của nhiều người về truyện tranh nên trong các sáng tác truyện tranh của tôi, ngoài yếu tố vui, hài hước tôi luôn cố gắng lồng ghép vào đó yếu tố giáo dục. Cuốn “Ly và Chũn” là câu chuyện về quê ăn Tết, không chỉ độc giả trẻ em mà ngay cả người lớn cũng có thể đọc. Nhiều nhân vật trong truyện là người lớn, mỗi chương đều cung cấp thêm thông tin để độc giả “cùng Ly và Chũn tìm hiểu phong tục ăn Tết Việt” như tục cúng ông Công ông Táo, tục tảo mộ, tục tắm lá mùi già, tục gói bánh chưng, tục xông đất...

Trong bối cảnh truyện tranh đang phát triển mạnh, trong đó có truyện tranh mạng, tôi cố gắng tạo ra những trang truyện thân thiện với trẻ em, an toàn với trẻ em, để phụ huynh khi đọc cảm thấy yên tâm “gửi gắm con mình” vào những trang truyện.

- Vậy với bạn, sáng tác truyện tranh cho trẻ em và sáng tác truyện tranh cho người lớn có điều gì khác biệt?

- Như tôi đã nói, trong các series truyện tranh cho trẻ em thì ngoài yếu tố vui, hài tạo sự thân thiện, gần gũi với các em thiếu nhi, tác giả cần cố gắng lồng ghép vào đó yếu tố mang tính giáo dục một cách hài hòa, tự nhiên để những nhân vật trong truyện tranh thực sự là người bạn của trẻ em. Khi tôi nhận thư từ các bạn đọc yêu thích nhân vật Mèo Mốc, tôi mới biết rất nhiều độc giả nhỏ tuổi tin rằng Mèo Mốc là nhân vật có thật ngoài đời, và các bạn ý gửi thư cho Mèo Mốc nhân vật chứ không phải Mèo Mốc tác giả.

Còn sáng tác truyện tranh cho người lớn thì hướng đến những chủ đề nghiêm túc hơn, chẳng hạn như các câu chuyện về gia đình, các đề tài mang tính xã hội. Trong thời gian qua tôi có thực hiện một số bộ truyện liên quan đến sức khỏe tâm lý cho trẻ em nên đề tài mà tôi lựa chọn trong truyện tranh dành cho người lớn là câu chuyện về các bậc phụ huynh tạo áp lực về điểm số học tập cho con em mình. Trong truyện “Đảo quốc Thú một sừng”, dù nhân vật là trẻ em nhưng câu chuyện và thông điệp là dành cho người lớn.

Truyện “Mèo Mốc” được sáng tác theo thể loại comic-manga nhiều hơn vì hầu hết là truyện dài tập, nhưng trong thời gian tới tôi sẽ hướng bộ truyện sang graphic novel (truyện tranh cho người lớn) nhiều hơn, kể cả trong hình thức thể hiện cũng như về nội dung đề tài. Có thể vẫn là nhân vật chú Mèo Mốc đấy, nhưng không phải lúc nào cũng là Mèo Mốc vui cười hớn hở mà cũng như mọi người khác, Mèo Mốc có vui buồn, có áp lực, có khó khăn và quan trọng là Mèo Mốc sẽ đối mặt như thế nào trước những thách thức trong cuộc sống.

Ngoài ra, tôi cũng hợp tác với một số tác giả có sách khoa học để chuyển thể thành những series truyện tranh Mèo Mốc khoa học mà nhân vật Mèo Mốc đóng vai trò người dẫn chuyện.

- Ở nhiều nước trên thế giới, truyện tranh đã là một ngành công nghiệp “hái ra tiền”. Còn ở Việt Nam, một họa sĩ truyện tranh như bạn có thể sống bằng nghề không?

- Những ai quan tâm đến truyện tranh Việt Nam đều có thể nhận ra rằng trong những năm gần đây, thị trường truyện tranh Việt có nhiều hoạt động sôi nổi hơn và đạt được một số thành công nhất định với nhiều tác giả có tác phẩm ra mắt công chúng, gây được tiếng vang, giành được thành công ở trong nước và nước ngoài.

Đó là tín hiệu đáng mừng. Song, với nhiều họa sĩ truyện tranh Việt Nam, vẫn còn đó nỗi lo cơm áo, gạo tiền để nuôi đam mê, cân bằng giữa sáng tác truyện tranh và công việc thực tế. Ở Việt Nam, ngay cả khi có cơ hội làm việc với nhà xuất bản thì trong suốt quá trình sáng tác, các tác giả phải tự bơi chứ không có khoản đặt cọc hay ứng trước nào cả. Mà thời gian để sáng tác một cuốn truyện tranh thường là 4 - 5 tháng, đó là chưa tính đến quá trình biên tập, duyệt bản thảo... Thời gian từ lúc bắt đầu làm việc cho đến lúc nhận được thành quả nhất định từ tác phẩm là khá lâu. Đó cũng là một khó khăn đối với tác giả mới. Vì thế, với cá nhân tôi cũng như nhiều họa sĩ truyện tranh khác, hy vọng rằng trong tương lai gần, các đơn vị xuất bản khi làm việc với các tác giả Việt sẽ có chính sách hỗ trợ nào đó để các tác giả yên tâm sáng tác.

Ở các nước có ngành công nghiệp truyện tranh phát triển, thường thấy hoạt động tìm kiếm họa sĩ mới, đặt ra những quy chuẩn khi đưa họa sĩ ra mắt công chúng, dựa theo mức đón nhận của công chúng để lên kế hoạch định hướng phát triển cho họa sĩ đó như thế nào, xây dựng chế độ làm việc, các đội ngũ trợ lý... Còn ở Việt Nam hiện nay, tác giả thường tự bơi.

Hiện nay, khá là khó để tác giả sống được với thu nhập từ truyện tranh. Bản thân tôi đã có 10 năm theo nghề, nhưng hơn nửa thời gian trong số đó sống khá chật vật, nhất là trong khoảng thời gian đầu vừa học vừa làm. Khi đã thành công với tập sách đầu, sau đó chăm chỉ làm việc, một năm cố gắng ra 1 - 2 tập sách mới thì càng về sau số lượng sách xuất bản càng nhiều hơn. Chẳng hạn, khi sáng tác tập 7 thì các tập 1, 2, 3 cũng được tái bản, mang lại thu nhập quay vòng cho tác giả. Khi hình tượng nhân vật đã quen thuộc với độc giả thì có thể mở rộng thêm các tác phẩm phái sinh như đồ chơi, văn phòng phẩm, phim hoạt hình...

- Bạn có lời khuyên nào cho các bạn trẻ đang muốn bước chân vào địa hạt sáng tác truyện tranh?

- Để truyện tranh có thể mang lại nguồn sống cho tác giả thì đòi hỏi sự kiên trì, bền bỉ theo đuổi đam mê.

- Cảm ơn bạn về cuộc trò chuyện!

Nguồn Hà Nội Mới: https://hanoimoi.vn/hoa-si-dang-quang-dung-mong-co-chinh-sach-ho-tro-de-tac-gia-khong-phai-tu-boi-654823.html