Họa sĩ, Đạo diễn, NSND Ngô Mạnh Lân: Một đời sống đẹp
Mùa thu này, sự ra đi của Họa sĩ, Đạo diễn, NSND Ngô Mạnh Lân - người được ví như 'Cây đại thụ' của Hoạt hình Việt Nam,'Nghệ sĩ của tuổi thơ'... đã để lại tiếc thương khôn nguôi cho người thân, đồng nghiệp, học trò và đông đảo công chúng. Người nghệ sĩ với gương mặt hiền hậu, tính cách hóm hỉnh, trái tim nồng ấm yêu thương đã rời xa cõi tạm nhưng tấm gương lao động hết mình cùng gia tài nghệ thuật đồ sộ, giá trị ở nhiều lĩnh vực mà ông để lại cho mai sau thực vô cùng đáng trân quý.
NSND Ngô Mạnh Lân có một sự nghiệp điện ảnh lẫy lừng với vai trò là một trong những người đặt nền móng cho phim hoạt hình Việt Nam. Đến với hội họa từ năm 15 tuổi, ông tham gia khóa học đầu tiên của Trường Mỹ thuật Việt Nam ở chiến khu Việt Bắc do danh họa Tô Ngọc Vân phụ trách.
Sau khi phục vụ quân đội, tham gia chiến dịch Điện Biên Phủ, ông được cử đi học Đạo diễn hoạt hình tại Trường Đại học Điện ảnh Quốc gia Liên Xô (VGIK). Tốt nghiệp, ông được phân công về công tác tại Xưởng phim Hoạt họa - Búp bê (Nay là Hãng phim Hoạt hình Việt Nam). Vượt qua muôn vàn khó khăn của những ngày đầu như không có giấy kính trong suốt chuyên dụng, phải dùng giấy pơ luya, để có được một bộ phim dài 10 phút, các họa sĩ phải vẽ tới gần 15.000 hình vẽ và tô màu thủ công, ông cùng những đồng nghiệp như NSND Lê Minh Hiền, đạo diễn, họa sĩ Trương Qua... tạo nên những dấu mốc đáng tự hào cho nghệ thuật hoạt hình Việt Nam.
NSND Ngô Mạnh Lân cùng vợ - NSND Ngọc Lan.
Trong sự nghiệp điện ảnh, NSND Ngô Mạnh Lân đã ghi dấu ấn với 17 bộ phim ở vai trò đạo diễn, 5 phim ở vai trò họa sĩ. Những bộ phim của ông đã góp phần nuôi dưỡng tâm hồn bao thế hệ thiếu nhi Việt Nam, đắp xây cho các em những giấc mơ trong lành, thánh thiện. Tình yêu trẻ em, tâm hồn ấm áp yêu thương được ông gửi gắm vào những bộ phim như "Con sáo biết nói", "Những chiếc áo ấm", "Chuyện ông Gióng", "Thạch Sanh"... Phim của NSND Ngô Mạnh Lân hấp dẫn, dí dỏm, hồn hậu, mang đến sự đồng cảm sâu sắc với khán giả, thích thú cho trẻ em.
Bên cạnh sự yêu mến của khán giả, cống hiến của ông đã được ghi nhận bằng những giải thưởng chuyên môn cao quý như 3 giải "Bông sen vàng", 4 giải "Bông sen bạc" và nhiều bằng khen tại các kỳ Liên hoan phim (LHP) Việt Nam. Ngoài ra là một số giải thưởng quốc tế như giải "Bồ nông bạc" tại LHP Hoạt hình quốc tế ở Mamaia (Romani, 1965), Bằng khen tại LHP Châu Á ở Frankfurt (CHLB Đức, 1967), Bằng khen tại LHP Quốc tế Moscow (1971)... Ông cũng là một trong số ít nghệ sĩ điện ảnh Việt Nam có mặt trong Bách khoa toàn thư Điện ảnh Liên Xô.
Không chỉ là "cha đẻ" của những bộ phim hoạt hình nổi tiếng, NSND Ngô Mạnh Lân cũng chính là người đề xuất chuyển từ gọi là "Phim hoạt họa" sang "Phim hoạt hình". Năm 1977, khi cùng nhà biên kịch Trần Ngọc Thanh ra mắt cuốn "Phim hoạt họa Việt Nam", ông đã đề xuất không gọi là "Hoạt họa" mà gọi là "Hoạt hình". Ông lý giải: "Họa là vẽ, hoạt họa chỉ là vẽ chuyển động. Mà nếu chỉ là hình vẽ thôi thì không đúng, bởi búp bê, giấy trổ thì không phải là hình vẽ. Cái ấm, hòn sỏi đều có thể trở thành nhân vật được... nên tôi đề xuất gọi là Hoạt hình". Đề xuất này của ông được hãng chấp nhận và từ đó đến nay trở thành tên gọi cho dòng phim đặc biệt này.
Trong cuộc đời mình, NSND Ngô Mạnh Lân không chỉ để lại khối lượng phim quý giá mà còn để lại dấu ấn của một người Thầy nhiệt tình, tâm huyết với các thế hệ học trò. Học trò của ông, sau này nhiều người đã trở thành những nghệ sĩ tên tuổi "nối bước cha anh" tiếp tục cống hiến cho hoạt hình Việt Nam như NSND Phạm Minh Trí, NSND Nguyễn Hà Bắc, NSND Phạm Ngọc Tuấn... Nhớ tới ông, cùng với niềm xúc động, các thế hệ học trò đều biết ơn một người thầy nghiêm khắc trong lao động sáng tạo nhưng vô cùng giản dị, dễ gần và tinh tế trong cuộc sống đời thường.
Bên cạnh sự nghiệp điện ảnh, NSND Ngô Mạnh Lân còn có một sự nghiệp hội họa đáng tự hào. Với ông, nếu như hoạt hình là tình yêu lớn thì hội họa là tình yêu đầu tiên và ở lại sau cùng. Những nét vẽ đã theo ông từ khi còn là cậu bé ở làng Tó (Tả Thanh Oai, Hà Đông) nằm trên chõng tre sân nhà say sưa ngắm mây trời, tưởng tượng ra đủ hình thù chuyển động đến khi bạc trắng mái đầu. Hội họa cho ông cảm giác được trở về với những cảm xúc chân thực tinh tế thẳm sâu trong chính con người mình.
Là người minh họa cho nhiều cuốn sách thiếu nhi nổi tiếng: "Cái tết của Mèo con", "Dế mèn phiêu phưu ký", "Đám cưới chuột", "Bộ quần áo của hoàng đế", "100 truyện cổ tích Việt Nam"... họa sĩ Ngô Mạnh Lân chinh phục được nhiều thế hệ trẻ em thông qua những nét vẽ sinh động, hấp dẫn đầy màu sắc. Riêng tác phẩm "Dế mèn phiêu lưu ký", ông lập kỷ lục vẽ tới 4 lần, từ lần đầu tiên ở Liên Xô và khi về nước cho các nhà xuất bản.
Với 4 triển lãm cá nhân, đặc biệt ở triển lãm tranh ký họa "Nét thời gian" (năm 2019) khi ông tròn 85 tuổi với hơn 250 bức ký họa đã cho thấy năng lực sáng tạo đáng ngưỡng mộ của họa sĩ Ngô Mạnh Lân ở lĩnh vực này. Như một cuốn album bằng hội họa, "Nét thời gian" là minh chứng cho sức lao động miệt mài và nghiêm túc của họa sĩ Ngô Mạnh Lân từ bức vẽ đầu tiên dưới mái trường nghệ thuật thời kháng chiến đến những quãng đời sau này.
Ở lĩnh vực nghệ thuật tạo hình, họa sĩ Ngô Mạnh Lân cũng giành nhiều giải thưởng cao quý như giải A Triển lãm đồ họa - Hội Nghệ sĩ tạo hình, Giải quốc gia về minh họa sách thiếu nhi, 2 giải nhất và 2 giải nhì về Triển lãm áp phích. Như nhà phê bình mỹ thuật Quang Việt đánh giá: "Bút pháp của ông cũng thực phong phú, giàu có như thiên nhiên và cuộc sống, khi trữ tình, khi đậm chất sử thi, khi mạnh mẽ dứt khoát, táo bạo, khi lại nhẹ nhàng, uyển chuyển... cân bằng giữa tính xác thực của khoa học hàn lâm và biểu cảm".
Sinh năm 1934 tại Làng Tó, Tả Thanh Oai, Hà Đông (nay là huyện Thanh Trì, Hà Nội), rời nhà khi chỉ 15 tuổi để tham gia Lớp Hội họa của Liên khu X đến khi rời xa cõi tạm, NSND Ngô Mạnh Lân đã có hơn 70 năm cần mẫn cống hiến cho nghệ thuật. Như ông từng chia sẻ: "Tôi không chỉ yêu trẻ em mà còn yêu nghệ thuật dân gian của nước ta. Ví như tranh dân gian Đông Hồ, đó là kho tàng rất quý và mình có thể tiếp cận được. Không chỉ là chuyện chất liệu giấy điệp mà còn về cách tư duy nghệ thuật với đường nét rất rõ ràng, chính xác, mảng màu tươi vui".
Những tác phẩm của NSND Ngô Mạnh Lân dù ở lĩnh vực điện ảnh hay hội họa đều chứa đựng cái nhìn ấm áp, thấm đẫm tình yêu cuộc sống, như lời Giáo sư Trần Văn Cấn: "Ngô Mạnh Lân yêu đất nước, con người, yêu nghề, yêu cuộc sống, có ý thức trân trọng tìm hiểu nghệ thuật cổ truyền độc đáo của dân tộc".
Không chỉ là người có nhiều đóng góp cho nghệ thuật ở nhiều lĩnh vực, NSND Ngô Mạnh Lân cùng người bạn đời của mình, NSND Ngọc Lan còn dệt nên một câu chuyện tình yêu đẹp như mơ giữa đời thường. Cuộc gặp gỡ duyên mệnh ở Liên Xô giữa chàng sinh viên Trường Điện ảnh và cô diễn viên trẻ tài năng tham gia LHP ngày ấy đã là khởi đầu của một mối nhân duyên bền chặt.
Cuộc hôn nhân của hai người nghệ sĩ luôn song hành cùng tình yêu nghệ thuật cháy bỏng chưa khi nào vì đó mà vơi nồng ấm. Trái lại, tình yêu, sự thấu hiểu và luôn ủng hộ đã là điểm tựa để họ không ngừng cùng nhau tận hiến cho nghệ thuật. Và rồi tình yêu nghệ thuật nồng nàn ấy còn truyền lại cho các thế hệ mai sau để đến hôm nay, gia đình NSND Ngô Mạnh Lân là một trong số ít gia đình có 3 thế hệ cùng làm điện ảnh.
Là nghệ sĩ nổi tiếng nhưng NSND Ngô Mạnh Lân luôn mang đến ấn tượng với người tiếp xúc là sự hồn hậu, ấm áp, giản dị và khiêm tốn trong từng câu chuyện. Cách đây hơn 10 năm, người viết may mắn được tới trò chuyện với vợ chồng NSND Ngô Mạnh Lân trong căn nhà đầy ắp những kỷ niệm của cuộc đời làm nghệ thuật của ông bà trên đường Hoàng Hoa Thám. Ấn tượng với tôi khi ấy không chỉ là những kỷ niệm sắt son của một thế hệ nghệ sĩ vượt mọi khó khăn để làm nghệ thuật mà còn là câu chuyện tình yêu diệu kỳ như trên màn ảnh và cách ông bà chăm sóc, quấn quýt bên nhau trong hạnh phúc đời thường.
Đó là chứng kiến bà ân cần vắt nước cam cho ông, còn ông thong thả vẽ tranh hay cách ông nhìn bà trìu mến khi nhắc lại một kỷ niệm nào đó. Họ đã bên nhau suốt những năm tháng đầu xanh cho tới ngày đầu bạc. Từ thuở ông bà say mê với những dự án phim của mình cho đến khi cùng nhau cảm nhận trái ngọt hạnh phúc. Công chúng thường xuyên gặp ông bà tay trong tay mỉm cười mãn nguyện ở triển lãm tranh của ông, trong đêm thơ của bà hay tại buổi chiếu ra mắt bộ phim của cháu trai yêu quý...
Với tôi, sau những tâm sự về chuyện nghề, ông bà chưa khi nào quên hỏi thăm, chia sẻ về cuộc sống, gia đình. Lúc về, bao giờ cũng được ông bà gửi quà cho các bạn nhỏ. Khi là tập truyện có tranh minh họa của ông; tập thơ của bà mới ra mắt hay chùm khế chín trong vườn... Cách đây 2 năm, tôi đã không khỏi bất ngờ và xúc động khi nhận được điện thoại của ông thông báo về triển lãm "Nét thời gian". Ở tuổi 85, trước khi triển lãm khai mạc, ông vẫn chu đáo đích thân gọi điện cho mọi người, đến sớm cùng Ban tổ chức chỉnh lại vị trí các bức tranh, ký sách tặng...
NSND Ngô Mạnh Lân rời cõi tạm vào một ngày thu trời xanh, mây trắng. Nhưng tôi tin, ở một nơi nào đó, ông đang mỉm cười hiền hậu và thật nhẹ nhàng, thanh thản bởi cả cuộc đời, ông cống hiến hết mình để dành tặng cho đời những điều đẹp đẽ nhất.