Họa sĩ điêu đứng vì dây áo buông lơi và chiếc tai ửng đỏ của người mẫu

Họa sĩ Sargent nhận phản hồi tiêu cực khi nhân vật trong tranh có tạo dáng gợi cảm, trang điểm khác biệt. Ngoài ra, người mẫu còn dính nhiều tin đồn tiêu cực ngoài đời.

Nếu ghé thăm Bảo tàng Nghệ thuật Metropolitan (Mỹ), khách tham quan có thể chiêm ngưỡng Madame X - bức tranh được biết tới nhiều nhất của John Singer Sargent. Đây cũng là tác phẩm khiến cả ông và người mẫu trong tranh khốn khổ.

Trên nền nâu đậm của tranh là hình ảnh người phụ nữ có làn da trắng sứ với mái tóc búi cao. Cô mặc chiếc váy đen hai dây quyến rũ, eo con kiến, khuôn mặt nhìn nghiêng với các nét thanh thoát. Một hình ảnh rất bình thường nếu nhân vật Madame X không phải là Virginie Gautreau với nhiều mối tình tai tiếng.

Nhận nhiều chỉ trích, họa sĩ Sargent chỉnh lại dây áo cho người mẫu

Nhận nhiều chỉ trích, họa sĩ Sargent chỉnh lại dây áo cho người mẫu

Sau khi vẽ bức tranh 1 năm, Sargent đem triển lãm tại Salon Paris vào năm 1884. Theo Daily Art, tác phẩm bị công chúng ghét bỏ vì “đó là hình ảnh của một người phụ nữ trơ trẽn; sự khiếm nhã không nên được phô trương trước mặt công chúng tử tế”.

Sargent phải rút lui khỏi giới nghệ thuật ở Paris (Pháp) để chuyển sang London (Anh) và sống phần đời còn lại ở đó.

Dây áo lả lơi và đôi tai ửng đỏ

Phản ứng dữ dội trên từ các chi tiết không ai bận tâm ngày nay: Trong bản tranh đầu tiên của Sargent, một dây áo tuột hờ hững khỏi bờ vai người mẫu. Xã hội lúc bấy giờ cho rằng đó là sự khêu gợi quá mức. Người xem đánh giá đôi vai trần, dây áo lả lơi và khe ngực lấp ló như đồng tình với đạo đức buông thả. Để xoa dịu dư luận, Sargent vẽ lại dây áo ở vị trí thẳng thớm. Nhưng sự thay đổi này không khiến những suy nghĩ tiêu cực mất đi.

Ngoài ra, chiếc tai của Virginie cũng khiến dư luận khó chịu. Làn da của cô không tỳ vết, trắng như Bạch Tuyết. Tuy nhiên, tai ửng đỏ cho thấy đây mới là màu da thực. Theo Collector, trang điểm quá nhiều là điều không phù hợp đối với một phụ nữ đoan trang ở Paris thế kỷ 19, do đó càng làm tăng thêm dị nghị cho bức tranh.

Họa sĩ John Singer Sargent khốn khổ thời gian dài vì bức tranh 'Madame X'

Họa sĩ John Singer Sargent khốn khổ thời gian dài vì bức tranh 'Madame X'

Người mẫu tai tiếng

Có bố mẹ người Mỹ, họa sĩ Sargent sinh ra ở Italy năm 1856. Mẹ của ông quyết tâm cho con theo học tại một xưởng vẽ danh tiếng ở Paris (Pháp). Năm 1877, ông đăng ký tham gia triển lãm với bức chân dung người bạn thời thơ ấu và tạo được danh tiếng. Họa sĩ bắt đầu kiếm được nhiều tiền hơn nhờ nhận vẽ những phụ nữ thượng lưu dư dả.

Dù nhiều khách thuê, Sargent vẫn có tham vọng nghệ thuật của riêng mình. Ngay lần đầu gặp Virginie Gautreau, ông đã cảm thấy bị thu hút và quyết định phải vẽ cô bằng được, không cần trả công.

Tuy nhiên, Virginie là người mẫu đỏng đảnh, khó chiều. Theo Tribune, cô không muốn vẽ ở Paris mà bắt họa sĩ phải đợi cho đến khi cô và chồng đi nghỉ hè tại Brittany (hay còn có tên khác là Công quốc Bretagne). Virginie mất kiên nhẫn khi phải đứng yên làm mẫu trong tĩnh lặng, thời gian nhàm chán kéo dài dường như vô tận. Virginie không để tâm tới chỉ dẫn của họa sĩ.

Virginie là một phụ nữ sành điệu, biết cả tiếng Anh và tiếng Pháp, được giáo dục ở Paris, thuộc tầng lớp thượng lưu. Cô kết hôn với Pierre Gautreau, chủ ngân hàng giàu có. Tuy nhiên, Pierre là người nhỏ bé, không ưa nhìn và gấp đôi tuổi vợ. Bởi vậy, Virginie luôn khao khát tình yêu và sự phấn khích mà dường như Pierre không mang lại. Cô ngoại tình với nhiều người, bị đồn có những mối quan hệ lăng nhăng với các chính khách đương thời. Việc thể hiện hình ảnh như trong bức tranh khiến Virginie nhận thêm ác cảm.

Mẹ của Virginie rất tức giận và trách cứ họa sĩ Sargent: “Cả Paris đang giễu cợt con gái tôi. Con bé đã bị hủy hoại. Nó sẽ chết vì thất vọng mất”. Trong một lá thư, Virginie viết: “Tôi sẽ cố gắng vượt qua nỗi buồn đã ám ảnh tôi trong nhiều ngày và khiến tôi chán nản đến mức muốn chết”. Sau sự cố, Virginie phải đi ở ẩn, rời xa cuộc sống lấp lánh ở Paris.

An Yên

Nguồn VietnamNet: https://vietnamnet.vn/hoa-si-dieu-dung-vi-day-ao-buong-loi-va-chiec-tai-ung-do-cua-nguoi-mau-2221806.html