Họa sĩ Hà Mạnh Thắng triển lãm 37 bức tranh 'Cảnh Mộng'
Đến với 'Cảnh Mộng', ngắm nhìn các tác phẩm, công chúng sẽ cảm nhận được các tác phẩm của Hà Mạnh Thắng như là một tập thơ thiền về thời gian, ký ức và không gian. Những bức tranh của anh kể với người xem về chánh niệm và những thăng trầm trong cuộc sống.
Trong triển lãm cá nhân với tên gọi Cảnh Mộng lần này, họa sĩ Hà Mạnh Thắng đã trưng bày, giới thiệu đến với công chúng 37 tác phẩm mang chủ đề phong cảnh được thực hiện trong khoảng năm năm trở lại đây. Ở đó, anh chiêm nghiệm về tính ước lệ trong quang cảnh, điểm giao thoa giữa ngoại tâm (phong cảnh thực thấy) và nội tâm (cái thần của phong cảnh được thu vào và chuyển hóa trong tâm hồn), thông qua những thử nghiệm trên toan theo thiên hướng trừu tượng.
Họa sĩ Hà Mạnh Thắng tự bạch: “Tiến trình trừu tượng hóa một tác phẩm phong cảnh dựa trên nguồn cảm hứng một phần từ thi ca cổ giúp tôi nới rộng biên độ hình ảnh, các chiều của không gian, mở ra sự vô tận đạt đến tính tuyệt đối và đa dạng hóa hình thức thể hiện. Cảnh, chính là đời sống như chúng ta đang sống, xảy ra trước mắt và dần trôi qua. Nhưng cuộc đời cũng tựa như một giấc mộng dài với muôn vàn cảnh/mộng - hư/thực.
Nghệ thuật là một cách giúp tôi kết nối giữa lịch sử, thời gian và ký ức, xuyên qua từng lớp không gian và thời gian, cảnh vật khác nhau, để tìm thấy và soi chiếu lại chính bản thân mình”.
Các tác phẩm trong Cảnh Mộng đánh dấu một bước chuyển mình của Hà Mạnh Thắng, trong hành trình thử nghiệm với trừu tượng, thể hiện ở chính cách nghệ sĩ xử lý bề mặt những bức tranh.
Bên cạnh những chất liệu có độ bám dính và mấp mô như sơn dầu và acrylic, anh còn thêm vào những chất liệu bắt và phản sáng (vàng lá), tạo lớp sần sùi loang lổ (bột than), hay thậm chí là góc cạnh gợn sóng (phiến đồng phơi). Mỗi chất liệu mà Hà Mạnh Thắng sử dụng đều góp phần vào việc trừu tượng hóa phong cảnh, mở ra một căn tính và công năng mới cho bản thân chất liệu.
Việc kết hợp cả toan dày và lụa mỏng làm nền cho chất liệu tự thân nó cũng là một thể hiện của tính cân bằng âm dương, một nét trừu tượng vốn luôn ngầm ám chỉ tới cách vạn vật trong thế gian xoay vần và tồn tại. Trong sê-ri tác phẩm sắp đặt của Hà Mạnh Thắng, việc tạo hình không xảy ra trên toan mà lại nằm ở việc tạo tác khung toan. Những bức họa căng trên khung giống như bia đá cổ, được đặt đầy nghiêm cẩn trên chiếc bàn gỗ.
Thông qua sự đối lập giữa toan và lụa, giữa khung hình tạo khối tĩnh và màu sắc biến động không ngừng trên mặt tranh, nghệ sĩ đã mở ra những quang cảnh nằm ở đâu đó giữa âm và dương, giữa mộng và thực, giữa hữu hình và phi hình thể...
Đến với triển lãm, ngắm nhìn các tác phẩm, công chúng sẽ cảm nhận được các tác phẩm của anh như là một tập thơ thiền về thời gian, ký ức và không gian. Những bức tranh của anh kể với người xem về chánh niệm và những thăng trầm trong cuộc sống.
Triển lãm cá nhân Cảnh Mộng sẽ diễn ra từ ngày 16-31.7.2023, tại Trung tâm Nghệ thuật đương đại Vincom (VCCA) .
Họa sĩ Hà Mạnh Thắng (sinh 1980 tại Thái Nguyên) là một trong những gương mặt nổi bật của hội họa trừu tượng Việt Nam với dấu ấn riêng độc đáo trong ngôn ngữ và phong cách. Hà Mạnh Thắng cũng là một trong số ít những họa sĩ Việt Nam đã từng được giới thiệu bên cạnh những nghệ sĩ nổi tiếng thế giới như: Gerhard Richter, Marlene Dumas và Peter Doig trong một số ấn phẩm quốc tế bao gồm Painting Now (Thames and Hudson, 2015) và Painting Today (Phaidon, 2009).
Anh cũng đã tổ chức một số triển lãm đang chú ý trong khu vực và quốc tế, bao gồm Shared Inspiration, Bảo tàng Nghệ thuật Quốc gia Trung Quốc, Bắc Kinh, Trung Quốc; Pueblos en Resistencia…