Họa sĩ Hoàng Phong: Hà Nội đã mê hoặc, khiến trái tim tôi thổn thức

'Qua tranh của mình, tôi gửi lại vẻ đẹp của Hà Nội ở thời điểm này, để những người yêu thành phố sau này vẫn thấy được dáng vẻ những kiến trúc Pháp, những khu chợ Tết, gánh hàng rong thân quen...', họa sĩ Hoàng Phong bày tỏ.

Triển lãm “Chút tình gửi phố” của họa sĩ Hoàng Phong đang mở cửa tự do tại không gian Trung tâm Thông tin Văn hóa Hồ Gươm đến hết ngày 29/10/2023 mang đến nhiều cảm xúc cho người thưởng lãm.

Họa sĩ Hoàng Phong.

Họa sĩ Hoàng Phong.

Điều đặc biệt là triển lãm bao gồm 54 bức tranh, nằm trong bộ 100 tác phẩm tranh về Hà Nội của họa sĩ Hoàng Phong, sinh năm 1987, một người con TP.HCM. Hà Nội cũng là nơi mang đến nhiều cảm hứng sáng tác cho Hoàng Phong nhất.

“Hà Nội đã mê hoặc, khiến trái tim tôi thổn thức. Qua tranh của mình, tôi gửi lại vẻ đẹp của Hà Nội ở thời điểm này, để những người yêu thành phố sau này vẫn thấy được dáng vẻ những kiến trúc Pháp, những khu chợ Tết, gánh hàng rong thân quen...”, họa sĩ Hoàng Phong bày tỏ.

Lần đầu tiên tổ chức triển lãm tranh cá nhân ở Hà Nội, anh muốn gửi gắm điều gì?

Tôi không làm triển lãm để tôn vinh mình mà chỉ muốn gửi những góc nhỏ Hà Nội rất tình và rất thơ, tới tất cả những ai yêu mảnh đất Tràng An. Ban đầu, tôi cũng không định đặt tên cho triển lãm này, chỉ muốn gọi nó đơn giản là “Chút tình gửi phố”, chân thành như cái tình của người phương Nam gửi phương Bắc, của người Sài Gòn gửi Hà Nội.

Với họa sĩ Hoàng Phong, sự hòa quyện giữa những đường nét kiến trúc Pháp cổ và nhịp sống hiện đại hàng ngày đã tạo nên những góc Hà Nội quyến rũ và đầy chất thơ.

Với họa sĩ Hoàng Phong, sự hòa quyện giữa những đường nét kiến trúc Pháp cổ và nhịp sống hiện đại hàng ngày đã tạo nên những góc Hà Nội quyến rũ và đầy chất thơ.

Các bức tranh trong triển lãm đặc tả khung cảnh phố phường Hà Nội, từ những trải nghiệm, góc nhìn và cảm xúc của cá nhân tôi qua nhiều năm khác nhau. Với tôi, sự hòa quyện giữa những đường nét kiến trúc Pháp cổ và nhịp sống hiện đại hàng ngày đã tạo nên những góc Hà Nội quyến rũ và đầy chất thơ.

Tôi tin, ngã tư Hàng Đường, nhà cổ 90 Kim Mã, kia Nhà Thờ Lớn, Ô Quan Chưởng, Bảo tàng lịch sử… hay đơn giản là một quán ăn sáng, một gánh hàng rong trên phố vốn đã quá đỗi thân thương, vốn đã trở thành Hà Nội trong trái tim của nhiều người.

Cảm hứng sáng tác “Chút tình gửi phố” đến từ đâu, thưa anh?

Đó là một cơ duyên. Tôi sinh ra và lớn lên tại TP.HCM. Dịp cuối thu đầu đông năm 2017, trong một chuyến công tác tới Hà Nội, tôi vốn không chủ đích để sáng tác nhưng lại bị mùa cúc họa mi và những ngày se lạnh, không khí mà TP.HCM không có làm cho thổn thức. Cảnh sắc và những công trình kiến trúc cổ ở Hà Nội và cả cái cách nhịp sống tương quan với bối cảnh ấy, từ những chiếc xe hoa, bà cụ bán hàng rong… khiến tôi bị mê hoặc.

Kể từ thời điểm đó, mỗi tôi đều trở lại Hà Nội nhiều lần, mỗi chuyến đi đều kéo dài 10-15 ngày, để “khám phá” 4 mùa của tự nhiên và 12 mùa hoa ở “trái tim” của Việt Nam. Sau những chuyến đi lấy cảm hứng, tôi thường phác thảo tranh hoặc chụp lại khoảnh khắc ấn tượng và trở về TP.HCM để sáng tác.

Các bức tranh được vẽ bằng màu nước trên nền giấy Arches của Pháp, cho phép màu nước nhanh khô và giữ độ bền nhất hiện nay. Tuy nhiên, đây cũng là chất liệu vẽ “bút sa gà chết”, vì vậy mỗi tác phẩm thường được tôi thực hiện trong thời gian từ một tuần đến vài tháng, lâu nhất là thời gian tính toán cách đi màu tranh.

Họa sĩ Hoàng Phong và bạn bè tại triển lãm.

Họa sĩ Hoàng Phong và bạn bè tại triển lãm.

Với anh, Hà Nội mùa nào đẹp nhất?

Với tôi, mùa nào Hà Nội cũng đẹp theo cách riêng, nhưng để thương nhớ nhất vẫn là mùa thu, đặc biệt là dịp cuối thu đầu đông. Còn khoảnh khắc đẹp nhất trong ngày là Hà Nội vào sáng sớm, khi phố xá chưa đông đúc xe cộ, người ta ngồi những chiếc ghế đẩu để ăn sáng, và quãng thời gian sau 10 giờ đêm, mà theo những người bạn Hà Nội của tôi nói, đó là thời điểm để cảm nhận trọn phong vị Hà Nội xưa.

Đến với triển lãm, người yêu nghệ thuật sẽ nhận ra một điều khác biệt, đó là các bức tranh đều không tên, không mô tả. Tại sao vậy, thưa anh?

Tôi là người vẽ tranh theo trường phái hiện thực, nên không mong một cái tên, một dòng mô tả sẽ áp đặt cảm nhận của người xem tranh. Đối với tôi, giá trị nghệ thuật nằm ở yếu tố con người, khi mà cả người vẽ và người thưởng tranh đều có câu chuyện riêng, chính sự kết nối giữa họ sẽ tạo thành giá trị cho tác phẩm.

Hơn thế nữa, tôi hiểu, bất cứ ai yêu Hà Nội đều có một tình yêu, một cách nhìn, một câu chuyện riêng của họ với thủ đô. Thứ tình yêu ấy lớn lắm, yêu lắm, và đặc biệt lắm. Tự nó sẽ kể câu chuyện đồng điệu với câu chuyện trong mỗi bức tranh của tôi, và rồi tạo nên nguồn cảm hứng mới để tôi tiếp tục sáng tác và nuôi dưỡng tình yêu Hà Nội.

Nhiều người nhận xét tranh của anh có nét trầm lắng, mang không khí của Hà Nội xưa. Năm nào cũng đến Hà Nội nhiều lần vào các mùa trong năm, liệu có điều gì khiến anh tiếc nuối ở Thủ đô?

Tôi là một người Sài Gòn vẽ về Hà Nội với một tình cảm và cảm nhận riêng biệt, kể một câu chuyện cá nhân dưới góc nhìn có phần chủ quan. Hà Nội là địa danh tôi có nhiều tác phẩm nhất, nhiều cảm hứng sáng tác nhất. Trong góc nhìn của tôi, Hà Nội mang vẻ đẹp đậm chất thơ, ngay đến màu nắng tôi cũng lựa chọn sắc màu trầm lắng, dịu dàng hơn.

Mỗi năm trở lại Hà Nội, tôi lại xót xa vì thấy phố mất đi những vẻ đẹp của năm trước, những ngôi nhà cổ nay đầy màu sắc của biển hiệu quảng cáo. Tôi không mong thế hệ sau này sẽ phải hỏi phố đây nhưng cổ đâu rồi. Hà Nội đã mê hoặc, khiến trái tim tôi thổn thức. Vì vậy, qua tranh của mình, tôi gửi lại vẻ đẹp của Hà Nội ở thời điểm này, để những người yêu thành phố sau này vẫn thấy được dáng vẻ những kiến trúc Pháp, những khu chợ Tết, gánh hàng rong thân quen.

Hồ Hạ (thực hiện )

Nguồn Đầu Tư: https://baodautu.vn/hoa-si-hoang-phong-ha-noi-da-me-hoac-khien-trai-tim-toi-thon-thuc-d200679.html