Họa sĩ Lê Duy Ứng: Cuộc đời là bản hùng ca về tình yêu Tổ quốc

Đại tá, Anh hùng LLVT nhân dân, họa sĩ Lê Duy Ứng – người lính từng dùng máu từ đôi mắt bị thương để vẽ chân dung Bác Hồ trong khoảnh khắc sinh tử của Chiến dịch Hồ Chí Minh. Dù mất đi ánh sáng, ông vẫn không ngừng sáng tạo, gửi gắm trong mỗi tác phẩm ngọn lửa yêu nước cháy bỏng. Cuộc đời ông là bản hùng ca về lòng yêu nước và ý chí kiên cường, truyền cảm hứng mạnh mẽ cho thế hệ trẻ hôm nay.

Đại tá, Anh hùng LLVT nhân dân, họa sĩ Lê Duy Ứng

Đại tá, Anh hùng LLVT nhân dân, họa sĩ Lê Duy Ứng

.P.V: Thưa họa sĩ Lê Duy Ứng, vì sao khi đang là sinh viên học tại Hà Nội, ông lại quyết định làm đơn xin đi nhập ngũ?

-Họa sĩ Lê Duy Ứng: Tôi theo học tại trường Đại học Mỹ thuật Hà Nội. Vì là trường năng khiếu nên rất khó để thi vào, khi tôi thi tuyển trong 100 người trường chỉ lấy 10 người. Vì thế, chúng tôi rất tự hào khi trở thành sinh viên của trường. Nhưng khi ấy hai miền đất nước hai miền lại có chiến tranh đỏ lửa. Nhà tôi quê ở Quảng Bình, một trong những địa điểm khốc liệt bom đạn của giặc bắn phá, nổ tung, trút xuống đường không ngớt.

Nhà tôi bị cháy, bố mẹ bị thương trong khi đi chạy trốn bom đạn rồi qua đời vào năm 1971. Nhà bác ruột cũng không tránh khỏi thảm kịch, B52 đánh vào hầm nhà, sức ép quá lớn cũng không thể qua khỏi. Nhưng kinh hoàng nhất là nhà ông chú họ, khi 13 người đang ăn cơm trưa thì bị bom rơi đúng giữa mâm cơm. Mọi thứ đều trở nên tan nát, vì vậy mà quân dân du kích phải đi nhặt từng miếng thịt một rồi chia ra 13 cái tiểu để chôn.

Nghĩ đến thù nhà, nợ nước và tiếng gọi của miền Nam ruột thịt, lý tưởng đã nảy lên sôi sục trong tôi. Chỉ có đánh cho Mỹ cút, Ngụy nhào, tôi mới yên tâm ngồi trên ghế nhà trường được. Vì thế tôi quyết định làm đơn tình nguyện đi bộ đội. Đơn của tôi đã được chấp nhận từ Hoàn Kiếm - Hà Nội. Năm 1971 tôi lên đường nhập ngũ.

Nhập ngũ cùng đợt này có nhiều sinh viên đến từ Đại học Bách Khoa, Đại học Y, Đại học Tổng hợp, Đại học Văn hóa,... Trường tôi tổng cộng có 7 chiến sĩ, sau khi được huấn luyện tại Yên Thế (Bắc Giang), chúng tôi đi vào chiến trường Thành Cổ Quảng Trị năm 1972, nơi được báo chí quốc tế gọi là “Cối xay thịt người”. Tại đây anh em bộ đội hi sinh nhiều, bạn bè tôi cũng đã có những người ngã xuống không thể trở về.

. Khi bị đạn của giặc bắn vào mắt, điều gì đã khiến ông vẽ bức chân dung Bác Hồ thay vì buông xuôi?

- Tôi luôn tự thấy mình là một người thanh niên có lý tưởng cách mạng, đi theo ánh sáng của Chủ tịch Hồ Chí Minh. Hình ảnh của Người đã bừng lên và xuyên suốt trong tâm trí khi tôi ngã xuống.

Tôi thấy hình ảnh của Người qua bức chân dung được vẽ bằng máu trong rừng U Minh vào năm 1947 của thầy Diệp Minh Châu, một họa sĩ, nhà điêu khắc nổi tiếng. Thầy Châu đã vẽ bức tranh này khi thầy mới 28 tuổi, lúc đấy tôi cũng 28 tuổi, đến sau này tôi mới nhận ra sự trùng hợp kỳ lạ này.

Bên cạnh bức tranh chân dung Bác, tôi còn nhớ đến người chiến sĩ công binh trong các bài thơ viết trên đỉnh Trường Sơn, trước khi người chiến sĩ ấy tắt thở đã dùng toàn lực của mình để khắc chân dung Bác Hồ lên thân cây.

Với kinh nghiệm trên chiến trường, lúc này tôi bị thương nặng lắm mà vẫn tỉnh táo, thì rất có thể là sắp hi sinh. Trong một phút xuất thần, tôi vơ vội chiếc cặp bên cạnh, lấy giấy, chấm máu từ đôi mắt đang chảy để vẽ chân dung Bác Hồ, đề bên dưới dòng chữ “Ánh sáng niềm tin - Con nguyện dâng Người”, ký tên, gấp cho vào ngực áo rồi ngất đi.

Bài báo “Konsten att se med känslorna - Nghệ thuật nhìn bằng cảm xúc” viết về họa sĩ Lê Duy Ứng được xuất bản trên báo Östgöta Correspondenten (Corren), Thụy Điển năm 2002

Bài báo “Konsten att se med känslorna - Nghệ thuật nhìn bằng cảm xúc” viết về họa sĩ Lê Duy Ứng được xuất bản trên báo Östgöta Correspondenten (Corren), Thụy Điển năm 2002

. “Ánh sáng niềm tin” trên bức tranh vẽ bằng máu đó đã soi đường, chỉ lối cho ông như thế nào trong suốt những năm tháng khó khăn sau này?

- “Ánh sáng niềm tin” đã dẫn lối cho tôi suốt chặng đường nửa thế kỷ qua. Đó không chỉ là ánh sáng của lý tưởng cách mạng, mà còn là niềm tin về tuổi trẻ, về cuộc sống và con đường tôi đã chọn.

Là một đảng viên, tôi luôn hướng về Bác, học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh. Bác dặn: “Tàn nhưng không phế”, câu nói ấy trở thành nguồn động viên, giúp tôi kiên trì vượt qua những giai đoạn khó khăn nhất trong cuộc đời.

Có những lúc tưởng chừng không thể đứng dậy, nhưng mỗi khi nghĩ về Người, tôi lại tìm thấy niềm tin để tiếp tục cố gắng. Không chỉ giữ cho riêng mình, tôi mong muốn lan tỏa “ánh sáng niềm tin” ấy đến đồng đội, những người xung quanh, tiếp thêm sức mạnh cho họ trong cuộc sống.

Bởi lẽ, hiện nay, các thế lực thù địch vẫn không ngừng thực hiện chiến lược “Diễn biến hòa bình” với những thủ đoạn tinh vi. Vì vậy, chúng ta không thể lơ là, chủ quan. Giữ vững niềm tin và lý tưởng cách mạng chính là cách để mỗi người vượt qua thử thách, tiếp tục cống hiến cho đất nước.

. Hiện nay, ông vẫn miệt mài sáng tác và giao lưu cùng thế hệ trẻ. Điều gì đã khiến ông tiếp tục gắn bó với nghệ thuật và truyền cảm hứng cho thế hệ trẻ dù tuổi đã cao?

- Dù không còn nhìn thấy, tôi vẫn luôn lắng nghe thế giới xung quanh qua radio, tivi, YouTube và nhiều nền tảng khác. Đôi tai trở thành cầu nối giúp tôi tiếp cận thông tin, cập nhật những chuyển động của xã hội.

Tuy chiến tranh đã lùi xa hơn nửa thế kỷ, nhưng trên không gian mạng, các thế lực phản động vẫn không ngừng hoạt động. Chúng len lỏi vào từng “ngóc ngách” của mạng xã hội, lợi dụng các nền tảng để lan truyền thông tin sai lệch, xuyên tạc sự thật nhằm chống phá Đảng, Nhà nước.

Tôi vẫn nhớ từng câu từng chữ mà Đại tướng Võ Nguyên Giáp nói: “Điếc hai tai, điếc hai tai. Một nhạc sĩ cần nghe được âm thanh mà khi bị điếc hai tai vẫn có thể sáng tác ra những bản nhạc hay nhất cho nhân loại. Đồng chí là một họa sĩ, cần gì nhìn thấy đường nét, hình khối, ánh sáng, màu sắc…bây giờ mắt không còn nhìn thấy được gì thì hãy lấy tấm gương của Beethoven mà phấn đấu, rèn luyện.”

Lời động viên của bác Giáp trong lúc tôi bị thương và bi quan về bản thân cũng như cuộc sống sau này khiến tôi có động lực để vượt qua tất cả, tiếp tục cầm bút trên sự nghiệp sáng tác. Tôi mong câu chuyện và tác phẩm của mình có thể truyền cảm hứng và động lực cho thế hệ trẻ.

Hiện nay, thủ đoạn được các lực lượng phản động sử dụng rất thâm độc. Chúng liên tục lặp đi lặp lại những thông tin sai lệch, cũng giống như một thửa ruộng màu mỡ ban đầu sẽ không có đường đi, nhưng người ta đi qua nhiều cũng thành đường mòn.

Vì thế mà tôi không thể ngồi yên được. Nhiệm vụ của tôi là phải góp sức, tiếp lửa cho thế hệ trẻ xây dựng đất nước.

. Ông muốn nhắn nhủ điều gì đến thế hệ thanh niên trong bối cảnh đất nước bước vào kỷ nguyên vươn mình?

- Tôi luôn tự nhắc nhở bản thân về trách nhiệm truyền lửa cho thế hệ trẻ, giúp các bạn thấm nhuần tinh thần dân tộc. Mỗi khi có cơ hội giao lưu, tôi luôn cố gắng truyền đạt một cách ngắn gọn, súc tích, để thông điệp dễ dàng được tiếp nhận.

Thông điệp mà tôi muốn gửi gắm đến các bạn trẻ là hãy coi trọng sức khỏe. Một đất nước mạnh mẽ phải được xây dựng từ những con người khỏe mạnh, trí tuệ và kiên cường. Vì vậy, rèn luyện thể chất, trau dồi đạo đức và không ngừng học hỏi là điều quan trọng để vươn tới những đỉnh cao của khoa học, kỹ thuật.

Bác Hồ từng dạy: “Có tài mà không có đức là người vô dụng, có đức mà không có tài thì làm việc gì cũng khó.” Đức là nền tảng, tài là công cụ—nếu thiếu một trong hai, con người khó có thể thành công.

Bác cũng đã dặn: “Trời có bốn mùa: Xuân, Hạ, Thu, Đông. Đất có bốn phương: Đông, Tây, Nam, Bắc. Người có bốn đức: Cần, Kiệm, Liêm, Chính.” Đây là những phẩm chất cốt lõi làm nên một con người chân chính. Thiếu đi bất cứ điều nào cũng khó có thể vững vàng trong cuộc đời.

Rèn luyện cả tài lẫn đức, sống cần kiệm, liêm chính, đó chính là con đường để thế hệ trẻ xây dựng một đất nước vững mạnh trong kỷ nguyên mới.

. Xin cảm ơn ông!

PHƯƠNG DINH - NGUYỆT NHI (thực hiện)

Nguồn Văn hóa: http://baovanhoa.vn/nghe-thuat/hoa-si-le-duy-ung-cuoc-doi-la-ban-hung-ca-ve-tinh-yeu-to-quoc-127189.html